GIÁO DỤC

Học sinh phải đi vệ sinh vào bô

07/11/2020 16:51

Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết việc xây dựng nhà vệ sinh cho học sinh là yêu cầu chính đáng và chỉ đạo sớm thực hiện.

Chiều 6/11, tại buổi họp báo định kỳ do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức, UBND huyện Krông Pắk phản hồi thông tin về việc "không có nhà vệ sinh, học sinh phải đi vào bô rồi cô giáo đi đổ nhờ!" mà báo Người Lao Động phản ánh.

Theo UBND huyện Krông Pắk, UBND huyện đã chỉ đạo phòng GD&ĐT tiến hành kiểm tra trực tiếp tại trường Mẫu giáo Hoa Thiên Lý về kết quả, cho thấy báo phản ánh đúng sự thật.

hoc sinh di ve sinh vao bo anh 1

Không có nhà vệ sinh, học sinh phải đi vào bô rồi cô giáo đi đổ nhờ. Ảnh: Cao Nguyên/Người Lao Động.

Theo đó, trong năm học 2020-2021, trường Mẫu giáo Hoa Thiên Lý (xã Vụ Bổn) có 14 lớp, 9 điểm trường với 307 học sinh, tuyển sinh với 2 độ tuổi từ 4 đến 5 tuổi. Trong đó, 5 điểm trường phải học tạm tại các hội trường, nhà văn hóa thôn, buôn.

Đặc biệt, 2 điểm trường tại thôn 9 và thôn Hồ Voi việc dạy và học của cô, trò vô cùng khó khăn do không có nhà vệ sinh và không có nước.

Vào những ngày thôn hội họp, các cháu phải nghỉ học để bàn giao nhà văn hóa cho thôn. Với những khó khăn trên, nhà trường không thể bố trí bàn ghế, thiết bị dạy học và không thể cho các cháu học bán trú, không đảm bảo trong quá trình dạy và chăm sóc các cháu.

hoc sinh di ve sinh vao bo anh 2

Trường không thể bố trí bàn ghế, thiết bị dạy học, không đảm bảo trong quá trình dạy và chăm sóc các cháu. Ảnh: Cao Nguyên/Người Lao Động.

Cũng theo UBND huyện Krông Pắk, để khẳc phục những tồn tại mà báo phản ánh, trước mắt UBND huyện chỉ đạo các đơn vị tiến hành do đạc, quy hoạch đất dành cho trường học giáp với hội trường, nhà văn hóa thôn. Từ đó, tập trung ưu tiên xây nhà vệ sinh, công trình nước tại các điểm đã được quy hoạch.

Về lâu dài, huyện sẽ ưu tiên các nguồn dự án hoặc kêu gọi các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân xây dựng phòng học, tường rào tại các điểm học này để các em có nơi vui chơi, học tập và được chăm sóc tốt hơn.

hoc sinh di ve sinh vao bo anh 3

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết một số nhà hảo tâm đề nghị hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh. Ảnh: Cao Nguyên/Người Lao Động.

Trả lời câu hỏi về việc vì sao các điểm trường đã hoạt động nhiều năm nhưng không xây dựng nổi nhà vệ sinh để các cháu phải đi vào bô, cô giáo đi đổ nhờ, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết trước đây, nhà trường có làm tờ trình gửi Phòng GD&ĐT tham mưu cho UBND huyện đầu tư xây dựng công trình nhà vệ sinh, hệ thống nước.

Tuy nhiên, UBND huyện chưa thể đầu tư được vì đây là các điểm mượn học nhờ, học tạm, không nằm trong quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Do đó, không thể đầu tư từ nguồn sự nghiệp giáo dục.

Trong khi đó, huyện phải cân đối nguồn ngân sách có hạn để đâu tư công trình nhà vệ sinh cho các điểm học chính còn thiếu hoặc đã xuống cấp trầm trọng, các trường đang trong lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia.

Mặt khác, trước đây, huyện có dự án xây dựng trường Mẫu giáo Hoa Thiên Lý nhưng tình trạng dân di cư tự do chưa ổn định nên dự án chưa triển khai được.

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết về việc này, báo chí phản ánh là đúng, đây là yêu cầu chính đáng.

"Hôm nay, Phó chủ tịch UBND huyện nói sẽ quan tâm giải quyết trong thời gian tới nên rất mong lời nói đi đôi với hành động. Làm sao cho các em có điều kiện học tập tốt hơn trong khẳ năng có thể. Đề nghị các đồng chí phải hết sức quan tâm giải quyết" - ông Hà chỉ đạo.

Nhà hảo tâm đề nghị hỗ trợ xây nhà vệ sinh

Theo bà Ngô Thị Minh Trinh, trong năm học mới, các trường trên địa bàn huyện đã xây dựng được 33 nhà vệ sinh. Sau khi báo chí phản ánh, hiện, một số nhà hảo tâm cũng đang đề nghị hỗ trợ xây dựng một số nhà vệ sinh và huyện đang tiếp nhận để triển khai thực hiện.

Bạn đang đọc bài viết "Học sinh phải đi vệ sinh vào bô" tại chuyên mục Giáo dục.