GIÁO DỤC

Thổ Nhĩ Kỳ "chĩa nòng" S-400 sang Syria, Nga như "cá nằm trên thớt"?

21/10/2020 07:10

S-400 đặt ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ có thể bao phủ hầu hết lãnh thổ Syria, máy bay Nga cũng không nằm ngoài mục tiêu bị bắn hạ.

  

Tiêu điểm - Thổ Nhĩ Kỳ 'chĩa nòng' S-400 sang Syria, Nga như 'cá nằm trên thớt'?

Hệ thống phòng không Nga trở thành món hàng săn đón trên thế giới.

Năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất, bất chấp sự phản đối gay gắt từ Mỹ. Sau nhiều lần trì hoãn kích hoạt, Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm hơn với hệ thống phòng không tiên tiến của Nga.

Vào đầu tháng 10, các đơn vị S-400 đã được đưa đến Biển Đen, gần Sinop ở phía Bắc Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện thử nghiệm. Điều này đã làm gia tăng mối lo ngại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh NATO, với Nga, cũng như các nước láng giềng.

Tranh cãi S-400

Là hệ thống phòng không tầm trung đến tầm xa, radar của S-400 có thể phát hiện và nhắm mục tiêu bằng loạt tên lửa ở khoảng cách 400km. Ngược lại, hệ thống phòng không Patriot của Mỹ chỉ có thể bắn một tên lửa và đi được 1/4 khoảng cách nói trên.

S-400 có thể tấn công các mục tiêu bay thấp, mục tiêu ở độ cao lớn và có thể tiêu diệt các tên lửa bay tới với tốc độ cao. Với khả năng sát thủ, S-400 được nhiều quốc gia trên thế giới săn đón.

Là thành viên chủ chốt của NATO và là đồng minh quan trọng của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là một phần không thể thiếu trong chương trình phát triển tiêm kích tàng hình F-35 cũng như sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên nhận được máy bay chiến đấu tiên tiến nhất phương Tây.

Nhưng Ankara cũng muốn sở hữu một hệ thống phòng không vươt trội. Việc Washington từ chối bán hệ thống phòng không Patriot đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ quay sang nơi khác để tìm các giải pháp thay thế.

Ankara đã ký thỏa thuận S-400 với Nga vào năm 2017 với quá trình giao hàng 4 tổ hợp tên lửa trị giá 2,5 tỷ USD đầu tiên được thực hiện vào tháng 7/2019. Mỹ chính thức trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình máy bay F-35 vào tháng 7 năm ngoái, do lo ngại để lộ thông tin F-35 vào tay Nga.

Với mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng, các thượng nghị sĩ Mỹ đã đưa ra phương án mua lại S-400. Điều này đã bị Ankara bác bỏ và các cuộc thử nghiệm đã bắt đầu.

Nga cũng trong tầm ngắm

Trong cuộc thử nghiệm đầu tiên vào tháng 11/2019, các chiến đấu cơ F-16 và F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành đối tượng nhắm mục tiêu của radar S-400 trong một cuộc tấn công giả định bay qua Ankara.

Vào tháng 8 vừa qua, một chiếc F-16 của không quân Hy Lạp được cho là đã bị radar của S-400 nhắm mục tiêu khi trở về từ một cuộc tập trận quân sự đa quốc gia. Thời điểm đó, Thổ Nhĩ Kỳ bị chỉ trích gay gắt vì hành động chống lại một đồng minh NATO. Phía Ankara đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc.

Tiêu điểm - Thổ Nhĩ Kỳ 'chĩa nòng' S-400 sang Syria, Nga như 'cá nằm trên thớt'? (Hình 2).

Cách mà Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng S-400 có thể khiến Nga lo ngại.

Vào đầu tháng 10, các đơn vị S-400 được đưa đến Biển Đen, gần Sinop. Một cuộc thử nghiệm radar và có thể là bắn đạn thật của Thổ Nhĩ Kỳ đã được lên kế hoạch, do nước này đưa ra thông báo vùng cấm bay tại đây.

Có nhiều lo ngại rằng S-400 có thể được Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng theo những cách đáng lo ngại. Không giống như Patriot, S-400 có thể tấn công nhiều máy bay cùng lúc ở cự ly 400km.

Điều này có nghĩa là S-400 có thể bao phủ hầu hết lãnh thổ Syria. Một khẩu đội được đặt tại biên giới gần Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tác chiến với các máy bay ở xa như Damascus, Beirut và chắc chắn có thể tiếp cận bất kỳ máy bay Nga nào đang cất cánh hoặc hạ cánh tại căn cứ của Nga ở Khmeimim gần Latakia, Syria.

Một hệ thống tên lửa chiếm ưu thế trên không sẽ là một vũ khí mạnh mẽ có thể lật ngược cán cân chiến lược, khiến bất kỳ hành động quân sự nào trên mặt đất trở nên khó lường hơn.

Tuy nhiên, đối tượng lo ngại nhất về các động thái liên quan đến S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ lại là các quốc gia láng giềng. Hy Lạp đặc biệt lo lắng khi chiến đấu cơ nước này vừa trở thành đối tượng trong tầm ngắm của S-400, khi căng thẳng giữa hai thành viên NATO đang âm ỉ.

S-400 sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ bao phủ toàn bộ biển Aegean và Đông Địa Trung Hải.

Đây cũng chính là lý do mà Thổ Nhĩ Kỳ từng phản đối khi S-300 được Hy Lạp đặt ở Síp vào cuối những năm 1990, vì lo ngại nước này có thể thống trị vùng trời và một phần lớn miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Thời điểm ấy, Hy Lạp buộc phải chuyển hệ thống này đến đảo Crete để tránh hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại Síp.

Bất cứ nơi nào đặt những tổ hợp phòng không vượt trội như S-400 sẽ có  những tác động gây mất ổn định.

Hiện vẫn chưa rõ Nga sẽ phản ứng như thế nào nếu S-400 được triển khai chống lại máy bay Nga, một kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai gần khi hai nước đang ủng hộ các phe đối lập ở Syria và Libya.

Dù ở miền Bắc Syria hay miền Trung Libya, loại vũ khí này sẽ có khả năng bắn hạ kẻ thù một cách dễ dàng nhưng cũng sẽ trở thành mục tiêu hàng đầu của đối thủ vì sự nguy hiểm của nó.

Cùng chuyên mục