GIÁO DỤC

Sinh viên bất ngờ đóng góp 50.000 USD sau khi bị khiển trách

14/11/2020 10:49

Một trong hai tổng thư ký của Hội Sinh viên Đại học Sydney đã gây sốc trong cuộc họp của tổ chức này sau khi tuyên bố đóng góp 50.000 USD.

Cuộc họp tại Đại học Sydney, Australia, rơi vào "hỗn loạn" hôm 10/11 sau khi sinh viên chuyên ngành nghệ thuật và luật Abbey Shi quyên góp 50.000 USD trên danh nghĩa cá nhân cho Hội Sinh viên - điều chưa từng có tiền lệ.

Khoản quyên góp này đến sau khi Shi bị chỉ trích vì không hoàn thành nhiệm vụ trong ba tháng trên cương vị tổng thư ký của Hội Sinh viên.

sinh vien DH Sydney quyen gop 50.000 anh 1

Một trong hai tổng thư ký của Hội Sinh viên Đại học Sydney đã gây sốc trong cuộc họp của hội sau khi tuyên bố đóng góp 50.000 USD. Ảnh: AAP.

Vì không hoàn thành trách nhiệm, Shi được yêu cầu trả lại 3.000 USD tiền lương ba tháng của mình. Tuy nhiên, Shi khiến các thành viên trong Hội Sinh viên - những người đang họp trên Zoom, choáng váng khi xuất hiện ngay trước khi cuộc họp kết thúc và cam kết sẽ trả lại số tiền đó cùng khoản đóng góp thêm 47.000 USD.

Chủ tịch Hội Sinh viên đương nhiệm Liam Donohoe đã phải làm rõ với các thành viên khác trong hội rằng đó là một số tiền "năm con số với bốn số 0", và tờ báo sinh viên Honi Soit mô tả cảnh tượng này là "vô cùng hỗn loạn".

Hành động của Shi được chấp nhận bởi hội đồng, với 16 phiếu bầu đồng ý và 2 phiếu phản đối.

Shi chia sẻ với Honi Soit rằng cô đã kiếm được số tiền này nhờ "cổ phiếu tăng đột biến" trong năm qua và muốn xin lỗi vì đã vắng mặt tại các hoạt động của Hội Sinh viên.

sinh vien DH Sydney quyen gop 50.000 anh 2

Khuôn viên Đại học Sydney. Ảnh: Đại học Sydney.

Năm ngoái, Shi được bầu làm một trong hai tổng thư ký của Hội Sinh viên đại diện. Vai trò này của Shi nhận được khoản trợ cấp hàng năm là 12.000 USD. Hội Sinh viên của Đại học Sydney hoạt động độc lập với trường đại học và được tài trợ bởi phí dịch vụ sinh viên.

Tổng thư ký Hội Sinh viên Liam Thomas - cùng vị trí với Shi - chia sẻ với Honi Soit rằng số tiền tài trợ của Shi là một hành động chân thành và "không mang hàm ý chính trị".

Donohoe giải thích trên tờ Guardian Australia: "Thực lòng mà nói thì tiền bạc là một vấn đề lâu dài, bởi chúng tôi hoạt động với một ngân sách rất eo hẹp".

Tuy nhiên, tiến sĩ Derwent Coshott, một chuyên gia về luật tín thác và quyên góp tại Đại học Sydney, cho biết Hội Sinh viên không phải một tổ chức thống nhất, do vậy có thể xảy ra vấn đề với các khoản quyên góp ngẫu hứng.

Tiến sĩ Coshott nói rằng Shi phải cẩn thận với ngôn từ của mình khi quyên góp, nếu không cô có thể vô tình biến mọi thành viên trong HSV trở thành người được ủy thác 50.000 USD.

"Đó là vấn đề về ngôn ngữ", ông cho biết. "Liệu cô ấy chỉ đơn giản là đóng góp vào quỹ chung của họ, hay đang thành lập một quỹ ủy thác mà không nhận ra? Hai việc này không hề giống nhau".

Donohoe cho biết khoản quyên góp "rõ ràng tạo nên các câu hỏi về luật pháp và đạo đức" và sẽ được cân nhắc cẩn thận.

"Chúng tôi chưa hề cam kết sẽ nhận số tiền đó, mà chỉ nhận ra rằng cô ấy đã xin lỗi", anh cho biết. "Chúng tôi cũng chưa hoàn thành xong việc khiển trách với Shi. Đó hoàn toàn không phải một khoản quyên góp có điều kiện đi kèm".

Cùng chuyên mục