Đường lối Đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (tháng 12 năm 1986), đã đánh dấu bước ngoặt cơ bản, mang tính quyết định trong sự nghiệp phát triển của cách mạng. Quá trình Đổi mới được khởi xướng bởi những người có tầm nhìn “đi trước thời gian”, và một trong những người tiên phong của hành trình đó là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc. Dấu ấn của ông đã để lại cho đời sau những bài học quý báu. Từ tư duy mở đầu của nguyên Bí thư tỉnh ủy Phúc Vĩnh Kim Ngọc đến xu thế kinh tế hộ gia đình trong thập niên 2018-2028 của LHQ, bài viết đề cập đến tính khoa học trong cải cách của Kim Ngọc và hình thái kinh tế hộ nông dân-kinh tế hợp tác cần được quan tâm trong nông nghiệp nước ta.
Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc với tư duy mở đầu Khoán hộ
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc được mệnh danh là "cha đẻ của khoán hộ" trong nông nghiệpViệt Nam, Ông tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh ngày 10 tháng 10 năm 1917 ở thôn Đại Nội, xã Bình Định, huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1939; Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; tháng 8/1945, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền và từ năm 1958 đến 1977, liên tục làm Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Vĩnh Phúc và Vĩnh Phú; năm1978 ông nghỉ hưu trí và mất ngày 26 tháng 5 năm 1979 ở tuổi 62.
PGS. TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam phát biểu tham luận tại Hội thảo
Qua 40 năm hoạt động cách mạng, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong bộn bề công việc; ông vẫn luôn để 1/3 thời gian làm việc đi cơ sở, 1/3 dành cho việc nghiên cứu các loại sách báo, văn bản; chỉ gói gọn 1/3 thời gian cho các cuộc hội họp. Ông luôn trăn trở về tình hình sản xuất nông nghiệp, cuộc sống của người nông dân và tự hỏi tại sao họ lại không mặn mà với đồng ruộng? Tại sao cũng đồng đất ấy, vẫn con người ấy, không có thiên tai mà sao sản lượng lúa cứ ngày càng sụt giảm?
Từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX, các HTX nông nghiệp phát triển rất chậm và cung cách làm ăn theo kiểu “tối ngày đầy công”, “dong công, phóng điểm” của nông dân diễn ra phổ biến, đời sống nhân dân gặp khó khăn, thiếu đói diễn ra thường xuyên. Đây cũng là thời điểm bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc. Lúc đó người nông dân, xã viên hợp tác xã nông nghiệp rất khó khăn trong đời sống, bị bó hẹp trong cơ chế, trong cách thức làm ăn “rong công, phóng điểm”, quản lý theo kiểu hành chính trong hợp tác xã, dẫn đến hiệu quả kinh tế, năng suất lao động rất thấp, sản xuất nông nghiệp ngày càng sa sút.
Sự sâu sát với đời sống thực tiễn đã giúp Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc sớm nhận ra những vấn đề bất ổn trong quan hệ sản xuất nông nghiệp theo mô hình kinh tế tập thể. Đó là cách làm việc của xã viên theo kiểu “đánh trống ghi tên”, làm ít, cầm chừng, cốt sao để có nhiều công điểm. Hàng ngũ lãnh đạo HTX, các đội trưởng sản xuất làm ít nhưng công điểm vẫn cao, đã gây bất bình trong nội bộ, không ít nơi khi ăn chia người lao động chỉ được từ 2 đến 3 lạng thóc cho 1 công lao động. Khảo sát thực tế ở nhiều địa bàn, ông nhận thấy sự trái ngược giữa đất 5% giao cho hộ gia đình làm chủ, nông dân luôn chăm bón xanh tốt; trong khi 95% ruộng đất mênh mông thuộc hợp tác xã lại luôn xác xơ, vàng úa vì xã viên thiếu quan tâm, chỉ làm để lấy công điểm. Sau nhiều ngày, đêm trăn trở suy nghĩ và bàn cùng cùng cộng sự, ông nhận thấy cần phải giao ruộng đất đến cho người nông dân, gắn thành quả tạo ra với quyền hưởng lợi của người lao động. Ông cho rằng, chỉ có làm như vậy mới có thể tạo được động lực để phát triển sản xuất và làm chuyển biến tình hình sản xuất nông nghiệp lúc này.
