GIÁO DỤC

12 ngày khám phá mùa vàng của blogger 9X

02/11/2020 14:37

Blogger Mavis Vi Vu Ký đã có hành trình đầy ắp trải nghiệm sau chuỗi ngày rong ruổi trên những cung đường lúa chín vàng ở Lào Cai, Hà Giang và Yên Bái.

Nhiều người hỏi Mavis rằng: “Săn lúa thôi mà, sao phải đi nhiều ngày như thế?” Thật sự, chuyến đi này có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Bao năm qua, dù đặt chân đến nhiều điểm đến tuyệt đẹp miền Đông Tây Bắc, tôi vẫn chưa có cơ hội "chạm" đến mùa vàng.

Đã rất lâu từ sau chuyến đi dài ngày, tôi vẫn "tương tư" về những tháng ngày bình yên sống trong bản làng với ruộng bậc thang vàng ươm. Cảm giác được hít hà hương lúa chín thơm, trải nghiệm muôn vàn cung bậc cảm xúc cùng biển mây, núi non, con người, vẫn còn đọng lại trong tâm trí...

Sa Pa - bản tình ca của lúa chín, mây ngàn

Điểm dừng chân đầu tiên của Mavis trong hành trình vòng quanh Đông Tây Bắc mùa lúa chín là Sa Pa. Một nơi quen thuộc nhưng cũng mới lạ, mời gọi tín đồ xê dịch khám phá.

Tôi có dịp được khám phá Nậm Nhìu và Nậm Than, 2 bản làng xa xôi, khiến du khách mê đắm bởi những thửa ruộng bậc thang chín vàng xen lẫn con đường uốn lượn quanh co. Biển mây xuất hiện ở đây, tạo nên một cảnh tượng đẹp không lời nào diễn tả.

Tôi cũng ghé qua Y Tý (Lào Cai), tận hưởng thiên đường mây trên đỉnh Ngải Thầu, ngắm nếp nhà trình tường ẩn hiện trong sớm mai, thử trang phục của người Hà Nhì, chuyện trò với người dân địa phương...

Ngoài ra, đó còn là trải nghiệm đáng nhớ khi chinh phục cột cờ Lũng Pô, vi vu trên con đường ven gần 150 km, đến “cao nguyên trắng” Bắc Hà, khám phá chợ phiên, cắm trại tại đồi tam giác mạch ở Lử Thẩn, Si Ma Cai.

Cảm xúc vẹn nguyên ngày trở lại Hà Giang

Vòng qua Đông Bắc, tôi tiếp tục hành trình săn lúa chín ở Hoàng Su Phì, Hà Giang. Thời điểm đẹp nhất để ghé Hoàng Su Phì là độ tháng 9, tháng 10 hàng năm, khi hương lúa thơm tràn ngập khắp bản Phùng, bản Luốc, Hồ Thầu, Thông Nguyên.

Tôi dành 2 ngày ở bản Luốc, nơi có những thửa ruộng bậc thang cao nhất Việt Nam. Hành trình đến đây cũng khá gian nan. Vào ngày nắng, đoạn đường này không quá khó đi, nhưng nếu không may gặp trời mưa, sình lầy, đôi khi, bạn phải dẫn bộ mới vào sâu trong bản được.

Vừa đến bản Luốc, bước qua sườn núi, những ngọn đồi bất tận hiện ra dưới áng chiều cuối ngày, chiếu lên những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp bao trọn lấy núi đồi.

Ở Bản Luốc, chẳng cần đi đâu xa, ở homestay, tôi vẫn có thể say sưa giữa mùa vàng rực rỡ với thung lũng pha lẫn sông mây tuyệt đẹp ngay trước mắt. Chiều lại, tôi ngắm hoàng hôn buông, ăn vài món ăn ngon của người bản địa, tối hướng mắt lên tìm kiếm sao trời...

Một vài lưu ý:

- Trước khi đến Hoàng Su Phì, bạn hãy đổ xăng đầy bình vì đường đi vào bản rất khó tìm được cây xăng.

- Hãy bảo trì xe máy trước khi đi Hoàng Su Phì hoặc nếu thuê, bạn cũng nên chọn con xe nào thật tốt.

- Nếu không đi đúng mùa lúa chín, vào các dịp khác trong năm, bạn vẫn có thể leo núi, săn biển mây ở Chiêu Lầu Thi, Tây Côn Lĩnh hay chỉ đơn thuần khám phá văn hóa và cuộc sống người dân ở đây.

- Mùa nước đổ tầm tháng 4-5 cũng là gợi ý lý tưởng để khám phá Hoàng Su Phì.

Yên Bái - đích đến cuối cùng trong hành trình 1.180 km

Cứ mỗi độ thu về, khắp cộng đồng du lịch lại phát sốt với những ảnh check-in tại nhiều điểm quen thuộc của Mù Cang Chải như đồi Mâm Xôi, móng ngựa Sáng Nhù... Đằng sau những khung hình ấy là đoàn người chen chúc để giành lấy một góc chụp đẹp nhất cho riêng mình. Còn với tôi, việc tận hưởng trọn vẹn cảnh đẹp mà không phải bon chen xô bồ mới là điều tuyệt nhất.

Tôi dành trọn một ngày lang thang khắp những bản làng xa xôi của xứ Mù Cang như La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, Lao Chải, Lìm Mông, chạm tay vào lúa chín óng ả, sống giữa mùa vàng bình yên. Sau đó, tôi dừng chân trước bản làng được xem là “cực phẩm” của hành trình này - Lao Chải.

Cách trung tâm Mù Cang Chải tầm 15 km, Lao Chải thoạt nhìn không có gì quá ấn tượng. Thế nhưng, khi đã vào sâu trong bản, tôi mới “mắt chữ O, mồm chữ A” với những cảnh tượng tuyệt đẹp. Đó là lớp ruộng bậc thang xếp chồng lên nhau, thung lũng Vân Gỗ với các tầng lúa nhiều màu sắc, vành móng ngựa phiên bản Lao Chải đẹp không kém Sáng Nhù.

Tôi ngồi bên một sườn đồi cạnh thung lũng và nhắm mắt lại, nghe tiếng khèn, lời ca của đôi lứa hẹn hò; tiếng chim hót, hoa rơi giữa đại ngàn Tây Bắc. Tất cả những thanh âm đó tạo nên bản giao hưởng mùa vàng của miền sơn cước, thi vị mà hào hùng, ấn tượng không thể nào quên.Tôi còn được thưởng thức cốm Tú Lệ trứ danh, cùng những người bạn mới ngắm hoàng hôn, cầu vồng trên núi, khám phá rừng trúc, sống lưng khủng long, đèo Khau Phạ...

Trong buổi chiều tà ở bản La Pán Tẩn, người dân địa phương đang đồng loạt gặt những thửa ruộng sót lại, báo hiệu kết thúc một mùa vàng rực rỡ. Hành trình 12 ngày vòng quanh Đông Tây Bắc mùa lúa chín khép lại với đầy ắp kỷ niệm cùng con người và cảnh vật nơi đây.

Bạn đang đọc bài viết "12 ngày khám phá mùa vàng của blogger 9X" tại chuyên mục Du lịch.