Nhiều đêm khóc ướt gối vì buồn
Có mặt tại phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An để nhận giấy khen do đã đạt thành tích xuất sắc, nhưng do phải di chuyển trong đoạn đường dài nên cô giáo Lê Thị Hạnh (SN 1978), giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Na Loi trong hình dạng lấm lem bùn đất phải chạy ù vào nhà vệ sinh để rửa mặt.
Cô vừa kết thúc buổi dạy học buổi sáng. Để kịp có mặt cô đã phải chạy xe máy hơn 2 tiếng đồng hồ một mình từ xã Na Loi ra thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn. “Hôm nay thời tiết nắng rồi nên đi lại dễ dàng hơn. Trước đây, lần đầu tiên tôi đi vào trường thì phải di chuyển từ 8h đến 16h. Còn như mấy hôm trước mưa liên tục, sạt lở đất thì tôi chẳng dám đi đâu”, cô Hạnh cười.
Cô Lê Thị Hạnh sinh ra và lớn lên tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Vì vậy, có nằm mơ cô cũng chẳng thể nào nghĩ đến việc sau khi đi làm mình sẽ xa nhà hơn 250km. Điều đáng nói, đây lại là một trong những nơi khó khăn bậc nhất của tỉnh Nghệ An.
Ấy vậy mà năm 2002, một mình cô bắt xe khách đi lên thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, rồi lại bắt xe ôm vào trường THCS Na Loi. Thời điểm đó, số tiền mà lái xe chấp nhận chở khách vào Na Loi là 250.000 đồng, trong khi mức lương khởi điểm của cô chỉ là 750.000 đồng.
“Thời điểm đi nửa đường, tôi đã buồn phát khóc và có suy nghĩ hay là quay lại. Lần đầu tiên tôi một mình đi xa như vậy, lại là nơi khó khăn như vậy. Rất nhiều đêm sau này tôi cũng khóc ướt gối. Một mình trong căn phòng vắng, ngoài kia sương lạnh, tiếng thú rừng kêu, cảm giác tủi thân vô cùng”, cô Hạnh nhớ lại.
Rất may, cô có đồng nghiệp ở bên động viên tạo cảm giác như một gia đình và đặc biệt là ánh mắt thơ ngây của các học trò, khát khao học tập của các em đã níu kéo cô ở lại. 18 năm công tác, chính cô cũng không ngờ mình ở lại ở đây dạy học lâu như vậy.
Khi được hỏi về gia đình, một thoáng buồn hiện lên trong đôi mắt của nữ giáo viên. Chồng cô là một người lính, hiện đang công tác tại Hải đội 2, bộ đội Biên phòng Nghệ An, đóng quân tại phường Nghi Hải, thị xã biển Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Một người ở núi rừng, một người ở biển, khoảng cách xa đến hơn 300km. Vì vậy, số lần hai người gặp nhau chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
“Tôi thì có lịch nghỉ hè và nghỉ Tết Nguyên Đán, nhưng anh ấy thì thường xuyên làm nhiệm vụ nên không phải khi nào cũng được về. Tuy nhiên, mỗi năm anh ấy sẽ cố gắng để dành phép để cố gắng trùng vào ngày tôi được nghỉ. Hoàn cảnh gia đình tôi không giống như người khác, nên đành phải chấp nhận và động viên nhau cùng cố gắng, hoàn thành nhiệm vụ”, cô Hạnh nói.
Điều cô xót xa nhất chính là vì cả vợ chồng đều công tác nơi biên giới nên không thể chăm sóc được người con gái. Vì vậy, khi cháu được 3 tuổi thì cô đã phải bế về ông bà nội nhờ nuôi dưỡng. Đến nay, cháu đã bước sang tuổi thứ 15 và đang dần trở thành thiếu nữ. Thế nhưng, quãng thời gian cô được ở cùng con cũng vô cùng ít. Thậm chí, vào đầu năm học khi họp phụ huynh thì cô cũng không thể có mặt. Bởi lúc này cô đang cùng các đồng nghiệp của mình đi vận động học sinh đến trường đầu năm.
18 năm vận động học sinh đến trường
18 năm đứng trên bục giảng nên cô Lê Thị Hạnh có rất nhiều kỷ niệm. Vì vậy, khi được hỏi về việc nhớ nhất thì cô ngẩn người hồi lâu rồi chỉ lắc đầu. Bởi đối với giáo viên vùng cao, khó khăn nào cũng đã trải qua, cay đắng nào cũng đã nếm đủ. Chỉ riêng việc kể về cuộc sống nơi đây đã có vô vàn câu chuyện đáng nhớ.
“Tôi còn nhớ năm 2003, nước lũ dâng lên đã cô lập hoàn toàn ngôi trường trong nhiều ngày. Lương thực hết, các thầy giáo phải liều mình bơi ra để mua mỳ tôm, rồi lại đội lên đầu để đưa về. Ở Na Loi chỉ là con đường đất, mưa xuống thì vô cùng trơn trượt, lầy lội. Đi xe mà ngã vài lần là chuyện rất bình thường”, cô nói.
Dù chỉ cách thị trấn 50km nhưng để vào được trung tâm xã Na Loi là một điều vô cùng gian nan. Mặc dù có kinh nghiệm hàng chục năm đi ra đi vào nhưng cô Lê Thị Hạnh vẫn tự nhận mình là người “non gan”. “Tôi chỉ có thể đi vào những ngày khô ráo, còn hôm nào mưa thì tôi sẽ ở trong trường chứ không dám đi ra thị trấn”, cô Hạnh cười.
Tuy nhiên, khó khăn nhất của các thầy cô ở đây chính là vận động học sinh đến trường. Bởi cứ vào đầu năm học và sau thời gian nghỉ Tết thì số lượng học sinh bỏ học rất nhiều. Không còn cách nào khác, các thầy cô chia nhau đến tận nhà để đưa các em đến trường.
“Năm nào cũng phải đi vận động. Các em thì ngoan, chăm học. Nhưng hoàn cảnh ở đây còn khó khăn quá, gia đình chủ yếu làm nương rẫy nên các em phải theo bố mẹ. Vì vậy các thầy cô phải kiên trì thì các phụ huynh mới dần dần cho con em đến lớp”, cô Hạnh kể.
Thầy Phan Văn Thiết – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cho biết, mặc dù có nhiều khó khăn trong cuộc sống và công tác giảng dạy, nhưng cô Lê Thị Hạnh vẫn luôn cô gắng hoàn thành tốt trách nhiệm được giao. Mấy năm nay, cô luôn là giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Đặc biệt, năm 2020, cô là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.