Lễ ký quy chế phối hợp - Ảnh: VGP/Thiện Tâm |
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác. Đặc biệt, ngành du lịch có quan hệ gắn bó chặt chẽ với ngành thương mại-quản lý thị trường. Hai ngành đều có mục tiêu chung là phục vụ người tiêu dùng-khách du lịch với các sản phẩm, dịch vụ bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật. Trong bối cảnh cả hai ngành đang tích cực ứng dụng công nghệ số, sẵn sàng cho tình trạng “bình thường mới”, thực hiện “mục tiêu kép” được Chính phủ giao, việc tăng cường, phối hợp giữa hai ngành có ý nghĩa rất quan trọng.
Giai đoạn 2015-2019, du lịch Việt Nam phát triển đột phá. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn xảy ra tình trạng khách du lịch bị ép giá, lừa đảo, quảng cáo không đúng với chất lượng sản phẩm, dịch vụ thực tế, mất vệ sinh an toàn thực phẩm… Những sự việc xảy ra dù chỉ là đơn lẻ nhưng có hệ lụy rất xấu, ảnh hưởng lớn đến ấn tượng của du khách trong hành trình trải nghiệm ở Việt Nam, làm giảm uy tín, thương hiệu của du lịch Việt Nam.
Trong thời gian qua, Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý thị trường cùng các cơ quan liên quan đã có những hoạt động phối hợp triển khai một số ứng dụng công nghệ số theo mô hình tiên tiến của thế giới như: “Thẻ Việt-Một thẻ quốc gia”; “Du lịch Việt Nam”, “Hướng dẫn du lịch Việt Nam”, “Du lịch Việt Nam an toàn”... Để tiếp tục phát huy mạnh mẽ những kết quả tích cực bước đầu đạt được, việc ký kết Quy chế phối hợp nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ số, hỗ trợ tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh và bảo vệ quyền lợi của khách du lịch ở Việt Nam.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, trong đó có ngành du lịch. Để bảo đảm chất lượng nguồn hàng, sản phẩm gồm cả các sản phẩm du lịch, hằng ngày, hằng giờ đội ngũ quản lý thị trường thực thi nhiệm vụ chống gian lận thương mại, hàng lậu, hàng nhái, nhất là tình trạng găm hàng khẩu trang, thuốc men trong thời gian dịch COVID-19 diễn ra căng thẳng.
Bên cạnh đó, thực trạng hàng xâm phạm, vệ sinh an toàn thực phẩm... còn rất nhức nhối, nhất là tại các thành phố lớn điển hình như Hà Nội, điều này làm xấu đi hình ảnh đất nước, đặc biệt là trong mắt bạn bè quốc tế. Hiện nay, du lịch trực tuyến chiếm tỉ trọng càng ngày càng lớn, việc gian lận thương mại trên thị trường internet như đặt tour du lịch diễn ra khá nhiều. Vì vậy, với tính chất của ngành quản lý thị trường là nhanh chóng, tức thời xử lý ngay vụ việc vi phạm, việc phối hợp tạo nền tảng kết nối nhằm nhận phản ánh từ khách du lịch, nhà hàng, khách sạn, đội ngũ quản lý được nhanh chóng, kịp thời hơn.
Tại sự kiện, Ban Tổ chức cũng giới thiệu và hướng dẫn trải nghiệm ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”. Ứng dụng đã được Tổng cục Du lịch chính thức ra mắt vào ngày 10/10/2020 với ưu điểm nổi bật là các tính năng kết nối liên thông giữa du khách, đơn vị cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước.
Thiện Tâm