GIÁO DỤC

Cần định vị thương hiệu du lịch Lạng Sơn

11/11/2020 13:00

Cần định vị thương hiệu du lịch Lạng Sơn Trang chủTin tứcVăn hóaDu lịchQuản lý nhà nướcHoạt động du lịchDoanh nghiệpChính sáchĐào tạoMừng Xuân Kỷ Hợi 2...

Tại Hội thảo tham gia xây dựng Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030 do UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng cần phải định vị thương hiệu du lịch Lạng Sơn và từ đó có những giải pháp đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch Lạng Sơn trong thời gian tới. 

Nà Lay

Định vị thương hiệu du lịch Lạng Sơn

Tại hội thảo, đa số các đại biểu cho rằng, hệ thống các sản phẩm du lịch đặc thù của Lạng Sơn như du lịch biên giới, cửa khẩu mua sắm, sinh thái, nghỉ dưỡng núi kết hợp với du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng tại các bản làng dân tộc đủ điều kiện để có thể đại diện cho thương hiệu du lịch Lạng Sơn. Các điểm đến cụ thể như khu nghỉ dưỡng núi Mẫu Sơn, khu bảo tồn Bắc Sơn, các sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hóa các dân tộc và sản phẩm nông nghiệp ở Bắc Sơn, Hữu Lũng, Gia Bình… là các điểm đến, sản phẩm và hình ảnh nổi bật cho việc xây dựng thương hiệu du lịch Lạng Sơn. Lạng Sơn còn nổi bật với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, những đỉnh núi cao trùng điệp ẩn mình trong lớp sương mờ cùng với đó là sự đa dạng của bản sắc 7 dân tộc và cảnh sắc hoa đào… tạo nên sự trải nghiệm và cảm nhận riêng có cho du khách trong và ngoài nước về vẻ đẹp của thiên nhiên, văn hóa, con người nơi đây.

Lạng Sơn có thể sử dụng những yếu tố này để tạo nên đặc điểm nhận dạng như tên, logo, biểu tượng... giúp du khách nắm bắt một cách rõ nét về những đặc điểm nổi bật của địa phương. Từ đó là cơ sở để xây dựng chiến lược định vị thương hiệu du lịch bài bản, xác định rõ những giá trị cốt lõi, bản sắc, thế mạnh, sản phẩm đặc thù làm điểm nhấn và tập trung khai thác.

Thể thao leo núi 

Tăng cường quảng bá, xúc tiến và liên kết

Để đưa du lịch Lạng Sơn phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, nhiều ý kiến tại Hội thảo đề nghị Lạng Sơn cần đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến quảng bá. Cụ thể, phải xây dựng và quảng bá bộ nhận diện thương hiệu du lịch Lạng Sơn, lấy yếu tố sinh thái núi và văn hóa dân tộc thiểu số làm hình ảnh nổi bật của thương hiệu du lịch. Trong đó, Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn có thể được coi là điểm đến trung tâm để xây dựng bộ nhận diện cho du lịch Lạng Sơn, trong đó bao gồm logo, slogan, phim, ảnh và ấn phẩm. Đồng thời xây dựng chiến dịch quảng bá các sản phẩm, dịch vụ mang các giá trị cốt lõi, thông điệp của thương hiệu du lịch Lạng Sơn.

Trong thời gian tới, ngành Du lịch Lạng Sơn nên chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch gắn với điểm đến sinh thái vùng núi cao, phù hợp với xu hướng du lịch hiện nay như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sức khỏe, du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững… Các sản phẩm du lịch cần nhấn mạnh vào việc tăng tính trải nghiệm cho khách du lịch, phân loại sản phẩm để đáp ứng các phân khúc thị trường khác nhau. Đại diện Sở Du lịch Hà Nội góp ý, Lạng Sơn tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch mới như tour từ Hà Nội - Lạng Sơn - Cao Bằng và nâng cấp tour liên quốc gia Hà Nội - Lạng Sơn - Quảng Tây (Trung Quốc) khi điều kiện cho phép. Hà Nội sẵn sàng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong quản lý du lịch, trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch cũng như đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng môi trường kinh doanh an toàn, thân thiện, cùng khai thác hiệu quả giá trị tài nguyên du lịch nổi trội của cả hai địa phương. Trong bối cảnh hiện tại, thị trường chủ yếu của Lạng Sơn vẫn là khách nội địa từ Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh đồng bằng sông Hồng, các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc và các thành phố lớn ở khu vực miền Trung và phía Nam. Đối với thị trường quốc tế, thị trường chủ yếu của du lịch Lạng Sơn là một số nước Đông Bắc Á, theo thứ tự ưu tiên gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Việc xác định thị trường quốc tế như vậy là phù hợp bởi trên thực tế, các thị trường này chiếm thị phần lớn và quan trọng là sản phẩm du lịch của Lạng Sơn phù hợp với thị hiếu và nhu cầu du lịch của các thị trường này.

Thành Nhà Mạc 

Mặt khác, Lạng Sơn cần tăng cường liên kết giữa cơ quan quản lý địa phương trong khu vực Đông Bắc và Tây Bắc trong quy hoạch, ban hành chính sách ưu đãi và chia sẻ thông tin, đặc biệt là liên kết trong phát triển sản phẩm và xúc tiến du lịch. Điều này sẽ góp phần tạo ra nguồn vốn đầu tư tập trung, tạo môi trường thu hút đầu tư cạnh tranh lành mạnh và hạn chế được sự trùng lặp sản phẩm giữa các địa phương trong vùng.

Năm 2019, tổng lượng khách đến Lạng Sơn đạt trên 2,9 triệu lượt (tăng 9,5% so với năm 2018), tổng thu từ du lịch đạt 1.226 tỷ đồng (tăng 7,9% so với năm 2018). Lạng Sơn đã đề ra mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025 và là ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.

Khải Bình

Bạn đang đọc bài viết "Cần định vị thương hiệu du lịch Lạng Sơn" tại chuyên mục Du lịch.