Chiều 18/11, chính quyền huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam họp bàn phương án nỗ lực thông đường vào vùng cô lập do sạt lở ở 2 xã Phước Lộc, Phước Thành.
Đây là những vùng dân cư đã bị cô lập từ 20 ngày nay, tức sau thời điểm bão số 9. Cũng vì mưa bão liên tục mà sạt lở càng trở nên trầm trọng, công tác tìm kiếm người mất tích, thông tuyến mở đường cũng bị gián đoạn.
Số liệu báo cáo thể hiện, 2 xã cô lập này đang chịu nhiều hậu quả. Trong đó, tại xã Phước Thành, hàng trăm học sinh chưa thể đến trường, hàng chục ngôi nhà bị lũ cuốn trôi. Rất may mắn do sơ tán kịp thời nên chưa có sự cố nào về người xảy ra ở địa phương này.
Riêng xã Phước Lộc, vụ sạt lở ngày 28/10 vẫn đang để lại hậu quả nặng nề. Trong 13 người gặp nạn do sạt lở thì đến nay, đã có 9 thi thể được tìm thấy, hiện vẫn còn 4 nạn nhân đang mất tích.
Theo ghi nhận thực tế của PV Người Đưa Tin Pháp luật, ngày 18/11, đường vào 2 xã này vẫn còn ngổn ngang đất đá. Các lực lượng chức năng triển khai máy móc đào bới, thông đường nhưng gặp nhiều khó khăn. Đất đá từ các taluy dương ven đường đỗ sập xuống nhiều đoạn đường với khối lượng rất lớn.
Ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc sở GTVT tỉnh Quảng Nam cho biết, Sở huy động 2 máy đào, 1 xúc lật loại lớn và công nhân lái máy, hỗ trợ cán bộ kỹ thuật. Huyện Phước Sơn huy động 8 xe đào, 100 nhân công rãi dọc tuyến.
Cũng theo vị Giám đốc sở GTVT tỉnh Quảng Nam hiện đoạn thiệt hại nặng ở Đồi Chim dài đến 500m, trong đó có 40m phải nổ phá mở tuyến vào taluy dương. Cạnh đó, có nhiều vị trí đứt 2 đoạn đường phải làm rọ đá đường tạm, dài 200m mỗi đoạn.
Ông Nguyễn Quảng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn nói rằng, ngoài nỗ lực thông đường thì cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp tiếp tế lương thực, thực phẩm đủ cung cấp cho hơn 3.000 hộ dân ở 2 xã Phước Thành, Phước Lộc.
Trong khi đó, ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, chính quyền địa phương này cũng đang tìm kiếm 13 nạn nhân mất tích do sạt lở liên hoàn những ngày qua.
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện cho hay, chính quyền phải vận động người dân không về lại các địa điểm sơ tán do nghi sạt lở và tìm chốn an cư mới cho người dân gặp nạn.
“Sau bão càng phải thận trọng hơn nữa. Hiện, chính quyền Nam Trà My bố trí cho người dân vùng sạt lở, nghi sạt lở ở lại trong các khu nhà quân đội kiên cố, vận động người dân chưa về nhà. Chính quyền cũng đang xây dựng khu nhà tạm mới cho người dân tá túc nay mai.
Về lâu dài, địa phương sẽ kiến nghị nguồn kinh phí và cả xã hội hóa trong việc xây dựng nhà ở cho người dân. Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc mời chuyên gia địa chất khảo sát tìm vị trí an toàn”, ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nói.