GIÁO DỤC

Xây dựng chuỗi liên kết nông sản trên địa bàn Hà Nội: Thực trạng và Giải pháp

Đăng bởi Quyết Tuấn

11/08/2021 19:57

UBND thành phố Hà Nội vừa qua đã có Quyết định số 2085 ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp theo chuỗi giai đoạn 2021-2025. Theo đó, kinh phí thực hiện gồm nguồn ngân sách thành phố dự kiến hơn 366 tỷ đồng và kinh phí đối ứng của các tổ chức, cá nhân tham gia liên kết, dự kiến hơn 670 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Chí-Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội phân tích cụ thể hơn những gì diễn ra trong thực tế và những bất cập của chuỗi liên kết: Về phía người sản xuất nông nghiệp của thành phố hiện chủ yếu vẫn mang tính manh mún, nhỏ lẻ chưa tạo ra được nhiều sản phẩm an toàn, chất lượng đáp ứng nhu cầu của xã hội. Các hộ sản xuất chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ mà vẫn sản xuất tự phát mạnh ai người đó làm nên chưa tạo được vùng hàng hóa tập trung, chưa biết cách quản trị về chất lượng và số lượng sản phẩm làm ra. Trong khi đó các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm thường yêu cầu ổn định về số lượng, chất lượng, không thể  ký hợp đồng với từng hộ mà phải là nhóm hộ, hợp tác xã hay các trang trại lớn. 

chuoi1-1640145723.jpg
Xây dựng chuỗi liên kết nông sản trên địa bàn Hà Nội: Thực trạng và Giải pháp

Dần dần trên địa bàn đã xuất hiện một số doanh nghiệp biết tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, bước đầu mang lại hiệu quả cho người sản xuất và lợi ích cho người tiêu dùng khi mua được những sản phẩm đúng chất lượng, giá trị, rõ ràng về quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến.

lienket8o3uo9u3o9u3o9u3o9u3o9huihi8y383-1640145797.jpg
Hà Nội duy trì 135 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Trong quá trình liên kết vẫn còn tình trạng hộ tự ý phá vỡ liên kết khi giá sản phẩm tăng mạnh, tự bán ra bên ngoài cho các tư thương và thường bán theo hợp đồng khi giá theo thỏa thuận và giá thị trường ngang nhau. Chính bởi điều này dẫn đến chưa tạo được tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, thiếu niềm tin của doanh nghiệp liên kết khi một số bộ phận nông dân còn chạy theo lợi ích trước mắt, bỏ qua cái lợi ích dài lâu.

Về phía doanh nghiệp trung gian phân phối, tính rủi ro của nông nghiệp lớn trong khi tiếp cận các chính sách hỗ trợ khó khăn nên còn chưa mặn mà đầu tư. Mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất chưa bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, chủ yếu vẫn liên kết theo hình thức không khác tư thương là mấy, thuận mua vừa bán. Sản phẩm khi qua nhiều khâu trung gian phân phối dẫn đến giá bán bị đội lên cao hơn nhiều so với giá thu mua tại cơ sở sản xuất, sức cạnh tranh chưa cao, chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.

Nhiều doanh nghiệp còn chưa biết cách sử dụng thành thạo công cụ mạng xã hội, công nghệ thông tin để tuyên truyền quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đặt mua bán online mà vẫn phụ thuộc vào các không gian cố định như cửa hàng, chợ nên thích ứng với đại dịch Covid 19 còn kém.

4907-ynh-3-1618761362-1640145997.jpg
Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực chế biến nông sản, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Về phía kênh bán lẻ, khi thị trường chưa được minh bạch, vẫn lẫn lộn giữa thực phẩm sạch và bẩn nên vẫn còn việc trà trộn sản phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc để lén cung cấp cho người tiêu dùng. Việc giới thiệu rõ sự khác biệt từ quy trình sản xuất, sơ chế, đóng gói, chế biến của sản phẩm chưa được để ý, quan tâm thỏa đáng.

Chưa có sự phản hồi thông tin hai chiều giữa người sản xuất và người tiêu dùng thông qua kênh bán lẻ để từ đó tác động ngược lại quá trình ở tất cả các khâu từ sản xuất, sơ chế, đóng gói đến chế biến, tạo ra sản phẩm chất lượng, giá bán hợp lý đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Nguyên nhân chính của hiện tượng trên là do một số cửa hàng bán lẻ chạy theo lợi nhuận và nhân viên bán hàng thiếu kỹ năng tiếp thị, tư vấn, chưa tạo ra được lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm.

Về phía người tiêu dùng, từ lâu các phương tiện thông tin luôn tuyên truyền là hãy trở thành người tiêu dùng thông thái nhưng thực tế không thể thông thái được khi họ thiếu các thông tin về sản phẩm, nhất là sự khác biệt giữa sản phẩm sạch, an toàn và sản phẩm chưa an toàn. Bởi thế chủ yếu họ vẫn chỉ quan tâm mỗi đến yếu tố giá cả, chưa biết cách nhận diện thương hiệu, các địa chỉ cơ sở sản xuất uy tín mà tìm mua.

dsc-3139-152304-886-1640146068.jpg
Liên kết chuỗi đem lại lợi nhuận lâu dài

Đây cũng là một phần do lỗi của người sản xuất khi chưa biết cách thông tin về quy trình làm ra sản phẩm của mình, của doanh nghiệp khi chưa truyền thông, định hướng cho người tiêu dùng tìm đến các sản phẩm tốt. Bởi thế mà mong muốn của người sản xuất, người buôn bán, người tiêu dùng chưa thực sự gặp được nhau, đôi khi người tiêu dùng phải sử dụng hàng hóa không an toàn, giá cả đắt không tương xứng với chất lượng bên trong, mất lòng tin với cả người sản xuất lẫn người buôn bán.

Mục tiêu của kế hoạch đặt ra rất lớn là: 100% liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc bằng mã QR code để minh bạch hóa thông tin cho người tiêu dùng tiện kiểm tra; 100% các chủ thể tham gia liên kết chuỗi được đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý và phát triển thị trường; tổ chức sản xuất theo hình thức tiên tiến, hiện đại, tạo giá trị gia tăng cho liên kết chuỗi trong tất cả các khâu, từ sản xuất đến tiêu thụ...

Theo thống kê Hà Nội hiện có khoảng 152.000 doanh nghiệp nhưng chỉ có trên 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phần bởi lợi nhuận thấp, phần bởi rủi ro cao vì là công xưởng ở ngoài trời. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp lại tập trung chủ yếu kinh doanh cung cấp dịch vụ vật tư đầu vào và làm trung gian phân phối tiêu thụ sản phẩm đầu ra, những thứ có khả năng sinh lời chắc chắn hơn.

---

CHUYÊN TRANG VỚI SỰ HỖ TRỢ CỦA CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN HÀ NỘI

Quyết Tuấn