Tổng quan về thị trường năng lượng tái tạo
Vào giai đoạn trước năm 2010, năng lượng tái tạo vẫn chưa thật sự được tin tưởng. Khi nói đến năng lượng tái tạo thì hầu như các nhà quy hoạch chỉ nghĩ đến thủy điện nhỏ do tính khả thi rất cao, sau năm 2010 mới quan tâm thêm đến các nguồn năng lượng tái tạo khác. Những năm sau, do gia tăng nhu cầu tiêu thụ điện cộng với các chủ trương mới mang tính khuyến khích của Chính phủ phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó đáng kể nhất là năng lượng gió và năng lượng mặt trời, đã ngày càng được chú ý nhiều hơn. Theo xu hướng đó, vai trò của năng lượng gió và năng lượng mặt trời đã dần được xác định rõ hơn và đúng mức hơn trong các quy hoạch điện sau này.
Trong Quy hoạch điện VII (giai đoạn 2011-2020, ký ngày 21/7/2011 theo QĐ số 1208/QĐ-TTg) thì tỷ trọng lượng điện phát ra từ các nguồn năng lượng tái tạo đã tăng dần theo thời gian. Tuy nhiên, do tình hình phát triển trong thực tế nhanh hơn so với dự kiến, Quy hoạch điện VII tỏ ra không còn phù hợp nữa. Chính vì vậy, ngày 18/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong đó nêu quan điểm rất quan trọng là phải phát triển thị trường điện lực cạnh tranh theo lộ trình nhằm đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện, đồng thời điều chỉnh theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo (không kể các nguồn thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng).
Quy hoạch điện VII điều chỉnh cũng đề ra lộ trình cần thực hiện trong mỗi giai đoạn 5 năm như sau. Cụ thể, với giai đoạn từ 2016-2020, sẽ đưa vào vận hành thêm 21.651 MW, trong đó công suất các nguồn phát điện năng lượng tái tạo được bổ sung là 3.722 MW (chiếm 17,19%).
Giai đoạn từ 2021-2025, đưa vào vận hành thêm 38.010 MW, trong đó công suất các nguồn phát điện năng lượng tái tạo được bổ sung là 6.290 MW (chiếm 16,54%).
Giai đoạn từ 2026-2030, đưa vào vận hành thêm 36.192 MW, trong đó công suất các nguồn phát điện năng lượng tái tạo được bổ sung là 15.190 MW (chiếm 41,97%).
Quyết định 11/2017/QĐ-TTg ký ngày 11/4/2017, là một dấu mốc quan trọng cho sự bùng nổ của điện mặt trời đến 6 tháng đầu năm 2019. Theo Quyết định này, để khuyến khích các nhà đầu tư dự án điện mặt trời, giá mua điện mặt trời là 9,35 US cent/kWh đối với các dự án điện mặt trời đưa vào vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019.
Chính vì vậy, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, công suất các nguồn phát điện từ năng lượng tái tạo của Việt Nam đã tăng thêm gần 4.500 MW, nhưng chủ yếu chỉ đến từ điện mặt trời. Sự tập trung nhanh chóng và đột ngột các dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận và Bình Thuận đã gây quá tải trầm trọng cho hệ thống lưới điện truyền tải ở khu vực, đã nảy sinh các vấn đề kỹ thuật mới mà các nhà quy hoạch trước đây chưa lường hết được.
Theo các số liệu của EVN, cho đến giữa tháng 4/2019, mới chỉ có 4 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất chưa đến 150 MWp được đấu nối vào lưới điện. Tuy nhiên, đến ngày 30/6/2019 đã có tổng cộng 82 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 4.464 MWp được đấu nối vào lưới điện và đưa vào khai thác thương mại, chiếm 8,28% tổng công suất lắp đặt của toàn hệ thống điện. Các dự án này được hưởng mức giá 9,35 US cent/kWh trong thời gian 20 năm, trong số đó có 72 nhà máy điện với tổng công suất 4.189 MWp thuộc quyền điều khiển của cấp điều độ quốc gia (A0) và 10 nhà máy điện với tổng công suất 275 MWp thuộc quyền điều khiển của các cấp điều độ miền. Các số liệu thống kê cũng cho thấy, đến hết năm 2019 đã có thêm 13 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 630 MWp được đóng điện, đưa tổng số nhà máy điện mặt trời trong toàn hệ thống lên đến con số 95.
