Thông tư 27 của Bộ GD&ĐT về đánh giá học sinh tiểu học và Thông tư 28 về Điều lệ trường tiểu học chính thức có hiệu lực thi hành từ hôm nay, 20/10, với nhiều điểm mới như sau:
Nhận xét học sinh bằng lời nói
Thông tư 27 quy định giáo viên cần sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá, chủ yếu thông qua lời nói để chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chỗ chưa đúng và cách sửa chữa. Đồng thời, chỉ viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết.
Đề kiểm tra định kỳ theo 3 mức độ
Thay vì 4 mức độ như trước đây, Thông tư 27 quy định giáo viên thiết kế đề kiểm tra định kỳ theo 3 mức độ nhận biết, kết nối, vận dụng.
Ở mức độ nhận biết, giáo viên ra đề bài nhắc lại hoặc mô tả được nội dung đã học và áp dụng trực tiếp để giải quyết một số tình huống, vấn đề quen thuộc trong học tập.
Với mức độ kết nối, giáo viên sắp xếp được một số nội dung đã học để giải quyết vấn đề có nội dung tương tự. Cao nhất là giáo viên sẽ yêu cầu học sinh vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập và cuộc sống.
Được chấm điểm 0
Với thông tư mới, Bộ GD&ĐT yêu cầu giáo viên tiểu học sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm thập phân đối với bài kiểm tra định kỳ của học sinh. Sau khi nhận xét và chấm điểm, bài kiểm tra được trả lại cho học sinh, điểm của bài kiểm tra không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT bỏ quy định giáo viên tiểu học không chấm điểm 0 với bài kiểm tra định kỳ của học sinh.
Như vậy, khi thông tư này có hiệu lực, giáo viên tiểu học được phép chấm điểm 0 vào bài kiểm tra định kỳ hoặc trả lại bài tập cho học sinh khi chưa đạt yêu cầu.
Đánh giá, khen thưởng 4 mức
Tại Thông tư 27, Bộ GD&ĐT quy định việc đánh giá học sinh vào cuối năm học sẽ căn cứ vào quá trình tổng hợp kết quả học tập từng môn học, hoạt động giáo dục và từng phẩm chất chủ yếu của học sinh. Bốn mức đánh giá học sinh gồm:
Mức đánh giá "Hoàn thành xuất sắc" dành cho học sinh có kết quả đánh giá các môn học ở mức tốt; phẩm chất, năng lực ở mức tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm các môn đạt 9 điểm trở lên.
Mức đánh giá "Hoàn thành tốt" dành cho học sinh có kết quả kiểm tra các môn học ở mức tốt; phẩm chất, năng lực tốt; bài kiểm tra đình kỳ cuối năm các môn đạt 7 điểm trở lên.
Một số quy định mới liên quan giáo viên. Ảnh minh hoạ: Đ.K. |
Với những em học sinh đạt điểm 5 trở lên trong bài kiểm tra cuối kỳ; có kết quả đánh giá các môn học ở mức tốt hoặc hoàn thành; phẩm chất, năng lực tốt hoặc đạt thì được đánh giá ở mức "hoàn thành". Còn lại là các em học sinh đạt các mức trên sẽ được đánh giá "chưa hoàn thành".
Việc đánh giá học sinh tiểu học tại Thông tư 27 thực hiện theo lộ trình như sau: Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2; từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3; từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4; từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5. Các mốc thời gian này tương ứng với lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Giáo viên được dùng điện thoại trong giờ
Trong Thông tư 28, Bộ GD&ĐT quy định nhà giáo, giáo viên tiểu học không được hút thuốc, uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự; không bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tùy tiện cắt xét nội dung giáo dục…
Trong thông tư mới này không còn cấm giáo viên tiểu học sử dụng điện thoại di động khi đang giảng dạy trên lớp như quy định cũ trước đây. Như vậy, từ nay giáo viên tiểu học có thể được dùng điện thoại di động trong giờ học.
Không phê bình học sinh trước lớp
Bên cạnh các mức khen thưởng, Thông tư 28 mới quy định, giáo viên sẽ tùy theo mức độ vi phạm của học sinh để đưa ra hình thức kỷ luật như: Nhắc nhở - Hỗ trợ giúp đỡ để học sinh tiến bộ hơn - Thông báo với cha mẹ học sinh.
Đặc biệt, giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.
Giáo viên tự quyết định nội dung dạy học
Điểm đổi mới lớn nhất ở Thông tư 28 là quyền lợi cho giáo viên tiểu học. Theo đó, giáo viên tiểu học có thêm quyền cho phép cá nhân học sinh nghỉ học không quá 3 ngày liên tục; được giảm giờ lên lớp hàng tuần.
Đồng thời, giáo viên có quyền tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, điều chỉnh nội dung bài học; vận dụng các hình thức hoạt động và phương pháp giáo dục, đánh giá học sinh phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể của nhà trường
Song song với các quyền mới, trình độ giáo viên tiểu học được nâng lên phải có bằng cử nhân ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục tiểu học.