GIÁO DỤC

Sách giáo khoa Tiếng Việt dưới góc độ ngôn ngữ học xã hội 1

02/11/2020 20:52

TGVN. Sách giáo khoa Tiếng Việt nên sử dụng nhiều ngôn ngữ theo mã tinh xảo sẽ giúp học sinh phát triển hơn về giáo dục và sự nghiệp sau này thông qua ngôn ngữ các em sử dụng.

sach giao khoa tieng viet tieu hoc tu goc do ngon ngu hoc xa hoi
Sách giáo khoa Tiếng Việt nên sử dụng nhiều ngôn ngữ theo mã tinh xảo sẽ giúp học sinh phát triển hơn về giáo dục và sự nghiệp sau này thông qua ngôn ngữ các em sử dụng. (Nguồn: VNE)

Ngôn ngữ học xã hội (sociolinguistics) là lĩnh vực nghiên cứu ảnh hưởng của các lĩnh vực xã hội, bao gồm các khuôn mẫu văn hóa, ý thức, ngữ cảnh, kỳ vọng… qua cách sử dụng ngôn ngữ của cá nhân hay một tập thể trong cộng đồng và những tác động của việc sử dụng ngôn ngữ đó đến xã hội.

Ngôn ngữ học xã hội cũng nghiên cứu ngữ pháp, ngữ âm, từ vựng, và các phương diện khác của ngôn ngữ của cá nhân hay nhóm xã hội cũng như những phương thức xây dựng, truyền đạt trên một vùng hay giao thoa ngôn ngữ giữa các vùng miền.

Ngôn ngữ học xã hội bắt đầu được đón nhận rộng rãi ở phương Tây từ thập niên 1960 với nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học như Basil Benstein, William Labov, William Stewart, Heinz Kloss.

Theo đó, ngôn ngữ sử dụng của một nhóm người nào đó chịu ảnh hưởng rất lớn của cộng đồng ngôn ngữ theo một cách riêng và các thành viên trong cộng đồng thống nhất cách sử dụng đó. Tuy nhiên, để được công nhận là một thành viên của cộng đồng ngôn ngữ thì cá thể đó phải có kỹ năng sử ngôn ngữ một cách chính xác trong từng tình huống, không gây hiểu nhầm trong giao tiếp ở cộng đồng.

Một cộng đồng ngôn ngữ xác định có thể phát triển thành một mạng lưới xã hội (social network). Ở phạm vi rộng, mạng lưới xã hội có thể là một đất nước hoặc một tỉnh, một thành phố nên ngôn ngữ sử dụng thường mang tính phổ thông. Ở phạm vi hẹp, mạng lưới xã hội là những người trong một gia đình, một xóm nhỏ hoặc một phường, xã nên ngôn ngữ thường mang tính địa phương.

Nhà ngôn ngữ học Bernstein nhấn mạnh, chức năng của ngôn ngữ là truyền đạt, bảo tồn và điều chỉnh các khuôn mẫu văn hoá. Ông kết luận: “Ngôn ngữ không thể là gì khác mà chính là một hình thức hoạt động xã hội được cam kết về mặt ý thức hệ”.

Với nhiều công trình nghiên cứu kéo dài hơn 40 năm, Bernstein chỉ ra rằng ngôn ngữ sử dụng của một người khi trưởng thành chịu ảnh hưởng rất lớn từ cách dạy dỗ ở nhà trường. Ông xây dựng một hệ thống mã ngôn ngữ dùng để phân loại cấu trúc ngôn ngữ cho các giai tầng xã hội khác nhau. Theo ông, thành phần trung lưu trong xã hội luôn có cách sử dụng ngôn ngữ rất khác biệt với tầng lớp lao động thông qua mã ngôn ngữ của họ.

Ông chia ngôn ngữ hàng ngày thành hai mã chính và đặt tên là Elaborated code (tạm dịch là: Mã tinh xảo) và Restricted code (tạm dịch là: Mã hạn chế).

Mã tinh xảo là cấu trúc ngôn ngữ tầng lớp trung-thượng lưu sử dụng để đạt được những lợi thế trong giáo dục và sự nghiệp. Mã tinh xảo là hình thức diễn đạt ngôn ngữ chặt chẽ giúp cho cá nhân làm rõ ý kiến của mình, nhấn mạnh được quan điểm và cái tôi cá nhân.

