GIÁO DỤC

Kỳ 2: Đốt rác phát điện, khí hóa chất thải rắn - Nhiều hệ lụy cho môi trường

25/11/2020 19:59

Được tung hô như một giải pháp hoàn hảo để xử lý vấn nạn rác nhưng công nghệ đốt rác phát điện lại phát thải ra Dioxin hay công nghệ khí hóa chất thải rắn dù được giới khoa học đánh giá cao song vẫn đang loay hoay tìm cách bước vào thị trường.

Kỳ 2: Đốt rác phát điện, khí hóa chất thải rắn - Nhiều hệ lụy cho môi trường

Miền Bắc Miền Nam

Được tung hô như một giải pháp hoàn hảo để xử lý vấn nạn rác nhưng công nghệ đốt rác phát điện lại phát thải ra Dioxin hay công nghệ khí hóa chất thải rắn dù được giới khoa học đánh giá cao song vẫn đang loay hoay tìm cách bước vào thị trường.

Đốt rác phát điện thải ra khí Dioxin?

Thời gian gần đây, “điện rác” hay “đốt rác phát điện” là từ khóa sử dụng rộng rãi trên phương tiện truyền thông đại chúng, được cổ vũ mạnh mẽ như là một giải pháp hoàn hảo để xử lý vấn nạn rác. Tuy nhiên, giới khoa học vẫn còn nhiều băn khoăn với công nghệ này. Trong khi đó, các cơ quan chuyên môn như Bộ Khoa học và Công Nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chưa hề công nhận công nghệ trên phù hợp với Việt Nam.

Cụ thể, trao đổi tại buổi tọa đàm “Đốt rác phát điện – Những vấn đề đặt ra, các phương án lựa chọn xử lý chất thải rắn” do Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển tổ chức gần đây, PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam đánh giá, so với việc chôn lấp, biện pháp đốt rác có nhiều ưu thế hơn tuy nhiên vẫn phát thải chất độc hại ra ngoài môi trường.

tm-img-altToàn cảnh buổi tọa đàm “Đốt rác phát điện – Những vấn đề đặt ra, các phương án lựa chọn xử lý chất thải rắn”. 

Là tác giả biên soạn lò đốt rác thải y tế, PGS.TS Trương Duy Nghĩa cho biết, bắt buộc lò đốt rác phải có 2 vùng đốt gồm buồng sơ cấp và buồng thứ cấp. Trong đó, buồng sơ cấp chỉ cần đạt 800 độ C là đủ để đốt cháy các chất thải tự nhiên và công nghiệp. Tuy nhiên, nhiệt độ buồng thứ cấp phải nâng lên tối thiểu 1.200 độ C thì mới phân hủy Dioxin, Furan và các chất độc hại, chỉ cần hạ xuống 700-900 độ C thì thành phần các chất không độc hại lại tiếp tục tái lập thành Dioxin. Nghiêm trọng hơn là vấn đề trên không được ai chú ý đến.

“Những người làm đốt rác không để tâm đến vấn đề này, nói họ cũng chỉ nghe cho biết và vẫn làm, điển hình như lò đốt ở Cần Thơ hay lò đốt đang triển khai ở Sóc Sơn và sắp đi vào sử dụng”, PGS.TS Trương Duy Nghĩa nói.

Theo PGS. TS Trương Duy Nghĩa, công nghệ đốt rác phát điện khi lò đốt thứ cấp không đạt nhiệt độ 1.200 độ C nhưng lại tiếp tục đặt lò hơi khiến nhiệt độ bị giảm xuống thì sẽ không khử được khí Dioxin. Nhiệt độ thấp sẽ ngăn chặn Dioxin tái thiết lập. Tuy nhiên khi chưa khử được thì việc chống tái thiết lập là vô nghĩa. Đó cũng là điểm phi kỹ thuật trong công nghệ này.

Bên cạnh đó, ông chỉ ra nhiều bất cập trong quá trình thực hiện dự án đốt rác phát điện như hồ sơ, tài liệu dự án quá đơn giản nhưng vẫn được phê duyệt, phát sinh hoài nghi có tình trạng “chạy dự án”, tồn tại cơ chế "xin - cho"; Các xí nghiệp đốt rác phát điện đều dùng các biện pháp xử lý phát thải chưa đạt yêu cầu, đốt rác chưa được phân loại tại nguồn có thể sinh ra khí Dioxin…

tm-img-altPGS.TS Trương Duy Nghĩa (đang phát biểu), Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam. 

