GIÁO DỤC

S-400 Thổ Nhĩ Kỳ "thử súng": Con mồi đầu tiên sẽ là F-35 của Mỹ?

21/11/2020 13:42

Nếu Mỹ cung cấp tiêm kích tàng hình F-35 cho Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có cơ hội sử dụng hệ thống S-400 để chống lại.

Tiêu điểm - S-400 Thổ Nhĩ Kỳ 'thử súng': Con mồi đầu tiên sẽ là F-35 của Mỹ?

S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo ra ưu thế trong khu vực.

Theo giới phân tích, việc Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ các đồng minh NATO ở khu vực Đông Địa Trung Hải đã khiến quyết định triển khai và vận hành hệ thống phòng không S-400 của nước này càng trở nên cần thiết hơn.

Vào ngày 16/11, tuần báo Hy Lạp Proto Thema tiết lộ thông tin Athens đang có ý định mua tới 24 máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 mới hoặc đã qua sử dụng từ Mỹ. Theo tờ báo, Athens đang tỏ ra vội vàng vì hệ thống phòng không S-400 của Nga mà Thổ Nhĩ Kỳ vừa sở hữu có thể đặt ra "vấn đề" cho các hoạt động hàng ngày của Lực lượng Không quân Hellenic (HAF).

Mỹ nên tính đến cán cân chiến lược giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp

"Nếu Hy Lạp mua máy bay chiến đấu F-35, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sử dụng hệ thống S-400 để chống lại họ. Cả thế giới đều biết, những máy bay chiến đấu này không tàng hình trước các hệ thống phát hiện của hệ thống phòng không do Nga sản xuất. Đây chính là điều Mỹ nên quan tâm”, Nejat Eslen, thiếu tướng nghỉ hưu của lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, nói với Sputnik.

Mỹ nên suy nghĩ kỹ trước khi tăng cường lực lượng quân sự cho Hy Lạp vì việc "hỗ trợ đầy đủ và vô điều kiện cho Hy Lạp ở khu vực Aegean và Đông Địa Trung Hải không có lợi cho Mỹ", Eslen nói thêm.

Ông cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ là một thế lực rất quan trọng đối với Mỹ và NATO nói chung khi xét về vị trí địa chính trị và khả năng thực sự. Mỹ phải tính đến sự cân bằng chiến lược về lực lượng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp".

Nhật báo Kathimerini của Hy Lạp ngày 16/11 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Nikos Panagiotopoulos sẵn sàng mua 6 chiến đấu cơ F-35 và chúng có thể được giao cho Hy Lạp vào năm 2021. Theo tờ báo, 18 chiếc F-35 nữa của Mỹ sẽ được mua "đúng thủ tục".

Ngoài việc mua máy bay F-35, Chính phủ Hy Lạp cũng đang có kế hoạch tăng cường lực lượng không quân bằng máy bay Rafale do Pháp sản xuất, máy bay không người lái (UAV) và hệ thống phản ứng máy bay không người lái. Tờ báo lưu ý rằng mục tiêu của Hy Lạp là giúp cho HAF có khả năng hỗ trợ "một loạt các hoạt động đáng kể trên khắp Đông Địa Trung Hải", qua đó đạt được sự ngang bằng chiến lược so với Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.

"Nếu Hy Lạp tiếp tục thúc đẩy việc mua F-35, Thổ Nhĩ Kỳ có thể giảm thiểu hiệu quả sử dụng các máy bay chiến đấu này của Athens bằng cách sử dụng S-400", Eslen nhấn mạnh. "Khi Ankara triển khai S-400 ở Biển Aegean và Đông Địa Trung Hải, nó sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập ưu thế khu vực so với cả Hy Lạp và các quốc gia khác có chính sách quyết đoán ở Đông Địa Trung Hải".

Năm 2019, Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình phát triển tiêm kích tấn công F-35 do Ankara mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga. Ban đầu, Ankara dự định mua tới 100 chiếc F-35.

Vì sao quyết định vận hành S-400 là đúng đắn?

Tiêu điểm - S-400 Thổ Nhĩ Kỳ 'thử súng': Con mồi đầu tiên sẽ là F-35 của Mỹ? (Hình 2).

F-35 được coi là máy bay tàng hình hiện đại nhất của Mỹ.

Eslen nhấn mạnh rằng thay vì tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, Athens cần thực hiện các bước để giải quyết các vấn đề trong quan hệ song phương với Thổ Nhĩ Kỳ, có tính đến lợi ích chung của các nước.

“Do nền kinh tế đang trong tình trạng tồi tệ, Hy Lạp nên chi số tiền này để xây dựng các nhà máy trong nước thay vì mua F-35”, ông gợi ý.

Kế hoạch dự kiến ​​hiện đại hóa lực lượng không quân của Hy Lạp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng âm ỉ giữa Athens và Ankara về các hoạt động thăm dò năng lượng ở vùng biển tranh chấp phía Đông Địa Trung Hải.

Eslen bày tỏ lo ngại trước sức ép ngày càng gia tăng của các nước phương Tây và các đồng minh NATO đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

"Hy Lạp muốn sử dụng máy bay F-35 để chống lại ai? Tại sao Pháp lại điều tàu sân bay đến Đông Địa Trung Hải?”, ông đặt câu hỏi.

“Nhận thức của Thổ Nhĩ Kỳ về các mối đe dọa đã thay đổi kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Ngày nay, Thổ Nhĩ Kỳ phải đón nhận những lời đe dọa từ các nước thành viên NATO. Các nước phương Tây ủng hộ các phần tử đe dọa lợi ích quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ, chẳng hạn như đảng Công nhân người Kurd PKK mà Ankara chỉ định là tổ chức khủng bố và Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở Syria. Theo đó, Ankara buộc phải thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh của mình. Quyết tâm mua và vận hành S-400 là hoàn toàn chính đáng", Eslen kết luận.

Cùng chuyên mục