Chia sẻ với Zing, cô Từ Thị Hà, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trường Sơn (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), cho biết 8 điểm trường đều ở các bản. Trong đó, điểm trường ở bản Sắt là vùng đặc biệt khó khăn. Học trò ở bản này đã nghỉ gần một tháng nay do bão lũ. Hôm nay là ngày đầu các em trở lại trường sau thời gian dài tạm nghỉ. Các em phải học tạm ở một lán nhỏ do bộ đội địa phương dựng lên tạm. |
“Khu vực này đang có nguy cơ sạt lở, người dân đã được di dời đến nơi an toàn hơn. Bộ đội đã dựng lán tạm cho các em nhỏ tiếp tục việc học”, cô Hà cho biết. |
Lán tạm được dựng trên mô đất khá nghiêng, chưa an toàn 100%. Điểm trường bản Sắt có tổng cộng 15 học sinh lớp 1, 2, 3 được gộp thành một lớp với một nữ giáo viên. Học sinh lớp 4, 5 sẽ được học nội trú tại điểm trường chính. |
Điểm trường bản Sắt cũ (nhà xanh) chìm trong nước lũ. Bản Sắt và điểm trường tại đây là nơi bị ngập sâu và nước rút chậm trong đợt lũ lịch sử ở Quảng Bình. Bàn ghế, sách vở bị hư hỏng hết do ngâm trong nước lâu ngày. |
Bàn ghế, đồ dùng, sách vở của học trò hư hỏng toàn bộ. "Học trò ở đây là người dân tộc Vân Kiều, rất chăm học nhưng hoàn cảnh khó khăn. Các em tay trắng đến trường. Sách vở, quần áo, giày dép đều được thầy cô kêu gọi giúp đỡ, hỗ trợ", nữ hiệu trưởng chia sẻ. |
Đường đến các điểm trường nguy hiểm, gian nan. Cô Hà thông tin ngoài điểm trường bản Sắt còn có điểm trường P. Loan, Rìn Rìn cũng rất khó khăn. Đây là những điểm trường không sóng điện thoại, không có điện vào mùa mưa. Muốn đến trường, thầy cô phải đi bộ 4, 5 giờ đồng hồ vì không thể nào đi xe máy. Thầy cô ở lại các điểm trường còn luôn thấp thỏm, lo lắng nguy cơ sạt lở đất bất cứ lúc nào. Khó khăn ở đây là quanh năm chứ không chỉ sau bão, lũ. |
Cô Từ Thị Hà tâm sự nhiều năm chứng kiến những khó khăn của thầy cô, học trò trong hành trình tìm con chữ, cô chỉ mong giáo viên và các em được học ở nơi an toàn, đường đến trường bớt khó khăn. |