Trong thời gian qua, nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp và nhân dân về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Thường Tín đã có sự thay đổi.
Đặc biệt, vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới đã từng bước được xác định rõ ràng, qua đó đã khuyến khích, động viên người dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Điển hình như việc người dân bảo vệ môi trường đã có chuyển biến rõ rệt, đã tự ý thức phân loại rác thải góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường. Mô hình đường có hoa được người dân tích cực hưởng ứng, góp phần thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường gắn với xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Những con đường rợp sắc hoa đã góp phần hình thành và thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề giữ gìn, bảo vệ môi trường đồng thời làm thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn.
Còn theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới Hà Nội, bbên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện. Hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương, thủy lợi phục vụ sản xuất được ưu tiên đầu tư đảm bảo bảo an toàn trong phòng chống lũ, tiêu thoát nước. Nổi bật là hệ thống đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 100%; đường trục thôn, liên thôn, xóm được nhựa hóa và bê tông hóa 100%; đường ngõ, xóm được bê tông đạt 100%. Hệ thống trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp, không còn phòng học tạm, phòng học cấp 4 dột nát. Đến nay có 79/88 trường đạt chuẩn quốc gia.
"Sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng và hiệu quả ngày càng cao. Trên địa bàn huyện Thường Tín đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như lúa hàng hoá tập trung tại xã Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên; vùng sản xuất rau an toàn tại xã Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng cây ăn quả tại xã Chương Dương, Tự Nhiên... Việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị được quan tâm, đến nay trên địa bàn huyện có 06 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Các mô hình liên kết đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu...', ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.
Về đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục được nâng cao.
Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nhiều làng nghề truyền thống như Sơn mài Hạ Thái, thêu ren Quất Động, tiện gỗ Nhị Khê, điêu khắc Hiền Giang,... được mở rộng và phát triển, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh giảm nghèo nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 55,1 triệu đồng/người/năm. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe người dân có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,1%. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch đạt 84,6%. Các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tiếp tục duy trì tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, thông tin, tuyên truyền vào các ngày lễ, tết...
Sản xuất nông nghiệp hiện nay quy mô vẫn nhỏ lẻ, manh mún, phương thức sản xuất lạc hậu, cơ giới hóa chưa đồng bộ, chưa khai thác được tiềm năng lợi thế của địa phương...
Vì vậy, trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao, ông Kiều Xuân Huy cho biết, huyện Thường Tín sẽ đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi, cơ chế hỗ trợ, bố trí cơ cấu, thời vụ gieo trồng, mở rộng diện tích cây vụ Đông. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ, xây dựng các điểm khảo nghiệm giống cây trồng, các mô hình liên kết theo chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Mở rộng vùng sản xuất chuyên canh tập trung như vùng rau an toàn xã Tân Minh, Hà Hồi, Thư Phú..., vùng cây ăn quả xã Chương Dương, Tự Nhiên.
Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí các xã đã đạt xã chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, năm 2021 phấn đấu 04 xã: Duyên Thái, Minh Cường, Tô Hiệu, Tự Nhiên đạt xã nông thôn mới nâng cao. Song song phối hợp cơ quan đơn vị xây dựng đề án triển khai nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô.
Về nâng cao đời sống nông dân sẽ phấn đấu năm 2021 tăng thu nhập bình quân đạt trên 60 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%. Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt trên 60%.
Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, Nhân dân trên địa bàn huyện Thường Tín đã đóng góp 187.952 ngày công, hiến 2.820m2 đất thổ cư và 44.039m2 đất nông nghiệp để mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Nhờ có sự đóng góp, đến nay huyện đã hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại nhằm phục vụ cho sản xuất và đời sống dân sinh. Trong đó, hoàn thành xây dựng 100% hệ thống đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn, xóm, đảm bảo đi lại thuận tiện. Cùng với đó, 100% tuyến đường trục chính nội đồng đã được cứng hóa, đảm bảo việc đi lại vận chuyển hàng hóa của người dân. Hệ thống trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp, không còn phòng học tạm hay phòng học dột nát. Đến nay toàn huyện đã có 79/88 trường học đạt trường chuẩn quốc gia… |