Thành phần ngôn ngữ của mã tinh xảo chứa các dạng câu đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ với nhiều danh từ, tính từ, sử dụng ngôn ngữ phổ thông và các dạng câu hỏi như: “Thế nào?”, “Tại sao?”, “Khi nào?”… Do đó, các cá nhân có thể diễn đạt được đầy đủ quan điểm, ý tưởng của mình với mã tinh xảo trong mọi hoàn cảnh giao tiếp.

Ngược lại, mã hạn chế là cấu trúc ngôn ngữ tầng lớp lao động hay sử dụng, loại mã này giúp tăng cường sự liên kết giữa các thành viên trong nhóm, không cần phải làm rõ nghĩa vì họ cùng chia sẻ những trải nghiệm và hiểu biết chung. Mã hạn chế là hình thức diễn đạt ngôn ngữ ngắn gọn, phù hợp với tình huống, hoàn cảnh, mang tính quy ước, kĩ thuật chứ không mang tính quan điểm cá nhân.

Thành phần ngôn ngữ của mã hạn chế thường chứa các câu nói ngắn gọn, cộc lốc, sử dụng tiếng lóng, tiếng địa phương, có thể có chủ ngữ hoặc không. Nội dung diễn đạt thường nặng về động từ với các câu mệnh lệnh, cầu khiến, câu hỏi dạng đảo (có/không). Mã hạn chế thường đi kèm ngữ cảnh giao tiếp, nếu không, rất khó được hiểu trọn vẹn.

Theo Bernstein, nhà trường cần sử dụng cả hai mã ngôn ngữ trong giáo dục học sinh. Mã hạn chế giúp cho giáo viên xây dựng mối quan hệ tình cảm, gần gũi hoặc dùng để truyền đạt mệnh lệnh dạy học trong lớp họp. Mã tinh xảo giúp cho học sinh xây dựng và phát triển ngôn ngữ toàn diện, tạo cho các em diễn đạt đầy đủ được những quan điểm, nguyện vọng, chính kiến của cá nhân.

Như vậy, theo quan điểm của ngôn ngữ học xã hội, sách giáo khoa Tiếng Việt nên sử dụng nhiều ngôn ngữ theo mã tinh xảo. Điều này sẽ giúp học sinh phát triển hơn về giáo dục và sự nghiệp sau này thông qua ngôn ngữ các em sử dụng.

Những ồn ào vừa qua của phụ huynh học sinh về sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều, xét trên quan điểm ngôn ngữ học xã hội, nằm ở chỗ có quá nhiều ngôn ngữ của mã hạn chế được sử dụng trong sách. Ví dụ các bài đọc trong sách chứa quá nhiều động từ như: “ngoạm”, “tợp”, “đớp” “ngó”, “cuỗm”, “vọt”, “nhá”….

Bên cạnh đó, sách dùng nhiều từ địa phương như: “chả” (không, chẳng), “mi” (mày)... chỉ phù hợp với cộng đồng ngôn ngữ nhỏ ở một số vùng miền chứ không phù hợp với mạng lưới xã hội (social network) ở tầm quốc gia.

Thiết nghĩ, các tác giả cần nghiên cứu, xem xét một cách nghiêm túc ngôn ngữ sử dụng trong sách giáo khoa Tiếng Việt theo quan điểm ngôn ngữ học xã hội để giúp học sinh phát triển toàn diện về năng lực ngôn ngữ cho bản thân.

Điều chỉnh 3 điểm khi thẩm định sách giáo khoa là những điểm gì?

Điều chỉnh 3 điểm khi thẩm định sách giáo khoa là những điểm gì?

TGVN. Để tránh những điều đáng tiếc trong thẩm định SGK như vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu ...

Bạn đã góp ý về sách tiếng Việt lớp 1 như thế nào?

Bạn đã góp ý về sách tiếng Việt lớp 1 như thế nào?

TGVN. Sách tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh diều có lẽ là từ khóa được sử dụng nhiều nhất trong tìm kiếm và là đề ...

Sách giáo khoa lớp 1: Đổi mới có bằng cũ?

Sách giáo khoa lớp 1: Đổi mới có bằng cũ?

TGVN. Vì câu chuyện sách giáo khoa lớp 1 mà có bác nông dân nói với tôi rằng, ngành Giáo dục đổi mới sách vở ...