GIÁO DỤC

Làm sao để trẻ chơi nhiều hơn khi đến trường?

23/10/2020 19:19

Chơi không chỉ là hoạt động nhằm mục đích giải trí, mà còn biến quá trình học tập của trẻ trở nên chủ động và thoải mái, giúp phát huy tiềm năng của bé.

Sự kết hợp giữa chơi và học đã được chứng minh giúp trẻ phát triển toàn diện. Phương pháp này được áp dụng trong nền giáo dục tại nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, áp lực từ người lớn vô tình tạo nên tâm lý sợ đến trường của trẻ. Vậy giáo viên có thể làm gì để giúp học sinh chủ động và hứng thú hơn trong việc học?

Lý do trẻ sợ đến trường

Trước đây, điểm số trên lớp là thang đánh giá chính cho sự phát triển của trẻ. Từ năm 2018, đa số trường lớp chuyển hướng đánh giá theo kết quả, năng lực và quá trình học tập. Tuy nhiên, những học sinh có thành tích cao trong các môn Toán hay Tiếng Việt vẫn thường được đánh giá cao hơn. Điều này khiến nhiều học sinh bị cuốn theo mong muốn phát triển của người lớn, không được phát huy tối đa tiềm năng của bản thân tại trường.

du an iPlay anh 1

Quá trình đánh giá kết quả qua một số môn nhất định có thể khiến trẻ học lệch.

Hơn nữa, giáo viên cũng gặp áp lực từ soạn giáo án, đảm bảo thành tích thi đua hay đáp lại kỳ vọng của phụ huynh và nhà trường. Nhiều giáo viên luôn cố gắng tổ chức trò chơi trong giờ học, khiến không khí hào hứng hơn, nhưng sau đó không duy trì hiệu quả lâu dài. Đa phần lý do là thể lệ trò chơi đặt ra chỉ cho phép một số nhỏ học sinh giam gia, số còn lại thụ động quan sát và làm theo. Cuối cùng, trò chơi mất dần sự thú vị và học sinh cũng không tích cực tham gia nữa.

Chơi nhiều hơn tại trường để học tập chủ động hơn

Chơi không chỉ là hoạt động giải tỏa căng thẳng sau giờ học, mà còn mang tính chất học tập. Về phương diện sự phát triển của trẻ em, thông qua việc chơi, trẻ sẽ phát triển toàn diện về 5 mặt gồm: Nhận thức, xã hội, cảm xúc, sáng tạo và thể chất. Chơi giúp trẻ hình thành sự tự chủ, kỹ năng giao tiếp, sáng tạo và giải quyết vấn đề. Đây sẽ là những yếu tố giúp trẻ thích ứng tốt hơn với xã hội hiện tại.

Về phương diện giáo dục, học thông qua chơi là phương pháp biến quá trình dạy và học trở nên thú vị, vui vẻ và thoải mái. Học sinh hứng thú hơn vì cảm giác việc học cũng giống như chơi, từ đó sẽ chủ động thu nạp kiến thức và ghi nhớ tốt hơn. Thông qua việc quan sát và chơi cùng học sinh, giáo viên còn dễ dàng nhận ra tiềm năng của học trò để đưa ra định hướng phát triển phù hợp.

Theo một báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), chơi mang tính giáo dục khi có ít nhất một trong 5 yếu tố: Ý nghĩa, vui vẻ, thúc đẩy tham gia tích cực, dễ ghi nhớ để lặp đi lặp lại và tăng cường tương tác xã hội. Điều quan trọng nhất vẫn là giáo viên phải lấy học sinh làm trung tâm. Thực tế, không cần không gian rộng hay dụng cụ phức tạp, giáo viên vẫn có thể lồng ghép những trải nghiệm hay hoạt động chơi trong tiết học.

du an iPlay anh 2

Học sinh hứng thú hơn khi học thông qua chơi trên lớp học.

Giáo viên có thể tham khảo một số cách để thiết kế tiết học thú vị hơn. Đầu tiên, giáo viên có thể liên hệ môn học với thực tế. Thay vì hướng dẫn học sinh giải bài tập trên sách vở, giáo viên có thể linh hoạt sử dụng những thực thể xung quanh. Ví dụ trong tiết học Toán, giáo viên có thể cho các em học đếm những quả táo, cái kẹo.

Thứ hai, giáo viên có thể chia nhóm và khuyến khích các em cùng học tập và trao đổi với nhau. Ngoài ra, giáo viên có thể tổ chức những cuộc thi nhóm và có những phần thưởng nhỏ cho đội chiến thắng.

Thứ ba, giáo viên nên thiết kế đan xen thêm các tiết học ngoài trời. Đây sẽ là những buổi hoạt động tự do của học sinh. Giáo viên có thể kết hợp với buổi ôn tập của môn học bằng cách tổ chức những trò chơi phù hợp.

Cuối cùng, giáo viên có thể tạo bất ngờ trong tiết học bằng những bài hát, kể chuyện hài hước, vẽ tranh... Đồng thời, thầy cô giáo khuyến khích các em tạo ra những điều tương tự để giúp ghi nhớ tốt hơn.

Có thể thấy, phương pháp tiếp cận học thông qua chơi mang lại nhiều lợi ích trong cả quá trình giảng dạy của thầy và sự tiếp thu của trò. Giáo viên có thể triển khai phương pháp với nhiều cách thức khác nhau, linh hoạt với điều kiện tại trường lớp và địa phương. Từ đó, tất cả giáo viên có thể xây dựng lớp học thú vị hơn, để mỗi ngày đến trường của trẻ là một ngày vui.

Dự án iPlay tập trung vào việc lồng ghép các phương pháp học thông qua chơi vào hệ thống bồi dưỡng và phát triển chuyên môn cho cán bộ quản lý và giáo viên tiểu học.

Nằm trong khuôn khổ của dự án iPlay, tổ chức VVOB tại Việt Nam đã phát động chiến dịch “Chơi vui học tốt” nhằm khuyến khích bố mẹ, thầy cô lồng ghép những bài học kỹ năng thông qua các hoạt động vui chơi giúp trẻ phát triển toàn diện 5 lĩnh vực: Nhận thức, thể chất, cảm xúc, kỹ năng xã hội và sáng tạo.

Để biết thêm thông tin chi tiết, độc giả xem thêm tại đây.

Bạn đang đọc bài viết "Làm sao để trẻ chơi nhiều hơn khi đến trường?" tại chuyên mục Giáo dục.