GIÁO DỤC

Tư nhân đầu tư điện bao giờ mới gỡ được bài toán về vốn?

08/11/2020 17:30

Các nhà đầu tư cho rằng, một trong những khó khăn lớn hiện nay là việc thu xếp vốn, tài chính từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Tư nhân đầu tư điện bao giờ mới gỡ được bài toán về vốn?

Các nhà đầu tư cho rằng, một trong những khó khăn lớn hiện nay là việc thu xếp vốn, tài chính từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Hiện nay, nhiều dự án với công suất lớn có trong Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh hoặc đã được bổ sung quy hoạch đang bị chậm tiến độ. Nhiều dự án chưa thể xác định được thời gian vận hành đã làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống. Các nhà đầu tư cho rằng, một trong những khó khăn lớn hiện nay là việc thu xếp vốn, tài chính từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Nhà đầu tư khó đủ chuẩn để vay vốn

Ông Ngô Quốc Hội, Tổng giám đốc Công ty CP Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang với dự án nhiệt điện 650 MW, tổng vốn hơn 1 tỉ USD (khoảng 23.000 tỉ đồng) cho biết, dự án này không có bảo lãnh của Chính phủ nên việc thu xếp vốn vay thanh toán cho hợp đồng EPC của dự án gặp nhiều khó khăn.

Bởi doanh nghiệp bị giới hạn bởi các quy định cho vay đối với một dự án không quá 15%, đối với nhóm khách hàng có liên quan không quá 25% vốn tự có của các ngân hàng. “Với quy định như vậy, nhu cầu vốn vay của Dự án từ ngân hàng nhà nước là không khả thi. Đối với ngân hàng nước ngoài, sau nhiều lần đàm phán, một số ngân hàng đã chấp nhận gỡ bỏ điều kiện bảo lãnh của Chính phủ” - ông Hội thông tin.

tu nhan dau tu dien bao gio moi go duoc bai toan ve von
Đầu tư và vận hành một dự án điện phải trải qua nhiều thủ tục đặc biệt là kêu gọi nguồn vốn.

Cũng theo ông Hội, để đảm bảo nguồn trả nợ cho các dự án, các ngân hàng đều đưa ra các điều kiện như: Bộ Công Thương phê duyệt sản lượng điện tối thiểu 90% sản lượng bình quân nhiều năm của dự án, trong thời gian 10 năm kể từ khi nhà máy vận hành thương mại.

“Trường hợp nhà máy sẵn sàng phát điện mà EVN không huy động thì EVN vẫn phải thanh toán 90% sản lượng trên. Đây là vướng mắc để doanh nghiệp đáp ứng, đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng” - ông Hội nêu khó khăn.

Chia sẻ về vấn đề đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện PPA, theo ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, hiện nay EVN cũng đang gặp nhiều khó khăn khi nhà đầu tư yêu cầu cam kết sản lượng hợp đồng tối thiểu 90% sản lượng bình quân nhiều năm. Tuy nhiên, việc giao bên mua và bên bán điện tự thỏa thuận sản lượng hợp đồng cho thời hạn 10 năm trả nợ vay sẽ không thực hiện được, do khác nhau về thông lệ thỏa thuận sản lượng điện hàng năm.

Đặc biệt đối với các dự án điện khí (bao gồm các dự án sử dụng khí lô B, Cá Voi Xanh, LNG,…) vị đại diện EVN cho hay, giá bán điện cao, đồng thời giá nhiên liệu khí chiếm tới 70% trong cơ cấu giá. Các nhà cung cấp khí yêu cầu bao tiêu nhiên liệu thì dự án cung cấp khí mới khả thi. Đây là vấn đề rất khó đàm phán khi tỉ lệ yêu cầu bao tiêu cao trên 90%.

"Mức bao tiêu nhiên liệu và giá nhiên liệu quan hệ chặt với nhau, tuy nhiên đến nay, việc chuyển ngang bao tiêu khí sang sản lượng hợp đồng điện chưa được Chính phủ cho phép, chưa phát triển đồng bộ giữa các dự án trong khi các dự án khí này đều có giá ngang nhau. Ngoài ra, quy định của Bộ Công Thương về giao Bên mua và bên bán điện tự thỏa thuận sản lượng hợp đồng trong nhiều năm sẽ dẫn đến đàm phán kéo dài và khó đạt thỏa thuận khi toàn bộ rủi ro chuyển hết về bên mua điện” - ông Ngô Sơn Hải đề cập.

Tạo cơ sở cho tín dụng trong và ngoài nước

Theo ông Hoàng Trọng Hiếu, đại diện Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước đã chỉ rõ: Tổng dư nợ cho vay của tổ chức tín dụng đối với 1 khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng. Như vậy, đối với các dự án nguồn điện lớn, để vay được tiền của ngân hàng trong nước, cần huy động sự tham gia của một số ngân hàng. Đây là vấn đề hết sức phức tạp và không dễ dàng.

Bên cạnh đó, Chính phủ hiện cũng tạm dừng chủ trương bảo lãnh đối với các dự án điện nên việc thu xếp vốn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các tổ chức tín dụng nước ngoài, trong khi năng lực tài chính của một số nhà đầu tư còn hạn chế.

Do đó, để hỗ trợ về mặt tài chính, vốn, phía Bộ Công Thương cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn triển khai thực hiện các dự án điện đầu tư theo hình thức đối tác công tư, để có thể thực hiện ngay sau khi Luật Đầu tư theo phương thức này có hiệu lực.

“Các quy định liên quan đến sản lượng và thời gian huy động công suất, điện năng của các nhà máy điện IPP cần được tạo thuận lợi cho việc vay vốn từ các tổ chức nước ngoài cho các dự án nguồn điện lớn. Ngoài ra, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét, nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ các nhà đầu tư trong thu xếp vốn, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án điện IPP” - ông Hiếu đề xuất.

tu nhan dau tu dien bao gio moi go duoc bai toan ve von
Vướng mắc về vốn làm cản trở, chậm tiến độ nhiều dự án điện công suất lớn.

Ủng hộ chủ trương này, bà Nguyễn Thùy Dương, đại diện lĩnh vực phát triển tài chính Ngân hàng Vietinbank cho rằng, các Bộ, ngành cần hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với định hướng phát triển ngành điện. Cần sớm hoàn thiện cơ chế giá cạnh tranh với năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng, để ngân hàng có cơ sở khi xem xét quyết định tài trợ. Đồng thời, ban hành cơ chế ưu đãi thuế, phí cho các nhà đầu tư, nghiên cứu ban hành các hướng dẫn cụ thể, thông tin hỗ trợ cho doanh nghiệp và ngân hàng.

Theo chia sẻ của ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN, cần tập trung xây dựng cơ chế để các chủ đầu tư IPP điện mặt trời, điện gió... có thể trực tiếp bán điện đến người tiêu thụ. Mấu chốt thu hút đầu tư và đầu tư hiệu quả là do giá điện. Do vậy, có thể giải quyết khó khăn của các dự án ở mặt giá điện, cả ở đầu vào - đầu ra một cách hợp lý, minh bạch, dài hạn, đảm bảo cân đối lợi ích cho các bên.

Nguyễn Quỳnh