Từ những suy ngẫm, chiêm nghiệm cá nhân và kết quả thí điểm cải tiến quản lý với nội dung khoán đến hộ gia đình xã viên tại một số hợp tác xã từ năm 1963 đến 1965; với kết quả thu nhận được ở 3 xã thuộc huyện Vĩnh Tường trong vụ Đông Xuân năm 1965-1966, ngày 10 tháng 9 năm 1966, dưới sự chủ trì của Bí thư Kim Ngọc, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TU“Về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay”. Nghị quyết 68 đã đề cập tới hàng loạt vấn đề quan trọng đang tồn tại nhiều bất cập ở thời điểm đó, nổi bật nhất là yêu cầu phải giải quyết một số vấn đề có liên quan đến việc sử dụng hợp lý sức lao động nông nghiệp và tăng năng suất lao động nông nghiệp, trong đó đề ra hướng sử dụng công lao động xã hội chủ nghĩa, kiên quyết thực hiện bằng được, đúng và tốt chế độ ba khoán: Khoán việc cho nhóm, cho lao động và cho hộ. Nghị quyết này đề ra phương thức quản lý sản xuất của HTX với nhiều cách khoán như: Khoán cho hộ làm 1 khâu hoặc nhiều khâu; khoán cho hộ các khâu dài ngày hoặc suốt vụ; khoán sản lượng cho hộ, cho nhóm; khoán trắng ruộng đất cho từng hộ. Bước đầu được triển khai thí điểm tại huyện Vĩnh Tường. Với hình thức khoán gọn, đơn giản, dễ tính toán và thực chất của cách khoán này là trao ruộng đất trở về cho từng hộ nông dân nên ngay sau đó, hình thức khoán này được nông dân khắp các địa phương hưởng ứng rầm rộ, trở thành phong trào quần chúng rộng rãi trong toàn tỉnh lúc bấy giờ.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng truy tặng Kỷ niệm chương "Vì Giai cấp Nông dân Việt Nam" cho đồng chí Kim Ngọc - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.Ảnh: Khánh Linh
Thời gian thực hiện Nghị quyết không dài, nhưng kết quả thu nhận được đã mang lại những kết quả ấn tượng. Cuối năm 1967, toàn tỉnh có 160 hợp tác xã (chiếm 70% số hợp tác xã) đạt năng suất lúa bình quân từ 5 tấn đến trên 7 tấn/ha và sản lượng lương thực cả tỉnh đạt 222.000 tấn, đã cải thiện đáng kể đời sống nhân dân và làm thay đổi diện mạo nông thôn. - Chủ trương “khoán hộ” là một hướng đi tích cực trong việc tìm tòi cách thức làm ăn mới, cách thức quản lý mới, gắn lợi ích của người nông dân với kết quả lao động của mình nhằm đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Đây là quá trình đổi mới tư duy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Vĩnh Phúc, tháo gỡ những khó khăn, cản trở trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, khắc phục tình trạng “dong công, phóng điểm”, không gắn lợi ích với kết quả lao động, tình trạng lãng phí nguồn lực và tiềm năng trong nông nghiệp.
