GIÁO DỤC

'Bữa trưa của trẻ chỉ có trứng và canh là quá đơn điệu'

05/11/2020 07:32

Chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Thị Lâm cho rằng bữa ăn với cơm, trứng, canh, chuối quá đơn điệu. Nhà bếp nên cung cấp cho trẻ 4-5 món với giá tiền 25.000-30.000 đồng.

'Rau củ thối rữa không đưa vào sử dụng nấu ăn cho học sinh' Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Thị Bưởi, nhận sai sót khi ban giám hiệu không tham gia tiếp phẩm, dẫn đến việc phụ huynh chụp ảnh rau củ đã bỏ đi.

Hình ảnh bữa ăn của học sinh bán trú trường Tiểu học Trần Thị Bưởi (quận 9, TP.HCM) với cơm, trứng chiên, canh và tráng miệng bằng chuối khiến không ít phụ huynh đau lòng.

tre co the an bua an voi 4-5 mon anh 1

Phụ huynh không hài lòng khi họ đóng 30.000 đồng cho bữa trưa và bữa xế nhưng suất ăn của con chỉ có cơm, trứng, canh và chuối. Ảnh: Phụ huynh cung cấp.

Họ cho rằng với 30.000 đồng cho bữa trưa và bữa xế, bữa cơm đó không đáng. Ngoài ra, không ít người đặt câu hỏi liệu suất ăn như vậy có đủ dinh dưỡng không, chưa nói đến việc nguồn gốc thực phẩm ra sao.

Trao đổi với Zing, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho rằng bữa ăn mà phụ huynh trường Trần Thị Bưởi phản ánh có kết cấu tốt.

Trong đó, cơm cung cấp tinh bột, trứng cho chất đạm. Canh cũng có rau xanh. Ngoài ra, trẻ còn được tráng miệng với hoa quả (chuối).

Tuy nhiên, để đánh giá dinh dưỡng bữa cơm như vậy có đủ cho trẻ không, bác sĩ Lâm cho biết còn cần dựa vào số lượng cụ thể. Do đó, bà chưa đưa ra kết luận.

Dù vậy, nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhận xét suất ăn cho học sinh tiểu học mà chỉ có cơm, canh, trứng là đơn điệu, thiếu đa dạng.

"Về dinh dưỡng, người ta khuyến nghị cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm, càng đa dạng càng tốt vì mỗi thực phẩm có thành phần dinh dưỡng khác nhau, cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể hơn", bà nói.

Chuyên gia dinh dưỡng này nói thêm với bữa ăn học đường, Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường cân đối đạm, đường, béo, đa dạng thực phẩm. Thực tế, các trường ở thành phố triển khai dinh dưỡng học được, được đào tạo, tập huấn về dinh dưỡng nhiều.

Do đó, bác sĩ Nguyễn Thị Lâm cho rằng bữa cơm cho trẻ cần có thêm món.

Với bữa cơm như phụ huynh trường Trần Thị Bưởi phản ánh, bà phân tích trứng là thực phẩm tốt. Nó cung cấp chất đạm chuẩn. Dù vậy, nhà bếp có thể điều chỉnh bằng cách cho thêm một ít thịt băm nhỏ vào rán cùng, vừa nhiều chất vừa giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.

Bên cạnh đó, bữa ăn có thể có thêm cá, tôm. Cho thêm đậu phụ vào bữa ăn của trẻ cũng là phương án hay vì nó giúp cân đối đạm động vật và thực vật, tốt hơn cho sức khỏe trẻ em.

Về món canh trong suất ăn đó, bà chưa rõ ngoài rau, canh còn có thêm gì song bà gợi ý món canh có thể có thêm thịt băm nhỏ để đảm bảo dinh dưỡng.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, học sinh tiểu học không cần quá nhiều rau. Nhóm tuổi này nên ăn khoảng 100-150 gram rau mỗi bữa, nấu thành hai món, gồm canh và rau củ xào là ổn.

Để cung cấp chất đạm cho trẻ, bữa ăn nên có ít nhất hai món mặn, có thể là trứng, thịt, cá, đậu phụ.

"Đương nhiên, số lượng món ăn mỗi bữa còn tùy thuộc vào kinh phí do phụ huynh bỏ ra. Nhà bếp nên tính toán để lựa chọn thực phẩm, tạo sự đa dạng, đảm bảo dinh dưỡng cho các cháu. Họ có thể thêm nửa bìa đậu vì món này không đắt", bà chia sẻ.

Bên cạnh đó, bà khẳng định với mức giá 25.000-30.000 đồng/suất, nhà bếp hoàn toàn có thể nấu bữa ăn đa dạng với 2-3 món cung cấp chất đạm, hai món rau và cạnh cùng với hoa quả tráng miệng. Để tốt cho trẻ, bữa ăn học đường nên có 4-5 món.