Trong những năm qua, Thành phố đã ưu tiên phát triển, nhân rộng các chuỗi liên kết nông sản an toàn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp bền vững. Đến nay, trên địa bàn Thành phố đã xây dựng được 141 chuỗi liên kết nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ; toàn Thành phố đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê...
Thành phố cũng đã phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm với trên 5.000 ha sản xuất rau an toàn, 40 mô hình rau áp dụng Hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ (PGS) tại 40 xã, phường, thị trấn thuộc 18 quận, huyện, thị xã với tổng diện tích trên 1.700 ha.
Toàn Thành phố có trên 2.500 ha VietGAP trồng trọt, 181 ha VietGAP nuôi trồng thủy sản, 88 cơ sở VietGAP chăn nuôi, gần 40 ha trồng trọt theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thành phố Hà Nội đã và đang ưu tiên phát triển, nhân rộng các chuỗi liên kết nông sản an toàn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ |
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hà Nội hiện là trung tâm sản xuất cung cấp các giống cây con chất lượng cao lớn nhất cả nước, hằng năm cung cấp gần 200 triệu giống gia cầm các loại, 3,8 triệu giống lợn, 110 nghìn con trâu, bò, các loại giống cây hoa, cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây đô thị... cho hầu hết các tỉnh, thành phố của cả nước.
Phát triển liên kết chế biến tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp của Hà Nội đã phát huy tốt yếu tố đầu mối để khai thông các thị trường giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm của cả Hà Nội và tỉnh được ổn định, gia tăng giá trị, từ đó, nâng cao vị thế nông nghiệp Thủ đô.
Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020, Thành phố đã phối hợp tích cực với 21 tỉnh, thành phố và đến nay đã xây dựng được 786 chuỗi rau, thịt an toàn, với 670 điểm bán sản phẩm chuỗi (chiếm 22%).
Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho Thành phố kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường và ổn định khâu tiêu thụ. Từ đó, tăng sức cạnh tranh của các mặt hàng nông địa sản của Thủ đô.
Việc phát triển chuỗi sản phẩm đặc sản địa phương (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP) cũng được Thành phố đẩy mạnh. Hà Nội được đánh giá là địa phương đi đầu cả nước triển khai thực hiện Chương trình OCOP một cách bài bản, có hệ thống chương trình này.
Đến nay, Thành phố đã đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận được 1.054 sản phẩm, vượt kế hoạch thành phố giao (năm 2019 là 301 sản phẩm, năm 2020 là 753 sản phẩm), trong đó, có 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao (chiếm 1,6%), 731 sản phẩm 4 69,4%), 306 sản phẩm 3 sao (chiếm 29%), của 72 doanh nghiệp, 82 họp tác xã và 101 hộ sản xuất kinh doanh.
Nhờ triển khai hiệu quả Chương trình OCOP đã góp phần đem lại hiệu quả kinh tế theo hướng gia tăng giá trị và giải quyết thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân và ổn định vấn đề an sinh xã hội ở khu vực nông thôn...
Song song với việc tập trung phát triển các chuỗi liên kết sản xuất an toàn, thành phố Hà Nội cũng tập trung kiểm soát chất lượng các chuỗi thông qua việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tập huấn, thẩm định xếp loại, cấp giấy chứng nhận, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm...
Đồng thời triển khai hiệu quả công tác tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm. Lũy kế đến nay, Thành phố đã tiếp nhận 1.764 bộ hồ sơ tự công bố và được đăng tải trên website bản tự công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm chế biến bao gói sẵn. Năm 2020, Chi cục Quản lý chất lượng nông lân sản và thủy sản Hà Nội đã lấy 1.765 mẫu nông sản, thực phẩm giám sát chỉ tiêu an toàn thực phấm.
Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm Hà Nội cũng đã hỗ trợ hướng dẫn, cấp mã tài khoản tham gia quản lý, duy trì cho 2.854 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông sản. Trên địa bàn Thành phố có 766 cửa hàng kinh doanh trái cây đã được cấp biển nhận diện trái cây an toàn.
Đánh giá về công tác này, ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết, trong thời gian vừa qua, thành phố cũng đã hoàn thiện thủ tục quản lý, minh bạch thông tin của 635 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, 238 doanh nghiệp của 35 tỉnh, thành phố với 8.702 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm lên Hệ thống thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm Hà Nội...
"Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển và nâng cao chất lượng các chuỗi liên kết sản xuất an toàn. Trong đó, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường kết nối các đơn vị, hợp tác xã sản xuất, chế biến, xuất khẩu có lợi thế của từng vùng, miền với doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi phân phối... Từ đó, đẩy mạnh phát triển chuỗi nông sản an toàn; tăng cường xúc tiến thương mại, giới thiệu, tìm đầu ra cho nông sản an toàn; duy trì, phát triển hệ thống thông tin điện tử, truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông sản an toàn trên địa bàn Thành phố...' ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh
---
CHUYÊN TRANG ĐƯỢC SỰ HỖ TRỰ CỦA CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN HÀ NỘI