GIÁO DỤC

Chuyển đổi số trong giáo dục đại học

15/11/2020 01:51

Giáo dục đại học đang từng bước “chuyển mình” mạnh mẽ trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu của bối cảnh chuyển đổi số.

Các trường đại học chủ động xây dựng, thiết kế chương trình đào tạo phù hợp, nhằm tạo ra “sản phẩm” nhân lực có đầy đủ kiến thức chuyên môn, kỹ năng cũng như khả năng thích nghi với các ngành nghề mới.

Với chủ trương thúc đẩy chuyển đổi số, nền kinh tế số ra đời, cơ cấu lao động theo đó cũng có sự thay đổi, đòi hỏi nguồn nhân lực số phải được chú trọng phát triển, đảm bảo có chuyên môn cũng như kỹ năng thích ứng.

Chuyen doi so trong giao duc dai hoc anh 1

Sinh viên Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức trong giờ thực hành tại phân xưởng. Ảnh: TTXVN.

Nhu cầu thị trường lao động thay đổi

Các chuyên gia cho rằng chủ trương thúc đẩy chuyển đổi số, đã đặt ra yêu cầu phải thay đổi trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế mới.

Theo tiến sĩ Lê Hoành Sử, Trưởng khoa Hệ thống thông tin, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, việc chuyển đổi số đang và sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến phân công công việc xã hội của mọi tầng lớp nhân dân. Tác động của chuyển đổi số làm thay đổi tính chất công việc, đặt ra yêu cầu với người lao động phải có năng lực chuyên môn cũng như kỹ năng nghề nghiệp cao hơn.

Cùng đó, khả năng tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng do nguồn nhân lực bị thay thế dần bởi công nghệ, hoặc năng lực nhân lực có khả năng không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp cũng bị thay thế. Vì vậy, việc nâng cao tay nghề, kỹ thuật cho lao động là rất quan trọng.

Thực tế, số hóa tạo ra các công việc mới như tạo ra các nhà phân tích dữ liệu, các nhà tiếp thị phương tiện truyền thông xã hội hoặc thiết kế ứng dụng vạn vật kết nối dựa trên nền tảng Internet… làm tăng giá trị, năng suất và hiệu quả công việc cũng như gián tiếp làm giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Nhiều năm làm công tác nghiên cứu thị trường lao động, ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, cho rằng trong tương lai, nhu cầu về nhân lực sẽ thay đổi, máy móc trong nhà máy đang cần người làm việc có những kỹ năng mới để vận hành. Trong bối cảnh nhiều công việc có thể bị thay thế bởi robot, con người cần thay đổi kỹ năng và tư duy làm việc để có thể thích ứng.

Không chỉ lao động trong các doanh nghiệp, nhân lực ở khu vực công cũng cần tập trung nâng cao chất lượng để thích ứng với bối cảnh nền kinh tế số. Thạc sĩ Võ Văn Trọng, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng hạn chế về nguồn nhân lực công sẽ khó có thể thực hiện được mục tiêu đặt ra, không thể phục vụ và đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và xã hội.

Do đó, trong bối cảnh chuyển đổi nền kinh tế số gắn với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, đòi hỏi phải có những chính sách, giải pháp lâu dài và đột phá để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công.

Chuyen doi so trong giao duc dai hoc anh 2

Giáo viên trường Cao đẳng Lý Tự Trọng với các đối tác nước ngoài xây dựng giáo án thực hành tại phân xưởng theo mô hình đào tạo kép. Ảnh: TTXVN.

Vai trò của giáo dục đại học

Theo các chuyên gia, với những yêu cầu đặt ra của thị trường lao động trong chuyển đối số, hệ thống giáo dục cần tập trung đào tạo nhân lực có đủ khả năng thích ứng với yêu cầu của chuyển đổi số, kinh tế số.

Trong đó, không chỉ tập trung đào tạo kiến thức chuyên môn, các cơ sở giáo dục cũng cần chú trọng tới việc nâng cao nhận thức, kỹ năng số trong công cuộc chuyển đổi số cho người học. Giáo dục cần tập trung vào việc trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để thích ứng với sự chuyển đổi số trong cuộc sống và công việc.

Phó giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, chia sẻ trong chiến lược phát triển giai đoạn mới, Đại học Quốc gia TP.HCM tiếp tục sứ mệnh tạo ra những công trình nghiên cứu khoa học quan trọng và phục vụ xã hội, là nơi đi đầu trong đổi mới, đóng góp quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước, thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Vì vậy, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chủ trương thúc đẩy chuyển đổi số, đây tiếp tục là đơn vị tiên phong, dẫn dắt và nâng tầm quốc tế trong công tác đào tạo, nghiên cứu đỉnh cao và phục vụ cộng đồng.

Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Đại học Quốc gia TP.HCM Lê Nhật Quang cho rằng trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp định hướng phát triển kinh tế số, giáo dục đại học có 3 nhiệm vụ quan trọng là đào tạo và phát triển nhân tài; cung cấp điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông, phòng thí nghiệm cho các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp, công nghệ và hạ tầng ứng dụng cho quá trình số hóa.

Trong đó, nhiệm vụ chính của đại học là đào tạo và phát triển nhân tài đáp ứng nền kinh tế số. Bên trong các đại học có thể có các vườn ươm, nhưng mục đích chính là để tạo môi trường trải nghiệm thực tiễn cho sinh viên, giúp sinh viên tích lũy các kiến thức, kỹ năng về quản trị dự án khởi nghiệp. Mục tiêu không phải là phát triển doanh nghiệp, nếu có thì đây chỉ là sản phẩm phụ.

Trong quá trình hỗ trợ chuyển đổi số của nền kinh tế địa phương và khu vực, Đại học Quốc gia TP.HCM đã tập trung vào các hoạt động dựa trên khung quá trình chuyển đổi số.

Cụ thể, đào tạo nâng cao nhận thức cấp lãnh đạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu cho nền kinh tế số; đầu tư phát triển mạnh hạ tầng công nghệ thông tin, nhằm triển khai hệ thống ứng dụng trong quản lý, triển khai dịch vụ hỗ trợ trong hệ thống đại học; đồng hành với các công ty công nghệ hỗ trợ chuyển đổi số cho cộng đồng và cơ sở đào tạo…

Theo tiến sĩ Lê Hoành Sử, Trưởng khoa Hệ thống thông tin, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, trong công tác đào tạo, trước hết cần tập trung nâng cao nhận thức và hình thành thái độ tích cực về chuyển đổi số.

Cùng đó, các cơ sở đào tạo cần tập trung các chương trình đào tạo các công nghệ lõi thúc đẩy chuyển đổi số, cụ thể như trí tuệ nhân tạo, công nghệ tự động hóa, công nghệ Internet vạn vật, dữ liệu lớn và phân tích…

Cùng chuyên môn, đào tạo kỹ năng số cho lực lượng lao động có vai trò rất quan trọng. Kỹ năng số không chỉ đơn thuần là biết cách sử dụng các công nghệ, thiết bị một cách đơn giản, mà đòi hỏi người lao động phải hiểu và ứng dụng được mô hình, cách thức làm việc mới, cách thức mới để tạo ra giá trị của doanh nghiệp.

Bạn đang đọc bài viết "Chuyển đổi số trong giáo dục đại học" tại chuyên mục Giáo dục.