Tuy nhiên, Khoán hộ gặp phải tư duy giáo điều lúc bấy giờ lấn át. Ngày 6/11/1968, tại hội nghị cán bộ tỉnh Vĩnh Phú khoán ruộng đã bị phê phán : “dẫn đến hậu quả phát triển tư tưởng tư lợi, làm phai nhạt ý thức tập thể của xã viên, thủ tiêu phong trào thi đua yêu nước trong HTX; kìm hãm và đẩy lùi cách mạng kỹ thuật trong nông nghiệp; phục hồi và phát triển lối làm ăn riêng lẻ, đẩy HTX vào con đường thoái hóa và tan rã”… Ngày 12/12/1968, Trung ương ra Thông tư số 224 “về chấn chỉnh công tác ba khoán và quản lý ruộng đất của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương” nhận định việc khoán hộ ở Vĩnh Phú là buông lỏng quản lý, khoán trắng ruộng đất, khoán cả công cụ sản xuất cho hộ dẫn đến tư hữu hoá, trái với đường lối HTX của Đảng, phá vỡ nguyên tắc quản lý xã hội chủ nghĩa, phục hồi kinh tế cá thể tư bản chủ nghĩa…Vào thời điểm Nghị quyết 68 ra đời,“Khoán hộ” chưa phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa của Trung ương và được coi là vi phạm đường lối của Đảng về phát triển nông nghiệp, đã đưa người khởi xướng vào những trắc trở, Tuy nhiên, Kim Ngọc vẫn kiên định suy nghĩ của mình theo hướng Xã viên không coi ruộng đất là của mình nên chẳng thiết tha gì với đồng ruộng. Phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình; không thể bỏ khoán hộ; phải tìm mọi cách duy trì dưới những hình thức khác nhau. Có thể khoán cho hộ làm một khâu hoặc nhiều khâu sản xuất trong thời gian dài hoặc suốt vụ; khoán sản lượng lượng cho nhóm và cho hộ.
Chủ trương Khoán hộ là cống hiến to lớn của Vĩnh Phú đứng đầu là ông Kim Ngọc đối với đất nước, cả về lý luận và thực tiễn để Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 100 năm 1981 và Nghị quyết số 10 năm 1988 làm thay đổi căn bản kinh tế nông nghiệp của Việt Nam. Khoán hộ là một đề xuất mạnh bạo tạo ra bước ngoặt trong QLSXNN với đặc điểm là từ thực tiễn đúc kết nên. Táo bạo và vượt ra phạm vi, khuôn khổ của tư duy, quan điểm, đường lối của Đảng lúc đó, Kim Ngọc phải chịu nhiều sức ép, nhưng vẫn giữ vững bản lĩnh của người lãnh đạo dám làm và dám chịu trách nhiệm. Thực tế khoán hộ từ Vĩnh Phúc vẫn lan tỏa, được vận dụng ra nhiều địa phương ở miền Bắc.
Với những suy nghĩ, không ngừng trăn trở của Bí thư Tỉnh ủy, nhiều người đã coi khoán hộ là bước mở đầu cho tư duy mới về quản lý kinh tế hợp tác xã. Tư duy này đã mở đường cho khoán hộ ở Đồ Sơn năm 1978 và tạo tiền đề cho sự ra đời của Nghị quyết 10 Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1988. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn làm thử khoán sản phẩm ở các địa phương, ngày 13 tháng 01 năm 1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100-CT/TW về mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các hợp tác xã. Tiếp đó, ngày 05 tháng 4 năm 1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (còn gọi là “Khoán 10”) khẳng định hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ, làm thay đổi căn bản nền kinh tế nông nghiệp của cả nước. Như vậy là, sau hơn 22 năm, những hạt nhân hợp lý của “khoán hộ” đã được Trung ương Đảng khẳng định trong Nghị quyết 10-NQ/TW.
Nhóm tác giả và một số đại biểu tham dự Hội thảo
Sáng kiến "Khoán hộ" hay"Cải tiến công tác quản lý lao động hợp tác xã" năm 1966, đã dẫn đến"Khoán 10" (Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị năm 1988), tháo bỏ sự ràng buộc, kìm hãm của cơ chế quản lý lạc hậu, đưa Việt nam từ nước thiếu đói trở thành nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Nghị quyết 10 đã dựa vào những kinh nghiệm đúc kết của nhiều tỉnh thành Việt Nam, những nơi đã âm thầm áp dụng khoán hộ của Kim Ngọc.
