GIÁO DỤC

Thực trạng và Giải pháp phát triển bền vững sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội

Đăng bởi Văn Mạnh

30/06/2022 00:27

Với 1.054 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và cấp sao trong giai đoạn 2018 - 2020, Hà Nội là địa phương đi đầu của cả nước trong triển khai Chương trình OCOP. Đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên; trong đó 3% sản phẩm tiềm năng 5 sao đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Để rõ hơn về một số nội dung này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Chí, P. Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội.

PV: Ông có thể đánh giá tổng quan về Chương trình OCOP Hà Nội sau 03 năm triển khai?

Ông Nguyễn Văn Chí: Đến nay, Chương trình OCOP của Hà Nội đã thu hút được sự tham gia, phát triển sản phẩm OCOP của 72 DN, 82 hợp tác xã và 101 hộ sản xuất - kinh doanh; qua đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hơn 5.000 lao động nông thôn.

Điểm đặc biệt khi thực hiện chương trình OCOP, TP hà Nội đã tổ chức sâu rộng. Song song với việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và thành phố, Văn phòng Điều phối nông thôn mới đã phát hành 6.000 cuốn ấn phẩm tuyên truyền về các sản phẩm OCOP để cán bộ, doanh nghiệp, tập đoàn, siêu thị nắm rõ...

chi09-1670644174.jpg
Ông Nguyễn Văn Chí, P. Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội. 

Công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ các cấp, chủ thể, DN, hợp tác xã… được quan tâm, chú trọng. Thành phố duy trì website “nongthonmoihanoi.gov.vn” của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, thông tin, sự kiện về Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP của Trung ương và Thành phố, nâng cao các bài viết chất lượng tại Website. 

Lũy kế đến nay ( 2019 – 2021), Thành phố hiện có 1.649 sản phẩm OCOP, gồm: 4 sản phẩm 5 sao; 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã được trung ương đánh giá; 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao của năm 2020 đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, đánh giá, phân hạng...

Quá trình triển khai chương trình OCOP thời gian qua cho thấy, các địa phương rất tích cực trong việc nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm. Các chủ thể cũng đã ý thức được tầm quan trọng của việc tham gia chương trình đánh giá sản phẩm cấp quốc gia này. Đây được xem là tiền đề rất quan trọng để Hà Nội tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025.

PV: Vậy kế hoạch của Hà Nội trong thời gian tới trong Chương trình OCOP có những giải pháp trọng tâm nào thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Chí: Trong 5 năm tới, Thành phố phấn đấu trung bình mỗi năm sẽ đánh giá, phân hạng được 400 sản phẩm OCOP. Cụ thể hóa mục tiêu trên, Thành phố sẽ ưu tiên nâng cấp các đặc sản vùng miền, làng nghề truyền thống, tiếp tục cải tiến, hoàn thiện bộ nhận diện để “nâng sao” cho các sản phẩm.

Song hành với đó, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ giám sát chặt chẽ chất lượng của sản phẩm OCOP được cấp sao. Quán triệt chủ trương xuyên suốt là tuyệt đối không chạy theo phong trào trong phát triển chương trình, xây dựng niềm tin và hướng đến bảo vệ người tiêu dùng khi quyết định lựa chọn ủng hộ các sản phẩm OCOP.

oc1-1670644454.jpg
Sản phẩm OCOP Hà Nội đa dạng chất lượng

PV: Vậy đâu là khâu quyết định thành công của Chương trình OCOP thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Chí: Để chương trình OCOP đạt được thành công như mong đợi, bên cạnh việc nâng chất cho các sản phẩm, việc tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy tiêu thụ là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Hiện toàn Thành phố đã có 14 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại 8 quận, huyện, thị xã. Trong năm 2021, đơn vị sẽ chủ trì, phối hợp cùng các sở ngành, địa phương phát triển mới từ 30 - 40 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP khác; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP với các tỉnh, thành trên cả nước.

Để thúc đẩy xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, UBND Thành phối đã chỉ đạo thực hiện lồng ghép các nguồn kinh phí để thực hiện công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP với chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình Nông nghiệp và PTNT của Thành phố. 

Chương trình OCOP nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ trung ương, thành phố đến cơ sở, đặc biệt sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Thành ủy, UBND Thành phố, Ban chỉ đạo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm Thành phố, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống Chính trị, các ngành đoàn thể. 

sp2-1670644695.jpg
Sản phẩm OCOP Hà Nội gắn với đặc trưng các sản phẩm làng nghề truyền thống, có chiều sâu văn hóa, chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu và tiêu dùng xuất khẩu

PV: Vậy đâu là khó khăn vướng mắc cần phải tháo gỡ trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Chí: Thành công bước đầu của Chương trình OCOP tại Hà Nội là rất đáng khích lệ. Tuy vây,  khó khăn trong việc thực hiện chương trình này chưa phải đã hết. Các hình thức tổ chức sản xuất hiện nay, nhất là ở khu vực nông thôn trên địa bàn Thành phố còn nhỏ lẻ, manh mún. Chất lượng sản phẩm nhìn chung không đồng đều. Nhiều chủ thể ít quan tâm đến việc cải tiến, nâng cấp bao bì, nhãn mác khiến sức hấp dẫn của các sản phẩm chưa cao…

Một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP  theo quyết định số 1408/QĐ – TTg ngày 21/8/2019; Quyết định số 781/QĐ – TTg ngày 8/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ cho đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, như tiêu chí đánh giá quy mô sản xuất chưa có định mức nên chưa có sự thống nhất giữa các địa phương; đối tượng thực hiện chương trình là doanh nghiệp nhỏ vừa, HTX, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh nhưng tiêu chí để đạt 4 sao trở lên phải có sản xuất quy mô lớn...

Nhưng rào cản lớn hơn cả là những hạn chế về chính sách phát triển Chương trình OCOP. Đơn cử như hiện nay, Chính phủ chưa có quy định về mức hỗ trợ trực tiếp cho chủ thể có sản phẩm OCOP được cấp sao khiến nhiều tỉnh, thành (bao gồm cả Hà Nội) không thực hiện được cơ chế này. Hay như quy định mức chi đối với đơn vị tư vấn cho các chủ thể tham gia, thành viên hội đồng thẩm định, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ cơ sở đến cấp tỉnh, thành phố cũng chưa được các cấp có thẩm quyền ban hành…

oc3-1670644863.jpg
Các sản phẩm OCOP Hà Nội gắn với phát triển du lịch

PV: Theo ông về mặt chính sách vĩ mô cần có những điều chỉnh gì để các văn bản chính sách phù hợp với thực tiễn hơb thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Chí: Để việc tổ chức thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 đạt hiệu quả mong đợi, Hà Nội kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách đồng bộ thực hiện Chương trình theo hướng hỗ trợ đầu tư, nâng cấp chất lượng sản phẩm; quy định rõ mức thưởng, mức chi cho các nhóm đối tượng tham gia nhằm động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho các chủ thể, tập thể, cá nhân tích cực đóng góp cho sự phát triển của Chương trình OCOP.

Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cũng đề nghị Bộ Công Thương sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP từ ngân sách T.Ư và địa phương.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT nghiên cứu, tham mưu Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung một số phụ lục thuộc Quyết định số 1048/QĐ-TTg về việc ban hành bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.

---

BÀI VIẾT CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI HÀ NỘI

Văn Mạnh

Cùng chuyên mục