Theo Ths Nguyễn Văn Chí, Chi Cục trưởng Chi Cục Phát triển nông thôn Hà Nội, cho biết: Qua theo dõi, kinh tế trang trại của Hà Nội đều phát triển theo bề rộng và chiều sâu. Các tiêu chí theo đúng Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT, ngày 28/2/2020, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định tiêu chí kinh tế trang trại (trang trại có mức hạn điền tối thiểu là 2,1ha, giá trị sản lượng hàng hóa tối thiểu đạt 700 triệu đồng/năm).
Đối với trang trại chăn nuôi, giá trị sản lượng hàng hóa bình quân đạt 2,369 tỷ đồng/trang trại/năm. Con số này đối với trang trại tổng hợp là 2,834 tỷ đồng/trang trại/năm; Trang trại trồng trọt 2,064 tỷ đồng/trang trại/năm; Trang trại du lịch 2,4 tỷ đồng/trang trại/năm và trang trại lâm nghiệp đạt 1,1 tỷ đồng. Nhìn chung, kinh tế trang trại trên địa bàn thành phố phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn, gia tăng giá trị, bền vững.
Phát huy thế mạnh, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy ngành kinh tế trang trại phát triển. Cụ thể, giai đoạn từ 2016-2020, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, văn bản cụ thể hóa cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại. Đơn cử trong công tác đào tạo, tập huấn, 5 năm qua, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đã tổ chức 90 lớp tập huấn với 5.400 lượt học viên là các chủ trang trại tham dự.
Năm 2021, con số này là 15 lớp tập huấn, hiện đã tổ chức được 6 lớp với 360 học viên tham gia, giúp cho các chủ trang trại nâng cao năng lực, trình độ quản lý sản xuất, kỹ năng xây dựng, lập phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững…
Nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các sở, ngành thành phố đã tạo điều kiện cho các chủ trang trai tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm do Trung ương, thành phố tổ chức. Các địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại. Nhiều trang trại được thuê quỹ đất công ích để phát triển sản xuất.
Ngoài ra, hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ cho vay hàng trăm tỷ đồng để các trang trại đầu tư mở rộng sản xuất. Các trang trại cũng đã chủ động khai thác các nguồn vốn vay hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm để phát triển sản xuất từ các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hội Nông dân, Quỹ Phát triển hợp tác xã, Quỹ Tín dụng Nhân dân...
Nhiều mô hình kinh tế trang trại nông nghiệp đã thu hút sự đầu tư quy mô lớn
Bên cạnh thuận lợi là cơ bản, việc phát triển kinh tế trang trại hiện nay ở Hà Nội cũng gặp một số khó khăn về nguồn vốn, lao động, ứng dụng khoa học công nghệ mới, xúc tiến thương mại, đặc biệt là về đất đai để làm trang trại. Hiện nay, đất trang trại chủ yếu là đất thuê, đất đấu thầu nên không đủ điều kiện bảo đảm vay ngân hàng và với đất công ích cứ 5 năm phải đấu thầu lại nên chưa tạo động lực thúc đẩy các chủ trang trại đầu tư phát triển sản xuất...
Cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại hạn chế cũng chưa khuyến khích thúc đẩy phát triển trang trại. Trong khi đó, trình độ quản lý và sản xuất của các chủ trang trại chủ yếu chưa qua đào tạo nên khả năng quản lý sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ nông sản còn hạn chế. Chất lượng sản phẩm từ các trang trại chưa cao, chưa chú trọng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm. Liên kết giữa các trang trại với nhau, với các hợp tác xã và liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế nên chưa phát huy được hết lợi thế của vùng.
Chia sẻ về những biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho phát triển kinh tế trang trại, Ths Nguyễn Văn Chí, Chi Cục trưởng Chi Cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho hay, nhiệm vụ phát triển kinh tế trang trại đặt ra trong giai đoạn mới là khá lớn, đòi hỏi sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.
“Với trách nhiệm của ngành Nông nghiệp Hà Nội, song song tham mưu thành phố ban hành kế hoạch phát triển kinh tế trang trại trong 5 năm tới, chúng tôi tích cực phối hợp với các địa phương rà soát quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp phù hợp quy hoạch chung. Từ đó, công bố công khai để nhân dân, chủ trang trại nắm bắt.
Đồng thời, thành phố khuyến khích, hướng dẫn các trang trại thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế trang trại; Tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại theo hướng xanh, bền vững môi trường gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm”, ông Chí nhấn mạnh.
Cũng theo ông Chí, thời gian tới, Hà Nội sẽ phát triển trang trại ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, chuyển đổi số. Đối với diện tích trồng lúa kém hiệu quả, đất để hoang hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tích cực tham mưu với thành phố và các địa phương chuyển đổi sang phát triển trang trại sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, trồng hoa cảnh, cây cảnh, cây công trình, trồng cây dược liệu…
Kinh tế trang trại được xem là hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ với các sản phẩm có giá trị, bảo đảm chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 1.558 trang trại, trong đó có 34 trang trại trồng trọt, 1.294 trang trại chăn nuôi, 1 trang trại lâm nghiệp, 113 trang trại nuôi trồng thủy sản, 112 trang trại tổng hợp và 4 trang trại du lịch trải nghiệm.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã không ngừng tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển kinh tế trang trại theo hướng xanh, bền vững môi trường gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Cùng với đó, thành phố cũng đẩy mạnh phát triển trang trại ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, chuyển đổi số.
Theo tính toán, vốn đầu tư trung bình của 1 trang trại là 3,4 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng của các trang trại trung bình là 2,173ha. Bình quân lao động thường xuyên của 1 trang trại là 3,3 người. Tổng doanh thu của các trang trại năm 2020 là trên 6.785 tỷ đồng (bình quân 4,355 tỷ đồng/trang trại/năm).
----
CHUYÊN TRANG VỚI SỰ HỖ TRỢ CỦA CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN THÀNH PHỐ HÀ NỘI