Vĩnh Phúc: Nỗ lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020
Từ đầu năm đến nay, hoạt động tín dụng, ngân hàng trên địa bàn Vĩnh Phúc vẫn duy trì ổn định, bắt kịp đà tăng trưởng.
Dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng từ đầu năm đến nay, hoạt động tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn duy trì ổn định, bắt kịp đà tăng trưởng. Các chỉ số huy động vốn, dư nợ cho vay tiếp tục tăng trưởng, đáp ứng tốt nhu cầu vốn vay của người dân, doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc, đến hết tháng 10/2020, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt trên 87.500 tỉ đồng, tăng 8,29% so với cuối năm 2019. Trong đó, riêng tiền gửi tiết kiệm tăng 61,49% trong khi lãi suất huy động có xu hướng giảm. Tổng dư nợ cho vay ước đạt 85.250 tỉ đồng, tăng 9,27%.
Đặc biệt, trước ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19, ngay từ đầu năm, cùng với thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chủ động gắn nhiệm vụ xử lý nợ xấu với việc thực hiện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng; gắn kiểm soát tăng trưởng tín dụng với mở rộng hoạt động kinh doanh và phát triển mạng lưới của tổ chức tín dụng. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng về chấp hành các quy định cấp tín dụng, an toàn trong hoạt động ngân hàng, các quy định về cơ cấu lại nợ, phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; thanh tra, giám sát chặt chẽ nợ xấu và chất lượng tín dụng… Nhờ đó, đến hết tháng 10/2020, nợ xấu chiếm 0,8% tổng dư nợ và giảm 24% so với cuối năm 2019.
Qua tìm hiểu tại một số ngân hàng, tổ chức tín dụng, hiện mặt bằng lãi suất cho vay VNĐ đang phổ biến ở mức từ 6 - 9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và từ 9 - 11%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Cùng với đó, tình hình dịch bệnh Covid -19 trong nước cơ bản ổn định, nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của khách hàng trên địa bàn bắt đầu tăng trở lại.
Để kịp thời hỗ trợ thị trường, bảo đảm tăng trưởng tín dụng gắn với an toàn vốn, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước tỉnh tập trung chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo hướng mở rộng tín dụng phù hợp với định hướng của ngành và nhu cầu vốn phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong đó, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và của tỉnh. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tính minh bạch, đơn giản hóa thủ tục, tiết giảm các loại phí không cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp.
Thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất việc triển khai thực hiện Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các quy định về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử và các văn bản pháp luật có liên quan trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Bích Phượng