Trên phương diện lý luận, Khoa học Phát triển Nông thôn từ khi hình thành đã coi khu vực nông thôn là một chỉnh thể trong đó những cộng đồng lao động cùng hợp tác sử dụng tài nguyên và hưởng lợi. Con người và thể chế cũng như kinh tế và chính trị là quan hệ nhân quả và là huyết mạch của vấn đề phát triển liên tục và bền vững. Khoán hộ là một đột phá từ phân khúc sản xuất, nhưng tác động đến toàn bộ cả toàn hệ thống Tam Nông, do vậy có tính cách mạng xã hội sâu sắc. Với Sản xuất Nông nghiệp, ngăn chặn trì trệ, rồi làm tăng vọt năng suất, kéo theo tăng năng suất xã hội mà không phải đầu tư lớn (hạ tầng, kỹ thuật, nhân lực,…). Với cộng đồng Nông dân, gỡ bỏ trì trệ do tổ chức sản xuất gây ra (HTX cũ trở nên gò bó, chỉ huy động 1 chiều, phân phối bình quân, thu nhập quá thấp làm triệt tiêu động lực,…). Với khu vực Nông thôn, mô hình khoán tiến triển từng bước khoán việc sang khoán sản, đến khoán hộ (Khoán 100, Khoán 10) Hộ là đơn vị kinh tế tự chủ.
Bài học về chính sách nông nghiệp ở đây là phải lấy hiệu quả làm thước đo tính đúng đắn của những chủ trương chính sách chứ không phải lấy khuôn mẫu, quan điểm tập thể hóa. Phân phối thành quả theo công sức đóng góp thay vì chia đều điểm. Thực tế là với Khoán hộ, dân chủ hóa được nâng cao, người nông dân, cộng đồng địa phương được trao quyền. Những người đề xuất chủ trương, hưởng ứng và thực hiện Khoán hộ thể hiện biết lắng nghe, cầu thị nên tương tác với dân chặt chẽ, nắm được diễn biến thực tế, điều chỉnh các giải pháp quản lý quá trình cải cách. Cách tiếp cận, phương pháp triển khai từng bước, quyết đoán nhờ có lòng tin vào cấp dưới, kiên nhẫn thuyết phục, xử lý các khác biệt làm cho chủ trương Khoán hộ đạt được đồng thuận cao.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, bài học về khoán hộ ở Vĩnh Phú còn mãi giá trị, không phải ở cách cụ thể mà Kim Ngọc giải quyết mà là ở chỗ ông đồng cảm sâu sắc trước tình cảnh đói nghèo của người dân, cùng đau nỗi đau của họ và dám tháo bỏ những quy định mà thực tiễn đã chứng tỏ không phù hợp để thúc đẩy phát triển. Cùng với việc trăn trở tìm tòi mô hình quản lý của Kim Ngọc và các nhà quản lý khác, trong lĩnh vực khoa học quản lý phát triển, hộ nông dân và kinh tế hộ cũng được tích cực khảo cứu làm cơ sở cho việc khẳng định luận điểm “Hộ là đơn vị kinh tế tự chủ”. Các kết quả được công bố trong nhiều tài liệu, trong đó có tác phẩm “Kinh tế Hộ nông dân” của GS.VS. Đào Thế Tuấn, một trong những cơ sở lý luận về kinh tế hộ nông dân của Việt nam trong thời kỳ Đổi mới.
Thập niên chính sách nông nghiệp gia đình (UNDFF) và mục tiêu phát triển bền vững
Cho đến nay, trên thế giới, nông nghiệp hộ gia đình được hiểu là đại diện cho hình thức sản xuất nông nghiệp tạo nguồn lương thực thực phẩm cho toàn xã hội. Nông nghiệp gia đình được coi là phương tiện tổ chức sản xuất nông, lâm nghiệp; chăn thả gia súc và nuôi trồng thủy sản. Tổ chức FAO nhận xét, Nông nghiệp gia đình chủ yếu dựa vào nguồn vốn, lao động của gia đình và được quản lý, điều hành bởi một gia đình. Gia đình và trang trại có sự thống nhất, liên tục cùng phát triển để hoàn thành các chức năng kinh tế, môi trường, xã hội và văn hóa trong mạng lưới lãnh thổ (FAO, 2019).
