GIÁO DỤC

Thắng cảnh Côn Sơn

25/11/2020 19:30

Thắng cảnh Côn Sơn Trang chủTin tứcVăn hóaDu lịchQuản lý nhà nướcHoạt động du lịchDoanh nghiệpChính sáchĐào tạoMừng Xuân Kỷ Hợi 2019Thương hiệu du lịch...

Năm 1384, Côn Sơn đã được Nguyễn Phi Khanh (thân sinh của Nguyễn Trãi) miêu tả như một cảnh thần tiên “Khói đầu non, ráng ngoài đảo, gấm vóc phô bày. Hoa dọc suối, cỏ ven rừng, biếc hồng phấp phới. Bóng mát để nghỉ, chỗ vắng để ngồi, mùi thơm để ngửi, sắc đẹp để xem. Phàm những hình ảnh trong mát, tiếng suối reo xa vời mà hư không, sâu thẳm mà yên lặng, hợp với tai mắt và tâm hồn con người ở đây đều có cả…”. 

Không gian xanh ở Côn Sơn - Kiếp Bạc 

Côn Sơn thuộc tỉnh Hải Dương là một danh thắng và di tích lịch sử đã in dấu trên sử sách từ 7 thế kỷ trước. Đến nay, hàng trăm năm đã qua đi với biết bao biến cố, Côn Sơn vẫn giữ được màu sắc thanh xuân, tươi mát, u tịch trong màu xanh kỳ diệu của núi rừng và vẫn là điểm du lịch hàng năm thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan, chiêm ngưỡng… Núi Côn Sơn (dân gian thường gọi là núi Hun) cao gần 200m dài trên 1km thuộc xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh. Núi có hình con sư tử khổng lồ sau những năm tháng viễn du đã chọn nơi đây làm điểm dừng chân vĩnh viễn. Phía Bắc Côn Sơn giáp núi Ngũ Nhạc, cao 238m, trên đỉnh có miếu thờ thần gọi là “Ngũ Nhạc linh từ”, phía Tây tiếp nối với núi U Bò và một thung lũng xanh tươi những lũy tre, tiếp đó là núi Phượng Hoàng, có rừng thông bát ngát, suối trong rì rào, đã núi lô xô, chùa tháp cổ kính với 72 ngọn núi ngoạn mục. Núi Phượng Hoàng là địa danh gắn liền với tên tuổi danh nhân tài đức vẹn toàn Chu Văn An - người thầy giáo mẫu mực thời Trần lui triều dựng nhà dạy học nơi đây.

Đỉnh Côn Sơn là một khu đất bằng phẳng, tại đây có nhiều phiến đá rộng, tục gọi là bàn cờ tiên. Khách tham quan có thể từ chân núi lên “đánh cờ” sau khi đã “qua” đủ 600 bậc tam cấp bằng đá xếp. Đặc biệt, rừng Côn Sơn được tạo nên bởi bạt ngàn nhiều cây thông mã vi, có cây tuổi vài thế kỷ. Ngoài thông là trúc, nứa, sim mua, mẫu đơn… Mỗi năm khi mùa Xuân đến, Côn Sơn như khoác trên mình tấm áo hoa tươi thắm.

Giếng Ngọc nằm ở sườn núi Kỳ Lân 

Suối Côn Sơn cũng là điểm dừng chân của không ít khách du lịch. Dòng suối này rì rào chảy quanh năm suốt tháng. Bên suối có hai tảng đá sỏi kết lớn tương đối bằng phẳng - gọi là Thạch Bàn (còn gọi là hòn đá năm gian). Tương truyền Nguyễn Trãi thường ngồi đây ngắm cảnh, làm thơ và suy tư việc nước.

Dưới chân núi Côn Sơn có một ngôi chùa cổ nằm trong một khuôn viên khá rộng, gọi là chùa Côn Sơn (tục gọi là chùa Hun). Ngôi chùa này được khởi dựng vào cuối thế kỷ 13, mở rộng năm 1329 và trùng tu, tôn tạo ở các thế kỷ 17, 18 và mấy chục năm gần đây. Chùa hiện nay có kiến trúc kiểu chữ “Công”, còn ngói mũi hàn và đá tảng hoa sen là di tích thời Trần. Trong chùa có những tượng Phật cỡ lớn, cao tới 2 - 3m, 14 tấm bia đá dựng từ thời hậu Lê ở xung quanh chùa là những văn bản ghi nhận các sự kiện quan trọng xảy ra trên mảnh đất này.

Du khách đến Kiếp Bạc hiện nay sẽ được thưởng thức trà sen do BQL Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc khôi phục lại

Điều đặc biệt hơn nữa là khi đã đến Côn Sơn thì không thể không đến thăm Kiếp Bạc - một nơi gắn liền nhiều truyền thuyết về Trần Hưng Đạo, người anh hùng dân tộc thời Trần. Kiếp Bạc chỉ cách Côn Sơn khoảng 5km, thuộc xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh (Hải Dương). Ở đây có dãy núi Rồng hình ngai bao lấy một thung lũng trù phú và thơ mộng. Giữa thung lũng này có sông Vang tuy nhỏ và sâu, tạo điều kiện cho thuyền bè vào sát chân núi. Hai nhánh núi Rồng tiến sát dàng sông, nhánh phía Bắc gọi là núi Bắc Đẩu, nhánh phía Nam gọi là núi Nam Tào. Từ đỉnh hai ngọn núi này có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng rộng lớn. Vì thế, Kiếp Bạc không chỉ là một cảnh quan hùng vĩ mà còn là một vị trí quân sự quan trọng. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Trần Hưng Đạo đã lập phủ đệ và quân doanh ở đây từ sau cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ nhất.

Qua nhiều năm nghiên cứu, khai quật, tại Kiếp Bạc đã phát hiện ra nhiều di tích quý như xưởng thuyền, đường hành cung, hang tiền, hang thóc, đồ gốm, vũ khí… của thời Trần. Từ nhiều thế kỷ trước, kỷ niệm ngày mất của Trần Hưng Đạo đã trở thành ngày hội lớn của dân tộc. Hội bắt đầu từ 16 đến 20 tháng 8 âm lịch hàng năm. Trong những ngày này, có hàng vạn người đến tham dự, hàng nghìn con thuyền đậu trên bến sông. Bên cạnh hội đền là hội chợ và các trò vui dân gian. Người ta mang đến đây hàng hóa đủ loại và các đặc sản địa phương, thỏa mãn khách trẩy hội mua sắm làm kỷ niệm.

Lễ hội quân trong Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc

Côn Sơn - Kiếp Bạc thực sự là nơi có nhiều cảnh quan hấp dẫn, bảo tồn được nhiều di tích có giá trị. Hàng năm, với hai mùa lễ hội lớn (hội Côn Sơn bắt đầu từ rằm tháng Giêng âm lịch, Kiếp Bạc từ 16 tháng 8 âm lịch), Côn Sơn – Kiếp Bạc đã và đang hấp dẫn đông đảo du khách và những người hành hương trong và ngoài nước tụ hội về đây.

Minh Sơn

Bạn đang đọc bài viết "Thắng cảnh Côn Sơn" tại chuyên mục Du lịch.