Thời gian qua, bệnh viện Bãi Cháy liên tục tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân có dị vật bã thức ăn đường tiêu hóa do tiêu thụ lượng lớn thực phẩm có nhiều nhựa, chất xơ. Mới đây là trường hợp ông T.X.T (63 tuổi, trú tại Hạ Long, Quảng Ninh) đến viện khám trong tình trạng đau chướng vùng quanh rốn, mạn sườn trái, đau thành cơn, buồn nôn và nôn ra thức ăn. Trước đó, ông T. đã ăn lượng lớn quả hồng trong nhiều ngày.
Kết quả chụp CT-Scanner cho thấy, người bệnh bị tắc ruột non do bã thức ăn kích thước 25x43mm ở vùng hố chậu trái. Các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật cấp cứu tắc ruột cho người này. Trong quá trình mổ, bác sĩ tiến hành mở đoạn ruột non lấy bã thức ăn gây tắc, thiết lập lưu thông ống tiêu hóa, lau rửa ổ bụng và đặt dẫn lưu. Hiện, bệnh nhân phục hồi tốt, sức khỏe ổn định, có thể ăn uống bình thường.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thái Bình, Phó trưởng khoa Ngoại, bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo, quả hồng có chất nhựa làm kết dính thức ăn tạo nên cục thức ăn lớn rất khó tiêu hóa. Bã thức ăn ứ đọng trong dạ dày nếu không được phát hiện, xử trí kịp thời sẽ gây viêm loét, xuất huyết dạ dày, đầy bụng, khó tiêu. Nếu bã thức ăn bị tắc ở ruột non sẽ gây biến chứng như giãn, viêm, phù nề, hoại tử ruột non, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân… dẫn đến tử vong.
Tình trạng tắc ruột do bã thức ăn thường gặp ở người cao tuổi và trẻ nhỏ, nhất là khi ăn lượng lớn thực phẩm có nhiều tanin như hồng, ổi hay bã xơ ở măng. Đặc biệt nếu ăn khi dạ dày trống rỗng, nồng độ axit dạ dày cao, hoa quả có nhiều chất xơ, nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc.
Triệu chứng phổ biến của tắc bã thức ăn trong dạ dày là đau bụng thượng vị, trướng bụng, đầy hơi, nôn, buồn nôn, bí trung đại tiện... Vì vậy, khi gặp dấu hiệu trên, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám, xác định nguyên nhân và xử trí kịp thời, tránh biến chứng tắc ruột đe dọa tính mạng.
Minh Hoa (t/h)