Xét về bản chất đa chức năng, hộ nông dân gia đình giữ vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực, quản lý tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo sự gắn kết cộng đồng với bảo tồn di sản văn hóa. Nông dân gia đình sản xuất lương thực,thực phẩm; cung cấp chế độ ăn uống đa dạng, lành mạnh. Đây cũng là những nhà đầu tư nông nghiệp chính và đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế nông thôn. Là cầu nối liên kết quá khứ, hiện tại với tương lai, nông nghiệp gia đình là cơ sở để đưa ra các giải pháp toàn diện và lâu dài cho các vấn đề phát sinh trong phát triển bền vững. Trong khuôn khổ được khẳng định, nông dân gia đình có vai trò quan trọng trong phát triển nông thôn cả về kinh tế, môi trường, xã hội và văn hóa.
Kinh tế hộ nông dân hàm chứa những tư cách liên hệ mật thiết hữu cơ với nhau trên tất cả các phương diện kinh tế và phi kinh tế, vật chất và phi vật chất. Đó là các đơn vị sản xuất, tiêu dùng và xã hội huyết thống đặc thù. Nông hộ gia đình tăng cường hòa nhập kinh tế xã hội, cải thiện sinh kế nông thôn, cung cấp dịch vụ toàn diện và tạo ra các giải pháp thị trường, sáng tạo liên kết khu vực thành thị và nông thôn.Trong cấu trúc của các chủ thể tham gia sản xuất nông nghiệp, cho dù sản xuất đạt tới ngưỡng tiên tiến, song kinh tế hộ nông dân vẫn là những đơn vị cơ sở, chiếm số lượng lớn nhất. Sự phát triển loại hình sản xuất nông nghiệp về cơ bản đều dựa trên sự phát triển của kinh tế hộ nông dân (FAO, 2019).
Thành viên trong hộ nông dân là những người giám sát đa dạng sinh học đối với thực phẩm và nông nghiệp, họ đảm bảo sự liên tục của tài nguyên thiên nhiên trong khi tăng cường sự phối hợp giữa cây trồng, vật nuôi và cây cối cho các hệ thống nông nghiệp và thực phẩm bền vững, hướng vào dinh dưỡng. Trong khuôn khổ được khẳng định, nông dân gia đình đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững nông nghiệp cả về kinh tế, môi trường, xã hội và văn hóa nông thôn. Thập niên chính sách nông nghiệp gia đình Liên hợp quốc 2019-2028 (UNDFF) đóng vai trò là khung khổ quốc gia trong xây dựng chính sách công và đầu tư hỗ trợ nông nghiệp toàn diện nhằm giải phóng tiềm năng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
UNDFF giúp nông dân gia đình nhận ra tiềm năng đầy đủ trong phát triển bền vững (SDGs) thông qua các cam kết và hành động toàn cầu để đạt được mục tiêu phát triển trên cả ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường; thúc đẩy hành động tích hợp được hỗ trợ bởi các chính sách minh bạch, liên ngành. Theo đó, giải quyết các khía cạnh môi trường, kinh tế và xã hội sẽ là cầu nối cho sự phát triển nhân đạo, hòa bình đặt trọng tâm vào con người và sinh kế.Với mục tiêu cần đạt, UNDFF sẽ không để ai tụt lại phía sau.
