Việt Nam và Australia tăng cường hợp tác trong khai thác khoáng sản
Các đại biểu dự hội thảo đã thảo luận và đưa ra các phương pháp tìm kiềm khoáng sản ẩn và sâu; các biện pháp giải quyết ô nhiễm môi trường sau khai thác khoáng sản.
Kỷ niệm 47 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam-Australia (1973-2020), ngày 16/11, tại Hà Nội, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chủ trì, phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế “Hợp tác liên kết bền vững trong kỹ thuật thăm dò và chế biến khoáng sản tại miền Bắc Việt Nam."
Tham dự hội thảo có 60 đại biểu từ các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, đại diện Đại sứ quán Australia tại Hà Nội, các công ty thương mại về khoáng sản của Australia, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp và chuyên gia đầu ngành thuộc lĩnh vực địa chất và khoáng sản của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Shannon Leahy, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Australia tại Hà Nội, cho biết năm 2020 là một năm đặc biệt đáng nhớ, đánh dấu 47 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Australia, cụ thể Việt Nam và Australia đã nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hàng hóa từ mức 7,8 tỉ USD năm 2018 lên 10 tỉ USD ngay trong năm 2020.
Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ có chiều hướng lan rộng trên toàn cầu, Việt Nam và Australia đã đưa ra một cam kết đáng chú ý là duy trì hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, được quy định trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và cam kết ủng hộ các biện pháp cải cách cần thiết đối với WTO để đáp ứng thời cơ và thách thức trong giai đoạn hiện nay.
"Với nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú ở Việt Nam, Australia nhận thấy cơ hội lớn để các công ty công nghệ và dịch vụ thiết bị khai thác (METS) hợp tác với Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ tài nguyên khoáng sản tiên tiến, nhằm đạt được hiệu quả và duy trì phát triển bền vững. Australia cam kết kết nối các công ty METS tốt nhất của Australia với các doanh nghiệp khai thác của Việt Nam trong bối cảnh phát triển của các dự án khai thác tại Việt Nam ngày càng tăng" - ông Shannon Leahy nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết Việt Nam và Australia đã có mối quan hệ lâu dài trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản, đặc biệt là thăm dò và chế biến khoáng sản và đây cũng là một lĩnh vực hợp tác quan trọng trong mối quan hệ hai nước.
Tuy nhiện, hiện Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã và đang đứng trước những thách thức như tình trạng cạn kiệt khoáng sản đang ngày càng tăng; ô nhiễm môi trường sau khai thác, sự cố môi trường diễn biến phức tạp; tổn thương ở khu vực khai thác và tình trạng biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng với cường độ ngày càng mạnh.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng này đối với sự phát triển và thịnh vượng của quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường với mong muốn đẩy mạnh sự hợp tác liên kết bền vững trong kỹ thuật thăm dò và chế biến khoáng sản. Do vậy, Hội thảo này chính là cơ hội để các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và góp ý về các nội dung, cách tiếp cận để hợp tác bền vững trong kỹ thuật thăm dò và chế biến khoáng sản tại Việt Nam. Những người tham dự có dịp thảo luận và đưa ra các phương pháp tìm kiềm khoáng sản ẩn và sâu; các biện pháp giải quyết ô nhiễm môi trường sau khai thác khoáng sản.
Tại hội thảo diễn ra hai phiên họp. Phiên thứ nhất là tổng quan địa chất và khoáng sản tại các tỉnh trọng điểm miền Bắc, phương pháp địa vật lý và thiết bị trong thăm dò khoảng sản ẩn sâu. Phiên thứ hai là thảo luận các phương pháp thăm dò đã được thí điểm thành công ở các tỉnh miền Bắc và phương pháp, công nghệ chế biến khoáng sản.
Chia sẻ về các phương pháp thăm dò được áp dụng thành công tại Mỏ Nikel Bản Phúc (xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La), Tiến sỹ Đinh Hữu Minh (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mỏ Nikel Bản Phúc), cho biết công nghệ địa vật lý đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát hiện ra nhiều mỏ sulfua Ni-Cu trên khắp thế giới.
Quặng sulfua có tính dị thường về hầu hết các tính chất vật lý bao gồm độ dẫn điện, độ nạp điện, tỉ trọng và từ tính. Tuy nhiên, phản ứng địa vật lý của sulfua cũng như khối xâm nhập có thể rất khác nhau do nhiều yếu tố hình học, thể tích và đặc điểm địa chất làm giảm khả năng phát hiện.
Vì vậy, thời gian gần đây, Công ty Nikel Bản Phúc đã sử dụng thành công các phương pháp, thiết bị hiện đại để triển khai công tác thăm dò khoáng sản, đặc biệt trong điều kiện địa hình, địa chất phức tạp như: từ trường, điện từ, phân cực kích thích, trọng lực. Sau khi có số liệu địa vật lý sẽ chuyển sang xử lý, thuyết minh và giải thích tài liệu bằng phần mềm chuyên ngành để tìm kiếm khoáng sản ẩn sâu, đặc biệt trong việc tìm ra sulfua đặc sít.
Để phát triển công nghệ chế biến sâu một cách bền vững, các đại biểu đề xuất nhiều phương pháp như áp dụng các công nghệ mới cung cấp khả năng phát hiện quặng sulfua trong môi trường phức tạp và ở độ sâu lớn hơn; công nghệ hòa tách mang tính kinh tế để chiết xuất nikel và coban…
Ngoài ra, các đại biểu cũng góp ý với các công ty thương mại về khoáng sản là cần đầu tư đáng kể vào phầm mềm xử lý mới nhất như: thiết bị điện từ (EM) và các mô hình IP 2D và 3D công suất cao… để áp dụng công nghệ địa vật lý tốt nhất vào thăm dò địa chất, khoáng sản.
Diệu Thúy