GIÁO DỤC

Việt Nam lần đầu tiên thực hiện thành công ghép ruột từ người cho sống

07/11/2020 13:00

Ngày 31/10/2020, Học viện Quân y đã tổ chức họp báo công bố thành công ca ghép ruột trên người từ người cho sống đầu tiên ở Việt Nam tại Bệnh viện Quân Y 103. Đặc biệt, kỹ thuật ghép ruột là kỹ thuật vô cùng khó trong các kỹ thuật ghép tạng.

Bộ Công Thương và Học viện Quân y tìm hướng mở rộng hợp tác về công nghệ sinh học

Học viện Quân y là một trong những trung tâm ghép tạng lớn của quân đội và cả nước. Sau những thành công về ghép thận, ghép gan, ghép tim, ghép đồng thời tụy - thận, ghép phổi, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Quân y xác định triển khai ghép ruột từ người cho sống là một nhiệm vụ trọng tâm.

Để chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ trên, Học viện đã tích cực chuẩn bị, cử cán bộ đi khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về ghép ruột tại Bệnh viện Đại học Tohoku, Nhật Bản và đón đoàn chuyên gia của bạn sang trao đổi kinh nghiệm, tư vấn về ghép ruột tại Học viện.

Việt Nam lần đầu tiên thực hiện thành công ghép ruột từ người cho sống
GS.TS Đỗ Quyết cho biết, sau nhiều năm chuẩn bị, các chuyên gia của Việt Nam đã chinh phục được kỹ thuật ghép ruột

Tháng 12/2019, Học viện Quân y được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện đề tài: “Nghiên cứu triển khai ghép ruột từ người cho sống”, chủ nhiệm đề tài là Trung tướng, GS.TS. Đỗ Quyết.

Sau khi nhận nhiệm vụ, Học viện đã tích cực triển khai nghiên cứu, chuẩn bị cơ sở vật chất , trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất... và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm ghép ruột trên người với các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Tohoku, Nhật Bản. Đồng thời, Học viện cũng phối hợp với các bệnh viện trong nước để tuyển chọn và chăm sóc bệnh nhân có chỉ định ghép ruột.

Bệnh nhân đầu tiên là Nguyễn Văn D, 42 tuổi, có tiền sử phẫu thuật vào ổ bụng 5 lần vì viêm phúc mạc do thủng đại tràng, tắc ruột tại nhiều bệnh viện. Trong đó, bệnh nhân đã phải phẫu thuật cắt ruột khối lượng lớn (chiều dài ruột non còn lại khoảng 80 cm) vào tháng 5/2007. Ngày 2/5/2020 bệnh nhân vào Bệnh viện Quân y 103 - Học viện Quân y với chẩn đoán suy ruột không hồi phục do hội chứng ruột ngắn type 1, rò đại tràng. Bệnh nhân đã được điều trị nuôi dưỡng tích cực qua đường tĩnh mạch và điều chỉnh các rối loạn do suy chức năng ruột gây ra.

Bệnh nhân thứ 2 là Lò Văn T, 26 tuổi. Đầu tháng 9/2020 bệnh nhân bị viêm phúc mạc do hoại tử gần toàn bộ ruột non, được Bệnh viện huyện Than Uyên, Lai Châu phẫu thuật cấp cứu cắt gần hoàn toàn ruột non (chiều dài ruột non còn lại gần 20 cm). Ngày 29/9/2020 bệnh nhân được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Quân y 103 - Học viện Quân y với chẩn đoán suy mòn suy kiệt do hội chứng ruột cực ngắn type 3. Bệnh nhân đã được điều trị tích cực, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Sau đó xuất hiện bệnh gan chuyển hóa liên quan hội chứng suy chức năng ruột.

Sau khi tiếp nhận 2 bệnh nhân, Học viện đã tiến hành khám, xét nghiệm, mời chuyên gia trong nước khám và hội chẩn, xác định cả 2 bệnh nhân trên đều có chỉ định tuyệt đối về ghép ruột. Học viện Quân y đã báo cáo Bộ Y tế xin phép tổ chức thực hiện ghép ruột tại Bệnh viện Quân y 103.

Ngày 27/10/2020, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 - Học viện Quân y đã phối hợp với chuyên gia từ Bệnh viện Đại học Tohoku, Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép ruột cho bệnh nhân Lò Văn T. Người hiến ruột là mẹ đẻ của bệnh nhân (47 tuổi).

Tiếp đó, ngày 28/10/2020, e kíp trên đã thực hiện thành công ca ghép ruột cho bệnh nhân Nguyễn Văn D. Người hiến ruột là em trai của bệnh nhân (40 tuổi). Sau mổ, 2 người hiến ruột đều ổn định; 2 bệnh nhân ghép ruột đang được theo dõi, các chỉ số sinh tồn đều ổn định và đang được điều trị tích cực.

Theo Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y, ghép ruột là một trong những kỹ thuật ghép tạng rất khó. Cơ thể người có 6 tạng quan trọng nếu bị suy mà không ghép thì bệnh nhân sẽ tử vong đó là tim, gan, phổi, thận, tụy, ruột. Giờ đây, sau nhiều năm chuẩn bị, các chuyên gia của Việt Nam đã chinh phục được kỹ thuật ghép ruột.

Đến nay, trên thế giới đã thực hiện được thành công khoảng 1.000 ca ghép ruột. Với thành công này, Việt Nam đã ghi danh vào trong số 22 nước thực hiện được kỹ thuật ghép ruột thành công trên thế giới. Đây là thành công lớn trong lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam.

Quỳnh Nga

TagTag:

Tin mới hơn

Việt Nam ghi nhân 1 ca mắc mới COVID-19, được cách ly ngay Việt Nam ghi nhân 1 ca mắc mới COVID-19, được cách ly ngay Australia viện trợ thêm 2 triệu đôla giúp Việt Nam ứng phó với thiên tai Australia viện trợ thêm 2 triệu đôla giúp Việt Nam ứng phó với thiên tai Giải pháp nhà ở dành cho người khuyết tật tại các khu vực nông thôn Giải pháp nhà ở dành cho người khuyết tật tại các khu vực nông thôn Nhà báo cần làm gì để đảm bảo an toàn thông tin trong môi trường số Nhà báo cần làm gì để đảm bảo an toàn thông tin trong môi trường số

Tin cũ hơn

Đề xuất thành lập Hiệp hội bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí Những lầm tưởng phổ biến về máy chạy bộ Hà Nội: Chuẩn bị gần 40 nghìn tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết 2021 Hội chợ OCOP Quảng Ninh – 2020 thu hút gần 73 nghìn lượt khách Khai trương Báo Điện tử Dân tộc và Phát triển Xây dựng trường học xanh: Từ câu chuyện thu gom vỏ hộp sữa tới các sáng kiến bảo vệ môi trường Hà Nội: Hoạt động thu gom, vận chuyển rác đã được kiểm tra, điều chỉnh hiệu quả
[Xem thêm]