Bản chất phát triển bền vững là đa chiều và các SDGs được kết nối không thể tách rời. UNDFFgiúp xác định các mối quan hệ giữa các SDGs, giúp ưu tiên hành động và giảm thiểu rủi ro đối với những ngành có thể gây suy yếu lẫn nhau và hướng tới thực hiện Chương trình nghị sự 2030 một cách hiệu quả. Trên tinh thần này, UNDFF sẽ tăng cường tính đa chức năng của nông dân gia đình để hướng tới việc đạt được tất cả các SDGs. Do có thể giải quyết toàn diện các khía cạnh khác nhau của phát triển, hộ nông dân sẽ là tác nhân chính trong thực hiện SDGs. UNDFF tích hợp ba khía cạnh của phát triển bền vững và hỗ trợ hợp tác giữa các chủ thể khác nhau, tạo điều kiện cho công việc liên kết vì lợi ích của phát triển (FAO, 2019).
Hộ nông dân Việt Nam và kinh tế hợp tác trong nông nghiệp
Đặc điểm cơ bản nhất của sản xuất hộ nông dân hay nông nghiệp gia đình dựa trên sử dụng lao động gia đình, chỉ đi thuê một phần nhỏ lao động. Cùng với đặc điểm sản xuất nông nghiệp, trong nền kinh tế thị trường, kinh tế hộ nông dân có những hình thái chủ yếu là Hộ tự cung tự cấp hoàn toàn, Hộ sản xuất hàng hoá nhỏ, Hộ sản xuất hàng hoá là chủ yếu và Hộ sản xuất hàng hoá hoàn toàn (Đào Thế Anh, Lê Thành Ý, 2019).
Hộ tự cung tự cấp hầu như chưa tạo được sự phân công lao động xã hội. Đặc trưng cơ bản của hộ sản xuất hàng hoá nhỏ là nông sản làm ra chưa theo quan hệ cung-cầu và ruộng đất không được sử dụng đúng với tiềm năng sinh học vốn có. Đây là nguyên nhân sâu xa kìm hãm phân công lao động xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Hộ sản xuất nông sản hàng hoá là loại hính nông dân gia đình sản xuất hướng vào mục tiêu cung cấp cho thị trường và giữ lại một phần để tiêu dùng trực tiếp. Loại hình hộ này đã thúc đẩy quá trình chuyên môn hoá, phân công lao động sản xuất; đây là nấc thang quan trọng của kinh tế hộ nông dân để chuyển dần lên sản xuất hàng hoá hoàn toàn.
Với đặc trưng sản xuất hướng theo nhu cầu thị trường, quy mô của hộ nông dân sản xuất hàng hóa hoàn toàn do thị trường điều tiết; sức lao động và đất đai trở thành đầu vào trực tiếp của sản xuất; nông sản làm ra được tiêu thụ trên thị trường và bị chi phối bởi các quy luật của thị trường. Ở trình độ của mô hình sản xuất này, nông nghiệp gia đình có thể vận động trong một không gian rộng, khả năng cơ động cao, đầu vào của sản xuất như vốn, tư liệu sản xuất, công nghệ, đất đai, lao động, vật tư…được tiền tệ hóa, còn đầu ra là nông sản hàng hóa và đất đai đươc giải thoát để thực hiện “quan hệ sinh lời”. Đây là lý do làm cho quan hệ ruộng đất và các yếu tố sản xuất ở những vùng nông sản hàng hoá có sự vận động năng động, thích ứng với tác động của cơ chế thị trường, làm thay đổi cả về cơ cấu, quy mô sản xuất và mục đích sử dụng đất đai.
Đất đai, tư liệu sản xuất, vốn và lao động là những điều kiện quan trọng, song quyết định nhất đối với hộ sản xuất nông sản hàng hoá lại là năng lực sản xuất-kinh doanh. Sự khác biệt về năng lực sản xuất-kinh doanh của hộ gia đình là yếu tố tác động quyết định đến mức độ mở rộng sản xuất nông sản hàng hoá. Có những hộ hướng vào tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô canh tác; ngược lại, không ít hộ kém phát triển phải giảm quy mô canh tác hoặc chuyển sang lĩnh vực hoạt động khác. Quá trình phát triển, phân tầng, phân hóa kinh tế hộ nông dân là cơ sở khách quan của sự ra đời đa dạng, đa trình độ, đa quy mô của hình thức hợp tác và liên kết sản xuất kinh doanh nông nghiệp dựa trên sự phát triển của kinh tế hộ nông dân.
