GIÁO DỤC

Hà Nội: Khắc phục khó khăn, sớm đưa huyện Mỹ Đức hoàn thành xây dựng nông thôn mới

Đăng bởi Văn Phong

11/11/2022 20:30

Sáng 11-11, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Mỹ Đức về kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, trọng tâm là công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Báo cáo của Huyện ủy Mỹ Đức cho thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song trong năm 2022, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, mà hạt nhân là Ban Thường vụ Huyện ủy, đã phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ chính trị.

Tính đến tháng 10-2022, tăng trưởng kinh tế của huyện tăng 9,2% so cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 197,2 tỷ đồng (đạt 109% dự toán thành phố giao). Huyện đã chủ động trong việc giải quyết những khó khăn về an ninh trật tự trên địa bàn; giải quyết dứt điểm nhiều nội dung, vụ việc phức tạp, nhạy cảm trên địa bàn; góp phần giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế…

Những năm qua, các chính sách của thành phố cũng như huyện Mỹ Đức đã và đang phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Ở thời điểm hiện tại, Mỹ Đức đã và đang hình thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng cây ăn quả, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Một số vùng cây ăn quả với 187ha tại các xã Bột Xuyên, Tuy Lai, Thượng Lâm, Đồng Tâm…; vùng sản xuất lúa chất lượng cao 1.400 ha tại xã Mỹ Thành, An Mỹ, Phùng Xá, Lê Thanh. Bên cạnh đó, huyện còn quy hoạch 700ha nuôi trồng thủy sản tập trung và 35 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đáp ứng nhu cầu người dân địa phương và cung cấp cho các địa phương khác trong Thành phố.

Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất cũng được huyện Mỹ Đức đặc biệt coi trọng. UBND huyện đã có những chính sách tích cực hỗ trợ người dân phát triển kinh tế trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị trên diện tích đất canh tác. Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi tại các trang trại, hộ gia đình đã giúp huyện thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, đưa nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực.

hn01-1670809545.jpg

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thăm cơ sở sản xuất tại xã Phùng Xá 

Đến nay, 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Mỹ Đức cũng có 3 xã: Hồng Sơn, Hương Sơn, Phùng Xá xây dựng nông thôn mới nâng cao đạt từ 14 đến 15 tiêu chí.

Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện cũng có nhiều tiến bộ. Tổng giá trị sản xuất đạt 9.551,3 tỷ đồng, đạt 81,3% kế hoạch. Trên địa bàn huyện có 24 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động; 36 trang trại chăn nuôi, 35 trang trại thủy sản, 7 trang trại tổng hợp.

Huyện cũng đã tập trung chú trọng đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, điện, đường liên xã, liên thôn, đường làng cơ bản được bê tông hóa 99%. Toàn huyện có 50/80 trường đạt chuẩn quốc gia, 1 trung tâm y tế huyện, 21 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. 122/122 thôn có nhà văn hóa, đạt 100%; có 113/122 thôn được công nhận và duy trì danh hiệu "Làng văn hóa”. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn hiện chỉ còn 0,11%; thu nhập bình quân đầu người đạt 58 triệu đồng/người/năm.

Về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Mỹ Đức có 31 làng nghề, làng có nghề truyền thống, trong đó có 6 làng nghề đã được công nhận. Toàn huyện có 24 sản phẩm được thành phố công nhận sản phẩm OCOP

hn04-1670809716.jpg

Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Anh Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các ban, sở, ngành quan tâm, tạo điều kiện để các địa phương khó khăn có sức bật để vươn lên; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong từng ngành, từng lĩnh vực, tổ chức tập huấn trước về lĩnh vực này để khi chính thức đi vào vận hành thực hiện thật hiệu quả. Liên quan đến triển khai Cụm công nghiệp Phùng Xá, Phó Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Công Thương, các sở, ngành liên quan đề xuất giải pháp cụ thể để sớm tháo gỡ vướng mắc.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mỹ Đức trong thời gian qua.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại của Mỹ Đức. Đó là việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn còn chậm, các ngành kinh tế trong khu vực nông thôn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của huyện. Việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp của huyện còn chậm, chưa tạo được nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Trong khi đó, việc áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật hiện đại trong sản xuất nông nghiệp còn ít, chưa tạo được nhiều nông sản, hàng hóa có thương hiệu, giá trị thu nhập/ha canh tác còn thấp.

Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của huyện cũng còn chậm so với các huyện trong thành phố; nhiều tiêu chí mới chỉ dừng ở mức cơ bản đạt, như: Chỉ tiêu về nước sạch (12%), hệ thống nhà văn hoá các thôn, hệ thống giao thông nội đồng… đều còn rất khiêm tốn. Chương trình mỗi xã một sản phẩm của Mỹ Đức hiện còn hạn chế…

Nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị huyện Mỹ Đức tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở các kết luận của thành phố, huyện cần rà soát các chỉ tiêu nhiệm vụ để phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đặt ra từ đầu năm. Trong đó, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng các cấp.

hn06-1670809958.jpg

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận buổi làm việc.

Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU cũng đề nghị huyện rà soát lại các tiêu chí chưa đạt gồm: Y tế - văn hóa - giáo dục, kinh tế, môi trường, chất lượng môi trường sống; giao UBND huyện Mỹ Đức tập trung, phối hợp với các sở, ngành sớm hoàn thiện các tiêu chí để hoàn thành huyện nông thôn mới trong năm 2022.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị Mỹ Đức chủ động rà soát, hoàn thành việc chuẩn bị các thủ tục đầu tư, bảo đảm tỷ lệ giải ngân năm 2022 của huyện đạt 100% kinh phí đã được thành phố hỗ trợ theo đúng cam kết; chủ động phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc khẩn trương nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch vùng huyện; trong đó, cần chú trọng định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn, quy hoạch các vùng chuyên canh tập trung; phát triển công nghiệp, du lịch sinh thái, tâm linh để làm cơ sở cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời gian tới.

