Đơn vị đã xây dựng được trại mẫu, tổ chức liên kết với người sản xuất theo hình thức hỗ trợ vùng nguyên liệu: Ứng trước kinh phí mua sản phẩm cho người sản xuất khi giá thị trường xuống thấp, xây dựng hệ thống cửa hàng bán lẻ, tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho người dân. Áp dụng hình thức chia sẻ lợi nhuận và rủi ro, có cơ chế giá đối với người sản xuất theo biến động của thị trường.
Chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm của công ty Hadico tạo vùng nguyên liệu sản phẩm an toàn và thiết lập các cửa hàng tiện ích và siêu thị mini cung cấp sản phẩm an toàn cho người dân Hà Nội.
Đồng thời xây dựng được các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, là nơi tham quan học tập cho các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân trong và ngoài thành phố đến học tập trao đổ kinh nghiệm. Là nơi chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung cấp giống cây trồng và vật tư kỹ thuật nông nghiệp chất lượng cao.
Chuỗi liên kết của Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình-một đơn vị tuy trụ sở không đóng ở trên địa bàn mà hợp tác chặt chẽ với nông dân các huyện hỗ trợ cho người sản xuất về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn giống mới, kỹ thuật mới cho nông dân thăm quan học tập. Có cơ chế bán giống thanh toán trả chậm hỗ trợ cho người dân nhằm đẩy nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Chuỗi liên kết của Công ty Cổ phần Thực phẩm Minh Dương với những sản phẩm miến ngon có tiếng, chế biến theo dây truyền hiện đại, hoàn toàn không hóa chất, không chất bảo quản. Liên kết với người sản xuất theo hình thức tạo vùng nguyên liệu, hỗ trợ người sản xuất về tập huấn chuyển giao kỹ thuật, cử cán bộ tư vấn, giám sát kỹ thuật, hỗ trợ tài chính cho nông sản xuất xuất. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà khoa học và người sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng sau đó bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân.
Chuỗi liên kết của Công ty sữa quốc tế IDP theo hình thức tạo vùng nguyên liệu, không chỉ với riêng Hà Nội mà đã phối hợp liên kết vùng nguyên liệu với nhiều tỉnh thành trong cả nước. Người sản xuất tham gia chuỗi liên kết được công ty hỗ trợ: Tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, cho vay vốn ưu đãi, cử cán bộ giám sát quy trình kỹ thuật, thu mùa toàn bộ sản phẩm cho nông dân. Bên cạnh tổ chức nhiều Hội nghị khách hàng nhằm giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.
Cũng tương tự thế, quy mô của sàn Giao dịch Rau quả & Thực phẩm An toàn Hà Nội bao trùm khi đã kết nối được với 11 tỉnh thành trong cả nước với trên 625 tổ hợp tác. Sàn giao dịch đã hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp về: Kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức sản xuất định hướng thị trường; Kết nối các tổ hợp tác với các doanh nghiệp liên kết hợp tác đầu tư và/hoặc tiêu thụ sản phẩm; Cung cấp thông tin thị trường và tư vấn các biện pháp điều chỉnh sản xuất và tiếp thị phù hợp cho các tổ hợp tác/nhóm sản xuất.
Hỗ trợ tìm kiếm, liên hệ và kết nối đến đúng các tổ hợp tác/nhóm sản xuất phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp mở rộng tiêu thụ sản phẩm thông qua mạng lưới các điểm kết nối bán sản phẩm trực tiếp tới các khu dân cư do sàn phát triển.
Chuỗi chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm trứng Tiên Viên mỗi ngày có thể cung ứng cả trăm ngàn quả trứng theo hình thức liên kết giữa doanh nghiệp và mấy chục chủ trang trại. Họ cùng thương thảo giá khi có biến động giá cả trên thị trường, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người sản xuất, hiện đã xây dựng được thương hiệu trứng gà sạch mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định cho người dân.
Ngoài ra đơn vị còn hướng tới sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi và chế biến chuyên sâu về gia cầm. Chuỗi liên kết của Công ty Cộng đồng Green Food Hà Nội khép kín từ sản xuất thức ăn, tổ chức chăn nuôi, quy trình giết mổ tập trung, phân phối sản phẩm qua các hệ thống cửa hàng, không qua khâu trung gian nên sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng.
Công ty có năng lực sản xuất với 1 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 150.000 tấn/năm; 80 trang trại chăn nuôi; 1 nhà máy giết mổ lợn và chế biến thực phẩm công suất 600 con/ngày;1 nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm công suất 20.000 con/ngày.
Hà Nội còn có hình thức gia công sản phẩm cho các tập đoàn lớn Công ty CP, DaBaCo …Tuy lợi nhuận có thể không thực sự cao nhưng liên kết theo hình thức này đỡ tốn vốn đầu tư, rủi ro khi người sản xuất chỉ cần bố trí mặt bằng, cơ sở sản xuất, nhân công còn doanh nghiệp bố trí cán bộ kỹ thuật, giống, vật tư. Sản phẩm gia công được doanh nghiệp thu mua toàn bộ, các hộ chăn nuôi hưởng lợi theo giá của số lượng tăng trọng…
Theo ông Nguyễn Văn Chí-Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị có vai trò rất quan trọng quyết định tính bền vững trong sản xuất nông nghiêp. Qua thực tế liên kết chuỗi của Hà Nội hiện nay đã khẳng định doanh nghiệp có vai trò chủ đạo trong việc định hướng thị trường, quyết định đến tính bền vững của chuỗi. Bài học kinh nghiệm là muốn thành công, muốn đi được cùng nhau lâu dài các doanh nghiệp phải chia sẻ lợi nhuận, rủi ro với người sản xuất chứ không thể làm ăn chộp giật được. Ngược lại, người sản xuất cũng phải tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật và hợp đồng với doanh nghiệp thu mua. |
---
CHUYÊN TRANG VỚI SỰ HỖ TRỢ CỦA CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN HÀ NỘI