Từ đó, PGS. TS Trương Duy Nghĩa kiến nghị cần sửa đổi và ban hành mới Quy chuẩn 61 và Quy chuẩn 30 về lò đốt rác sinh hoạt và công nghiệp; Các phương pháp xử lý phát thải và các chỉ tiêu xử lý phát thải phải được diễn đạt chi tiết, có căn cứ khoa học, bảo đảm độ tin cậy, đảm bảo chỉ tiêu phát thải đã đăng ký; Các cơ quan chức năng trong quản lý đốt rác điện có biện pháp tổng thể tập hợp nhiều khả năng về nhân lực, vật lực để xem xét, kiểm tra bảo đảm không có phát thải độc hại ra môi trường; Nơi nhận rác bắt buộc phải phân loại rác trước khi đốt; Có lò đốt rác công nghiệp riêng; Xây dựng lò đốt rác tại khu công nghiệp.

“Về việc đốt rác phát điện cần tuân thủ các nguyên tắc, chỉ phát điện khi các biện pháp xử lý phát thải đạt các chỉ tiêu đã được phê duyệt, xét cả về nguyên lý của phương pháp xử lý cũng như các chỉ tiêu cần đạt vì nếu không đạt thì phát điện cũng không có ý nghĩa. Việc phát điện là phần lợi nhuận phụ thu của chủ đầu tư, là việc tận dụng nhiệt phạt thừa ra để có điện, không tận dụng cũng không sao”, PGS. TS Trương Duy Nghĩa nhấn mạnh.   

Khí hóa - Giải pháp tốt nhưng làm thế nào để phát triển?

Cũng tại buổi tọa đàm “Đốt rác phát điện – Những vấn đề đặt ra, các phương án lựa chọn xử lý chất thải rắn”, Công ty TNHH Sa Mạc Xanh giới thiệu công nghệ khí hóa chất thải rắn do chuyên gia Nguyễn Gia Long trực tiếp nghiên cứu.

Theo đó, nhà máy tại Hưng Yên đang áp dụng công nghệ này để xử lý bình quân trên 200 tấn rác mỗi ngày. Rác không cần phải phân loại vô cơ và hữu cơ ở đầu vào, không thải nước, khói, khí độc ra ngoài môi trường, chuyển hóa rác thải thành khí gas tổng hợp để phát điện. Ngoài điện, công nghệ còn thu lại được đất đen là nguyên liệu cho nền nông nghiệp hữu cơ.

tm-img-altChuyên gia Nguyễn Gia Long dành hơn 20 năm để nghiên cứu về công nghệ xử lý chất thải rắn. 

Theo kết quả đo kiểm của Trung tâm quan trắc môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, khí thải tại nhà máy này đạt tiêu chuẩn xả thải, các thông số đều đạt dưới mức cho phép, có thể nói là sạch hơn so với tiêu chuẩn khí thải Việt Nam và tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO.

Công nghệ đạt tiêu chuẩn xả thải, vậy nhưng mới đang được thực hiện ở mức thí điểm tại tỉnh Hà Nam, vấn đề thương mại hóa công nghệ xử lý chất thải do người Việt Nam phát minh được các chuyên gia đặc biệt quan tâm.

Trong đó, chuyên gia Nguyễn Gia Long kiến nghị cần phải có cơ chế rõ ràng, khuyến khích nhà đầu tư trong vấn đề phát triển công nghệ xử lý rác. Theo đó, giải pháp phải đảm bảo không gây ô nhiễm thứ cấp, có sản phẩm phụ thu để có chi phí tái đầu tư, giảm áp lực cho Nhà nước, Chính phủ, vốn Ngân sách.

Theo ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển, đấu thầu theo hợp đồng cung cấp dịch vụ công ích là một trong những hướng đi hiệu quả. Bởi theo Nghị định 32 ban hành năm 2019 của Chính phủ, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt là hoạt động công ích, được đấu thầu, ký hợp đồng thực hiện qua Luật Đấu thầu.

Tuy nhiên, ông Đông cho rằng, cần phải đưa vào hồ sơ mời thầu các tiêu chuẩn về quản lý môi trường, quy định một cách khách quan, độc lập về khí thải, nước thải… Theo đó, cơ quan chuyên môn sẽ tính thang điểm, đấu thầu khách quan, song phẳng, công nghệ nào đáp ứng tiêu chuẩn sẽ được lựa chọn.

Kỳ 3: PGS. TS Trương Duy Nghĩa: Đốt rác phát điện không coi phát điện là mục đích cuối cùng

Vương Liễu