Một người khoan dung cho lỗi lầm của người khác thì đó không phải là yếu hèn mà là một loại thiện tâm phát ra từ trái tim, là thể hiện của tâm từ bi, nhẫn chịu và chính nghĩa. Nó đặt cơ sở trên sự tu dưỡng nội tâm của một người, là cách người đó đối diện với mâu thuẫn, được mất cá nhân. Có câu nói rằng: “Khoan dung người khác không phải kẻ ngốc, kẻ ngốc sẽ không khoan dung cho người khác”. Có thể khoan dung người khác, có thể lượng thứ cho người khác sẽ khiến nội tâm phát ra một loại cảm giác ấm áp, không chỉ tránh cho xung đột xảy ra mà còn khiến đối phương tự phát ra tâm xấu hổ mà sửa đổi bản thân, hướng theo điều thiện.
Trong nền văn hóa mấy ngàn năm, những câu chuyện khoan dung độ lượng cho lỗi lầm của người khác được ghi chép lại rất nhiều. Sách “Hậu Hán Thư” có ghi lại câu chuyện giữa hai người hàng xóm là Trần Hiểu và Kỷ Bá như sau
Ảnh minh họa nguồn internet
Thời nhà Hán, Trần Hiểu và Kỷ Bá là hàng xóm của nhau. Kỷ Bá vốn tham lam, vì muốn mở rộng phần đất của nhà mình nhưng không muốn mọi người biết chuyện, nên giữa đêm khuya vắng người, anh ta đã bí mật kéo hàng rào giữa hai nhà nhích một chút sang phần đất của nhà Trần Hiểu.
Sau khi Trần Hiểu phát hiện ra chuyện này, anh ta không những không tức giận mà còn nhân lúc Kỷ Bá không để ý đã lặng lẽ nhổ hàng rào và nhích thêm một chút vào phần đất của nhà mình. Việc này khiến cho phần đất của nhà Kỷ Bá trở nên rộng hơn nữa.
Sáng hôm sau, khi Kỷ Bá tỉnh dậy, nhìn thấy hàng rào được đẩy sâu thêm, khiến cho phần đất của nhà mình rộng hơn, Kỷ Bá đã rất chấn động. Anh ta không ngờ rằng Trần Hiểu không những không quan tâm đến chuyện tranh chấp đất đai với mình mà còn bao dung cho hành vi của mình. Hơn nữa, Trần Hiểu còn chủ động nhường cho anh ta một phần đất nữa. Càng nghĩ đến tấm lòng rộng lượng của Trần Hiểu và hành vi không tốt của mình, Kỷ Bá càng cảm thấy vô cùng xấu hổ.
Cuối cùng, Kỷ Bá chẳng những trả lại toàn bộ phần đất đai đã lấn chiếm cho Trần Hiểu mà còn di chuyển hàng rào sang bên phần đất nhà mình một trượng để tỏ lòng biết ơn đối với tấm lòng khoan dung rộng lượng của Trần Hiểu.
Ảnh minh họa nguồn internet
Về sau, khi biết được sự việc này, Chu Thái Thú đã rất ngưỡng mộ phẩm đức lễ nhượng, tấm lòng khoan dung của Trần Hiểu. Ông đã cho khắc lên đá hai chữ “Nghĩa lý” (ý tứ là cái nghĩa xóm làng) để ca ngợi Trần Hiểu, đồng thời để dân chúng học tập noi gương.
Trong cuộc sống hiện đại, con người thường có tâm so đo, tính toán, thường e sợ bản thân quá khoan dung, đối đãi tử tế với người khác sẽ bị người khác phụ bạc. Nhưng suy cho cùng, khoan dung người khác, đối đãi tốt với người khác chính là đối đãi tốt với bản thân mình. Khoan dung người khác, đối xử tử tế với người khác chẳng những tránh cho bản thân lâm vào khổ não vì tranh đấu mà còn vô hình giúp bản thân kết được thiện duyên, trợ giúp chính mình hóa giải được họa nạn.
Mạnh Tử giảng rằng: “Yêu người thì được người yêu lại, kính người thì được người kính lại”. Nười có thể khoan dung với người khác, dùng hòa khí đối đãi với người khác thì đối phương tự nhiên sẽ bị cảm động và họ sẽ báo đáp lại bằng tình yêu thương tương đồng.
Còn người không thể bao dung người khác thì trong tâm thường sẽ có bất bình, thậm chí là oán giận, phẫn hận. Do đó, những người như vậy càng dễ dàng nảy sinh xung đột với người khác. Khi trong tâm một người không đủ rộng lượng thì sẽ chất chứa nhiều điều phiền não. Ngay cả những điều người khác không cho là phiền não, thì tâm người kia cũng vẫn cảm thấy phiền não.
Người khoan dung là người có phúc. Bởi vì tấm lòng khoan dung của họ không chỉ khiến cho bản thân họ vui vẻ mà còn đem lại hòa khí cho chính bản thân gia đình, nó cũng khiến cho bạn bè làng xóm càng thêm gắn bó, thân thiện hơn, và làm cho toàn xã hội hòa thuận, ấm áp hơn.
Cơ sở của khoan dung nằm ở “tu thân”, do đó đối với những vấn đề cá nhân được mất, những vấn đề thiết thân, động chạm đến tâm linh con người thì cần dùng khoan dung mà đối đãi. Tuy nhiên sau khi “tu thân” rồi thì vẫn phải “trị quốc”, ở những vấn đề lớn lao hơn thì khoan dung cá nhân là không đủ. Nghiêm khắc đối đãi với điều ác, biểu dương điều thiện, duy hộ pháp luật, duy hộ đạo lý và chính nghĩa, từ đó mà bảo vệ được toàn bộ xã hội, nhưng lại vẫn có thể biểu hiện sự thiện lương trong từng công việc, đó lại là một loại khoan dung to lớn hơn nữa. Khoan dung “tu thân” thì kẻ yếu hèn không làm được, mà khoan dung “trị quốc” này thì kẻ yếu hèn càng không làm được.