GIÁO DỤC

Sửa Luật thuế 71, doanh nghiệp phân bón nói gì?

02/11/2020 18:10

Nhiều doanh nghiệp phân bón tư nhân hoàn toàn ủng hộ việc sửa đổi Luật thuế số 71/2014/QH13 càng sớm càng tốt, để tạo sự bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Việc sửa đổi Luật thuế số 71 đã được các doanh nghiệp phân bón, Bộ Công Thương và Hiệp hội Phân bón kiến nghị ngay từ đầu năm 2015 khi Luật 71 bắt đầu có hiệu lực, bởi ngay khi áp dụng chính sách này đã bộc lộ quá nhiều bất cập.

Theo đó, hầu hết các doanh nghiệp phân bón trong nước đều bất ngờ khi Luật thuế 71 chuyển phân bón từ đang chịu thuế GTGT 5% sang diện không chịu thuế, thay vì thuế GTGT 0% như kỳ vọng của doanh nghiệp và nông dân. Bởi giữa thuế GTGT 0% với không chịu thuế chỉ khác nhau về câu chữ nhưng bản chất vấn đề lại khác nhau hoàn toàn.

Nếu thuế GTGT 0%, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ được khấu trừ 100% thuế các nguyên liệu đầu vào (quy định trước Luật 71 lấy thuế đầu vào trừ đi 5% thuế GTGT đầu ra, phần dư ra doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào), nhưng nếu phân bón thuộc diện không chịu thuế GTGT, toàn bộ các khoản thuế GTGT đầu vào của doanh nghiệp phân bón như: điện, than, hóa chất, vận tải, nguyên liệu, thậm chí cả thiết bị đầu tư không được khấu trừ.

Do đó, sau khi Luật thuế số 71 có hiệu lực từ năm 2015, lợi nhuận và doanh thu của khối doanh nghiệp phân bón sụt giảm rõ rệt.

Giai đoạn 2015 - 2019 là khoảng thời gian khó khăn nhất trong lịch sử với doanh nghiệp phân bón khi doanh thu và lợi nhuận hàng năm đều sụt giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp phân bón lẫy lừng một thời khi lãi hàng nghìn, hàng trăm tỷ đồng mỗi năm giảm chỉ còn vài trăm đến vài chục tỷ đồng, thậm chí rất nhiều doanh nghiệp đang làm ăn tốt, lãi đều đặn bỗng quay sang lỗ lũy kế triền miên nhiều năm trời.

Trao đổi với Nhadautu.vn, nhiều doanh nghiệp phân bón tư nhân hoàn toàn ủng hộ việc sửa đổi Luật thuế số 71 càng sớm càng tốt.

Ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, nếu xét riêng doanh nghiệp (DN), mức thuế GTGT 5% là đảm bảo giữa sản xuất trong nước với hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu muốn hỗ trợ nông dân được nhiều hơn thì thuế GTGT phân bón nên ở mức 0%.

Theo ông Chuyên, theo Luật thuế 71 sẽ không được khấu trừ thuế đầu ra đầu vào, DN sẽ chịu thiệt. Ông Chuyên cho rằng, thực ra đây là câu chuyện tăng phí, một vừa không bình đẳng trong chuyện cạnh tranh với các DN phân bón nhập khẩu, hai là khi tăng phí thì chắc chắn sẽ tăng giá khi bán cho nông dân.

"Nếu xét ở góc độ về mức thuế 0% thì DN cũng chẳng được lợi gì hơn, nông dân được lợi là chính. Nhưng mà mức thuế như thế nào thì Chính phủ phải còn cân đối, bởi ban đầu mọi ý kiến cũng nêu là làm thế nào để hỗ trợ được cho nông dân", ông Chuyên nói.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng giám đốc CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) cho hay, nếu áp dụng theo Luật thuế 71, các DN không bị áp thuế thì các DN trong nước sẽ không có sức cạnh tranh với DN nhập khẩu, bởi thuế DN đầu vào không được khấu trừ. 

"Các DN khác trong khu vực khi họ sản xuất VAT đầu vào hầu như bằng 0, đầu ra (nếu có) thì họ được khấu trừ hoàn toàn. Đối với Đạm Cà Mau, thuế đầu vào cỡ khoảng 8%, nếu bây giờ áp thuế GTGT 5% thì coi như khấu trừ được 5%, còn khoảng 3% thì phải cộng vào giá bán", bà Hiền chia sẻ.

Theo Phó Tổng giám đốc Đạm Cà Mau, nếu đầu ra thuế suất càng nhỏ thì đầu vào được khấu trừ sẽ bớt đi phần phải cộng vào giá bán. Do đó, nếu thuế GTGT bằng 0% thì đầu vào sẽ được khấu trừ hết phần thuế đó, khi đó giá bán sẽ chỉ là những chi phí phát sinh của DN và lãi định mức (nếu có). Từ đó, DN sẽ có sức cạnh tranh hơn với các DN phân bón nhập khẩu.

"Mục tiêu lớn của DN là bảo tồn và phát triển vốn, chi phí đầu vào phải được tính đầy đủ, trong đó bao gồm thuế đầu vào", bà Hiền nói.

Cũng theo bà Hiền, hiện nay, nguyên vật liệu các DN trong nước sản xuất đạm hầu như không có lợi thế gì, giá khí thì thả nổi theo giá dầu, chi phí như đạm Cà Mau khấu hao vẫn còn rất lớn, nên rất khó cạnh tranh, giá bán thường cao hơn các DN khác trong khu vực từ 10-15 USD.

"Theo tôi, Nhà nước sẽ phải cân đối nguồn ngân sách để khấu trừ thuế. Trong khi đó Đạm Cà Mau sản xuất đạm từ khí, giá khí cũng đã có 5% VAT rồi, chưa kể đến những trang thiết bị sản xuất nhập khẩu cũng thuế loại 7-10%", bà Hiền cho hay.

Bạn đang đọc bài viết "Sửa Luật thuế 71, doanh nghiệp phân bón nói gì?" tại chuyên mục KINH TẾ.