GIÁO DỤC

Tấn Phát - chủ dự án thuỷ điện Plei Kần vừa bị Kon Tum chỉ đạo xử lý là ai?

12/11/2020 01:32

UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu CTCP Tấn Phát dừng ngay việc tích nước trái phép tại thuỷ điện Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về an toàn tính mạng, tài sản của người dân do việc tích nước trái phép gây ra.

UBND tỉnh Kon Tum ngày 4/11/2020 đã có văn bản số 4154/UBND-HTKT về việc xử lý việc tích nước trái phép tại công trình thuỷ điện Plei Kần, huyện Ngọc Hồi.

Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu CTCP Tấn Phát nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (tại văn bản số 1707/ĐL-TĐ ngày 23/10/2020; văn bản số 1743/SCT-QLNL ngày 26/10/2020) và của các nghành, chính quyền địa phương có liên quan.

Bên cạnh đó, dừng ngay việc tích nước trái phép tại công trình thuỷ điện Plei Kần, chỉ được tích nước khi được cấp có thẩm quyền cho phép; chịu trách nhiệm trước pháp luật về an toàn tính mạng và tài sản của người dân do việc tích nước trái phép gây ra.

1

UBDN tỉnh Kon Tum đã yêu cầu CTCP Tấn Phát dừng ngay việc tích nước trái phép tại công trình thuỷ điện Plei Kần. Ảnh: Dư Toán

Cùng với đó, khẩn trương phối hợp với chính quyền các cấp và các hộ dân bị ảnh hưởng, xác định lại cao trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng thuỷ điện Plei Kần đảm bảo không ảnh hưởng đến tài sản, hoa màu của người dân về lâu dài. Đồng thời, kiểm kê khối lượng hoa màu, tài sản bị thiệt hại bổ sung, trình cấp thẩm quyền điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ (bổ sung) theo quy định pháp luật, đảm bảo phù hợp thực tế.

Ngoài ra, CTCP Tấn Phát phải thực hiện các cam kết của công ty với chính quyền địa phương, sớm hoàn thành việc khắc phục đường, cầu đi vào khu sản xuất để thuận tiện việc đi lại, vận chuyển nông sản, đảm bảo an toàn cho người dân.

UBND tỉnh Kon Tum giao UBND các huyện Đăk Tô và Ngọc Hồi chỉ đạo các phòng chuyên môn và chính quyền địa phương phối hợp với CTCP Tấn Phát xác định cao trình thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng thuỷ điện Plei Kần đảm bảo không ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, hoa màu của nhân dân.

Thường xuyên theo dõi việc chấp hành của CTCP Tấn Phát tại công trình thuỷ điện này, trường hợp phát hiện vụ việc tương tự thì tiến hành xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

UBND tỉnh Kon Tum cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản và các quy định của pháp luật có liên quan kiểm tra, xem xét xử lý hành vi vi phạm về tự ý tích nước theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, giao Sở Xây dựng xem xét xử lý hành vi vi phạm hành chính theo quy định pháp luật về hành vi đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

DSCF3676_2

Trụ sở chính của CTCP Tấn Phát. Ảnh: Văn Dũng

Trước đó, vào cuối tháng 5/2020, tại Dự án thủy điện Plei Kần đã xảy ra vụ tai nạn lao động khiến 3 người tử vong, 3 người bị thương. Trong những người gặp nạn có người mới 16 tuổi (bị thương). Vụ việc đang chờ kết luận của các cơ quan chức năng.

Chủ đầu tư là ai?

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, CTCP Tấn Phát được thành lập vào ngày 7/3/2000 (có trụ sở chính tại Lô T2, khu công nghiệp Hòa Bình, phường Lê Lợi, TP. Kon Tum) do ông Nguyễn Ngọc Tưởng (SN 1973) làm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Quân (SN 1977). Ngành nghề kinh doanh chính của công ty này là sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Ngoài đại diện pháp luật cho công ty trên, ông Nguyễn Văn Quân còn là người đại diện pháp luật cho CTCP Thủy điện Đăkgrét.

Ngày 4/3/2020, CTCP Tấn Phát đã tăng vốn điều lệ công ty từ 358,56 tỷ đồng lên 421,12 tỷ đồng. Trên Website của CTCP Tấn Phát cho biết, công ty này đã đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh 7 nhà máy thủy điện, bao gồm: Nhà máy thủy điện Đăk Ne (8,1MW), Đăk Pia (2,2MW), Đăk Gret (3,6MW), Đăk Bla 1 (17MW), Đắk Xú (3MW), Tà Vi (3MW) và nhà máy thủy điện Thượng Nhật (11MW). Đồng thời, doanh nghiệp này đang tổ chức thi công xây dựng 5 công trình thủy điện, bao gồm: Công trình thủy điện Plei Kần (17MW), Đăk Psi 6 (12MW), Đăk Piu 2 (4MW), Đăk Glun 2 (10MW) và Plei Kần Hạ.

Bên cạnh đó, Tấn Phát còn hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản với Nhà máy khai thác và tuyển quặng vàng Đăk Blô được xây dựng vào tháng 11/2015 với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng, sản lượng vàng khai thác 18kg/năm. Ngoài ra, công ty này cũng đang theo đuổi nhiều dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Tấn Phát suy giảm liên tục các năm qua. Dữ liệu của Nhadautu.vn thể hiện doanh thu thuần của Tấn Phát trong năm 2019 là 147 tỷ đồng, giảm năm thứ 4 liên tiếp, và thua xa mức 399 tỷ đồng năm 2016. Lãi thuần theo đó giảm từ 17 tỷ đồng năm 2016 về vỏn vẹn 453 triệu đồng trong năm ngoái. Tới cuối năm 2019, tổng tài sản của Tấn Phát là 1.216 tỷ đồng, vốn góp chủ sở hữu 359 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 348 tỷ đồng.

Dự án Thủy điện Plei Kần được UBND tỉnh Kon Tum quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho CTCP Tấn Phát vào ngày 17/10/2016, dự án được thực hiện trên sông Pô Kô thuộc thị trấn Plei Kần, xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi và xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô. Diện tích đất sử dụng dự án là 128,6 ha (trong đó diện tích chiếm đất vĩnh viễn 122,9 ha, diện tích chiếm đất tạm thời là 5,7 ha)

Dự án có công suất là 17 MW, điện lượng trung bình hằng năm là 59,051.10 triệu Kwh; Tổng vốn đầu tư của dự án là 575,8 tỷ đồng (trong đó vốn góp của công ty chiếm 30% và vốn huy động từ ngân hàng Agribank tỉnh Kon Tum chiếm 70%), thời hạn của dự án là 50 năm.