Lưu ý chỉ còn khoảng 2 tháng là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị huyện Mỹ Đức tăng cường các biện pháp quản lý tốt thị trường, giá cả; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa bảo đảm nguồn cung thực phẩm phục vụ dân đón Tết.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội cung cấp thêm thông tin, đến cuối năm 2021, 100% các xã trên địa bàn đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người đạt 53,9 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,73%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,3%; giá trị thu nhập bình quân đạt 160 triệu đồng/ha/năm; 21/21 xã có trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; 50/79 trường đạt chuẩn quốc gia; 122/122 thôn có nhà văn hóa; hệ thống cơ sở hạ tầng thường xuyên được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế. 

Dù là huyện có nhiều chuyển biến tích cực và sở hữu thế mạnh về nông nghiệp, làng nghề và du lịch sinh thái nhưng hiện nay, Mỹ Đức vẫn đang gặp phải một số vướng mắc cản trở quá trình tiến đến huyện nông thôn mới. Những khó khăn điển hình như thực hiện chỉ tiêu cung cấp nước sạch phục vụ người dân, trên địa bàn huyện có nguồn nước sông Đáy chảy qua, nhưng ô nhiễm nặng không thể sử dụng, còn nguồn nước hồ Quan Sơn không đủ trữ lượng, cần có đường ống dẫn nước từ nguồn nước tập trung của thành phố. Hay việc xây dựng cụm công nghiệp ở xã Phùng Xá và thị trấn Đại Nghĩa lại vướng quy hoạch vùng thoát lũ. Khó khăn nữa là xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao, đã kêu gọi được doanh nghiệp đầu tư nhưng vướng cơ chế đất đai nên chưa xây được nhà xưởng… Những việc này không chỉ đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn mà rất cần sự hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc từ thành phố.

Để về đích trong năm 2022, huyện Mỹ Đức đã đề nghị các sở, ngành kiểm tra, đề xuất UBND TP hỗ trợ cho địa phương kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng đạt tiêu chí xã NTM nâng cao và huyện NTM. Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương tháo gỡ vướng mắc để xây dựng 2 cụm công nghiệp ở xã Phùng Xá và thị trấn Đại Nghĩa; đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng cấp nước sạch sinh hoạt phục vụ người dân và vận chuyển, xử lý lượng rác thải sinh hoạt tồn đọng trên địa bàn... nhằm đảm bảo môi trường, cảnh quan sáng - xanh - sạch đẹp".

Huyện đề ra mục tiêu tăng tốc về đích huyện NTM, đạt NTM nâng cao đối với 3 xã: Hồng Sơn, Phùng Xá và Hương Sơn trong năm 2022, sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết Đại hội đại biểu huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã  đề ra. Để thực hiện được mục tiêu đó, Mỹ Đức xác định hai lĩnh vực trọng yếu của địa phương là nông nghiệp và du lịch, trong đó, nông nghiệp là nền tảng, du lịch là mũi nhọn của huyện.

ntm-1670810288.jpg

Diện mạo Nông thôn mới huyện Mỹ Đức nhiều đổi thay

Những năm qua, các chính sách của thành phố cũng như huyện Mỹ Đức đã và đang phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Ở thời điểm hiện tại, Mỹ Đức đã và đang hình thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng cây ăn quả, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Một số vùng cây ăn quả với 187ha tại các xã Bột Xuyên, Tuy Lai, Thượng Lâm, Đồng Tâm…; vùng sản xuất lúa chất lượng cao 1.400 ha tại xã Mỹ Thành, An Mỹ, Phùng Xá, Lê Thanh. Bên cạnh đó, huyện còn quy hoạch 700ha nuôi trồng thủy sản tập trung và 35 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đáp ứng nhu cầu người dân địa phương và cung cấp cho các địa phương khác trong Thành phố.

Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất cũng được huyện Mỹ Đức đặc biệt coi trọng. UBND huyện đã có những chính sách tích cực hỗ trợ người dân phát triển kinh tế trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị trên diện tích đất canh tác. Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi tại các trang trại, hộ gia đình đã giúp huyện thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, đưa nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực.

Từ phong trào xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình kinh tế quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đạt hiệu quả kinh tế cao như các mô hình sản xuất lúa hàng hóa, mô hình chăn nuôi gia súc gia cầm, thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP,…Một số mô hình kinh tế nông nghiệp tiêu biểu của huyện Mỹ Đức phải kể đến như mô hình cá – lúa trên ruộng trũng của HTX Nông nghiệp An Mỹ; mô hình trồng sen lấy hoa và hạt của hộ gia đình ông Đinh Tiến Hanh tại xã An Phú; mô hình trồng rau sắng đặc sản kết hợp trồng cây ăn quả các loại như nhãn, vải, na, mơ,… của Hội nông dân xã Hương Sơn;…

Tương tự, mô hình nuôi trồng thủy sản của hộ ông Chu Đức Chí tại xã Hợp Thanh đầu tư ứng dụng công nghệ khá hiện đại, được chứng nhận VietGAP. "Chỉ khoảng 3-5 tháng, gia đình tôi thu 1 vụ cá, sản lượng khoảng 6 tấn/vụ, giá bán 30.000-35.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu lãi 300-400 triệu đồng/ha", ông Chí chia sẻ. 

---

BÀI VIẾT CÓ SỢ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI NÔNG THÔN MỚI HÀ NỘI

Văn Phong

Cùng chuyên mục