GIÁO DỤC

Thiết kế gói ưu đãi đặc biệt để thu hút FDI

14/11/2020 14:37

Việt Nam đang bắt đầu xây dựng các gói ưu đãi đầu tư đặc biệt để có thể thu hút được các nhà đầu tư lớn, các dự án quan trọng.

Bắt đầu “may đo” chính sách

Một cuộc họp giữa các cán bộ lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa được tổ chức đầu tuần này để bàn về các mức ưu đãi đầu tư đặc biệt dành cho các nhà đầu tư lớn, các dự án quan trọng. Chi tiết cuộc họp, cũng như các phương án ưu đãi đầu tư đặc biệt không được tiết lộ, song động thái này cho thấy, Việt Nam đã bắt đầu việc “may đo” chính sách để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Cách đây ít tháng, khi bàn về việc làm sao để đón được dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển hậu Covid-19, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã nói rằng, điều quan trọng nhất là phải xác định được mình muốn gì và thiết kế các gói chính sách theo dạng “may đo” cho từng đối tượng nhà đầu tư.

Hiện nay, các chính sách ưu đãi đầu tư, dù được phân theo ngành, lĩnh vực, địa bàn, nhưng vẫn là chính sách áp dụng chung. Chỉ khi Luật Đầu tư sửa đổi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực vào đầu năm tới, thì các quy định về “ưu đãi đầu tư đặc biệt” mới được nhắc tới.

thiet-ke-goi-uu-dai-dac-biet-de-thu-hut-fdi1605198880

Sản xuất tại Nhà máy Canon Việt Nam (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Đức Thanh

Theo quy định của Điều 20, Luật Đầu tư 2020, thì Chính phủ sẽ quyết định việc áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt nhằm khuyến khích thực hiện một số dự án đầu tư có tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Các ưu đãi này có thể vượt khung so với quy định hiện hành.

“Trước đây, khi mời nhà đầu tư tới, luôn có một câu hỏi là, liệu chúng ta ‘có gì’ để nói với nhà đầu tư không, thì câu trả lời là không, bởi tất cả đã được quy định rất rõ ràng trong các văn bản pháp luật. Còn bây giờ, có gói ưu đãi đầu tư đặc biệt, chúng ta có cái để thảo luận với nhà đầu tư, từ đó thu hút được các nhà đầu tư chất lượng”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM bình luận.

Trên thực tế, sau các thông tin về việc Chính phủ sẽ dành cho nhà đầu tư lớn các cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt, để đôi bên có thể đàm phán theo hướng “cùng có lợi”, lãnh đạo một doanh nghiệp nước ngoài đang có các dự án quy mô lớn ở Việt Nam đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ.

Lâu nay, mỗi lần chuẩn bị đầu tư một dự án mới, tập đoàn này thường có các đề xuất gửi lên Chính phủ Việt Nam về các chính sách ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, dư luận xã hội luôn phản ứng rằng, doanh nghiệp này đòi hỏi quá mức. Bây giờ, khi các gói ưu đãi đặc biệt được thiết kế riêng, nhằm đón dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển, thì một cách danh chính ngôn thuận, nhà đầu tư có thể đàm phán nhằm làm sao đạt được các mức ưu đãi ở mức cao nhất có thể. Tất nhiên, trong câu chuyện này, lợi ích quốc gia phải được đặt song hành.

“Tác chiến” nhanh để không bỏ lỡ cơ hội

Không chỉ nhà đầu tư vui, mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng rất mừng khi Quốc hội đã chấp thuận việc bổ sung cơ chế ưu đãi đặc biệt cho các dự án lớn, khi bỏ phiếu thông qua Luật Đầu tư sửa đổi.

Ông cho rằng, làn sóng dịch chuyển đầu tư đang mang lại cơ hội rất tốt để Việt Nam thu hút đầu tư có chọn lọc. “Thu hút đầu tư lần này phải lựa chọn các dự án có công nghệ tốt, có tác động lan tỏa, liên kết với doanh nghiệp Việt, đồng thời phải bám vào các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế, đảm bảo hiệu quả đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Định hướng đặt ra là rõ ràng, xu hướng chuyển dịch đầu tư là rất lớn. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đừng nghĩ “nhà ta tốt” thì họ sẽ vào, mà phải nỗ lực, nếu không nhà đầu tư sẽ tới Indonesia, Thái Lan hay các nước khác trong khu vực.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung cũng đã từng cho rằng, phải “sục” đến tận đại bản doanh của nhà đầu tư để “lôi kéo” họ tới Việt Nam.

Trên thực tế, để đón dòng đầu tư đang dịch chuyển, Tổ công tác đặc biệt để đón “đại bàng” đến làm tổ đã được thành lập. Nhiều hoạt động quan trọng đã được Tổ công tác tiến hành, nhiều cuộc tiếp xúc với các tập đoàn lớn đã được tổ chức, với các cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa thấy nhiều cam kết trở thành hiện thực, ít nhất thể hiện qua các giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới được ký.

Sau 10 tháng, Việt Nam thu hút được 23,48 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2019. Con số này là tích cực trong xu hướng sụt giảm chung của dòng vốn đầu tư toàn cầu, vì Covid-19.

Tuy nhiên, nhìn vào số liệu vừa được Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố mới đây, thì có nhiều điều cần lưu ý. Đó là, dòng vốn FDI toàn cầu đã suy giảm gần 50% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2019 và dự kiến ở mức giảm 40% trong cả năm, song FDI vào châu Á đang phục hồi. Trong đó, Trung Quốc đang nổi lên là một điểm sáng.

Đi ngược lại với xu thế suy giảm chung, vốn FDI vào Trung Quốc vẫn tăng 2,5%, trong đó giá trị các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) tăng tới 84% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này chứng tỏ, sức hút của thị trường đông dân nhất thế giới này vẫn rất mạnh mẽ, nên không dễ để các nhà đầu tư dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc.

Cuộc đua cạnh tranh thu hút FDI trong “kỷ nguyên” Covid-19 vì thế càng khó khăn hơn. Nhiều nhà đầu tư vẫn muốn ở lại và tìm đến Trung Quốc. Trong khi đó, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ… cũng đang có những lời mời gọi hấp dẫn. Việt Nam, nếu không “tác chiến” nhanh, thì chuyện bỏ lỡ cơ hội là có thể…

“Hiện nay, các nước cạnh tranh rất quyết liệt. Do vậy, để đón được dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển, phải ‘tác chiến’ với từng nhà đầu tư, từng dự án, thay đổi cách xúc tiến đầu tư, để đôn đốc, thúc đẩy họ sớm ra quyết định đầu tư, chứ nếu không sẽ mất cơ hội”.

- Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Theo Báo Đầu tư)