Không chỉ các dự án điện mặt trời quy mô lớn, trong vài năm gần đây điện mặt trời mái nhà đã thu hút sự chú ý của nhiều hộ gia đình và các doanh nghiệp, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà cũng đã và đang được phát triển rất nhanh chóng. Nếu tính trên phạm vi cả nước, theo báo cáo tổng hợp của EVN, cho đến tháng 10/2020 đã có 1.500 MWp điện mặt trời mái nhà được lắp đặt. Theo Chương trình thúc đẩy điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019- 2025 đã được Bộ Công Thương phê duyệt (Quyết định số 2023/QĐ-BCT, ký ngày 05/7/2019), điện mặt trời mái nhà sẽ được chuyển đổi sang điều kiện thị trường với mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ có 100.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà được đưa vào vận hành.
Vài băn khoăn về vấn đề cơ chế biểu giá mua điện
Feed-in Tariff (FiT) hay còn gọi là biểu giá điện hỗ trợ, là chính sách được đưa ra nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Năm 2017, Chính phủ ban hành cơ chế FIT 1 thông qua Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Theo đó, Chính phủ mua điện mặt trời đồng giá cho tất cả loại hình điện mặt trời là 9,35 cent/kWh, có hiệu lực đến ngày 30/06/2019. Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg với biểu giá FIT 2 có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5/2020 và thời hạn áp dụng đến hết ngày 31/12/2020, giá mua điện mặt trời trên mặt đất là 7,09 US cent/kWh (tương đương 1.644 đồng). Còn giá điện mặt trời nổi trên mặt nước là 7,69 US cent (tương đương 1.783 đồng), điện mặt trời mái nhà là 8,38 US cent/kWh (tương đương 1.943 đồng). Thời hạn của cơ chế giá điện FIT 2 sắp kết thúc, chính sách giá điện mặt trời từ ngày 1/1/2021 sẽ như thế nào?
Cụ thể, đó là kế hoạch gia hạn chính sách giá FIT 2 thêm thời gian của Chính Phủ, Bộ Công thương để người dân và doanh nghiệp tiếp tục triển khai đầu tư điện mặt trời.
Trường hợp không gia hạn cơ chế giá FIT 2, chính sách giá điện mặt trời mới sẽ thay đổi như thế nào và khi nào có hiệu lực nhằm đảm bảo sự khuyến khích phát triển đầu tư điện mặt trời tiếp nối và liên tục? Biểu giá FIT 3 nếu có, thì có được phân loại mức giá ưu đãi đối với từng vùng cụ thể?
Trường hợp cơ chế giá bán điện mặt trời sau ngày 31/12/2020 được áp dụng theo hình thức đấu thầu giá bán điện, Nhà đầu tư rất mong Chính phủ sớm ban hành chính sách, quy định về cách thức thực hiện, quy trình triển khai và đối tượng được áp dụng chính sách… để có sự chuẩn bị tốt về nguồn vốn, nhân lực triển khai đầu tư sau khi chính sách mới có hiệu lực.
CTCP Helio Power được thành lập từ năm 2017 có trụ sở chính tại tầng 9B, tòa Nhà Leadvisors Place, số 41a Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Một số lĩnh vực hoạt động và đầu tư của Helio Power trong thời gian qua:
-Đầu tư phát triển dự án nhà máy điện mặt trời và hệ thống điện mặt trời mái nhà. Tiêu biểu là dự án nhà máy điện mặt trời Thuận Minh 1, nhà máy điện mặt trời Thuận Minh 2 và hệ thống điện mặt trời mái nhà ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu,…
-Hoạt động tư vấn đầu tư đáp ứng cho nhu cầu phát triển liên tục của chủ đầu tư, các đối tác trong giai đoạn phát triển dự án cũng như triển khai vận hành.
-Nghiên cứu thị trường nhằm đưa ra giải pháp tư vấn và chiến lược tiếp thị bán hàng cho mỗi dự án.
(*) Ông Hoàng Thế Anh - Chủ tịch HĐQT CTCP Helio Power