Vào những năm 30 của thế kỷ 20, khi nghiên cứu về châu thổ Bắc Kỳ, nhà nghiên cứu người Pháp Pierre Gourou đã coi đồng bằng Sông Hồng là cái nôi của nền văn minh. Với dự báo dân số vào năm 1984 lên tới 13 triệu người, ông lo ngại châu thổ này đã không nuôi nổi mật độ dân 430 người/ Km2 thì làm sao có thể đáp ứng đủ nhu cầu lương thực khi mật độ dân số tăng lên gấp đôi. Thế nhưng, với người nông dân bản địa, trong vòng 70 năm, mối quan ngại này đã không diễn ra. Ngược lại, đến năm 1998, khi dân số châu thổ lên tới 14,2 triệu người (tăng gấp 2,2 lần) và đất canh tác bình quân đầu người giảm 3,35 lần (Từ 1.846 m 2 xuống còn 551 m 2 );sản lượng lương thực bình quân đầu người vẫn đạt trên 439 Kg cao gấp 1,6 lần thời điểm P.Gourou dự báo. Đây chính là đặc điểm nổi bật tính chất lao động của nông dân Việt Nam. Từ những phân tích khoa học, GS.VS. Đào Thế Tuấn nhìn nhận, Người nông dân sau khi đã thử nghiệm nhiều mô hình sản xuất, họ đã quay về với nền kinh tế gia đình nông dân và giải quyết được việc phát triển một cách xuất sắc (Đào Thế Tuấn, 2003).
Khi nghiên cứu về lịch sử kinh tế hợp tác, nhiều phân tích cho rằng. vào đầu thế kỷ XII, những hợp tác xã đầu tiên đã được hình thành trong lĩnh vực chế biến nông sản ở vùng núi phía Đông Nam nước Pháp. Do chưa có kho lạnh để bảo quản sữa nên họ phải hợp sức với nhau chế biến thành pho mát, chở về bán ở các chợ, rồi chia nhau kết quả theo lượng sữa mà mỗi người đóng góp. Hành động tập thể trong hợp tác ban đầu của người nông dân đã được ra đời như vậy (Đào Thế Tuấn, 2003).
Theo Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA)“Hợp tác xã là một hiệp hội độc lập gồm các cá nhân tự nguyện cùng tập hợp lại để đáp ứng những nguyện vọng và nhu cầu chung về kinh tế, xã hội và văn hóa thông qua một hoạt động kinh doanh dựa trên vốn chủ sở hữu tập thể và quyền lực được thực thi một cách dân chủ”(ICA, 1995)
Từ cách nhìn toàn cầu có thể hiểu, HTX là tổ chức do các thành viên cùng sở hữu, cùng sử dụng sản phẩm và dịch vụ tạo ra. Thành viên HTX vừa là người sở hữu, vừa là người quản lý theo nguyên tắc dân chủ và cũng là người sử dụng dịch vụ của HTX. Đặc tính này đã làm nổi bật sự khác biệt về bản chất của HTX so với doanh nghiệp cổ phần.
Tại Việt Nam, tháng 8 năm 1955, 6 HTX nông nghiệp đầu tiên theo hình thức tập thể hóa đã được thí điểm xây dựng. Đến đến cuối năm 1957, 42 HTX nông nghiệp ở quy mô thôn, xóm xây dựng theo hình thức góp ruộng đất, tư liệu sản xuất “làm chung, ăn chung”, phân phối lợi ích theo công điểm được hình thành.
Năm 1993, Luật đất đai ra đời, công nhận tư cách chủ thể của kinh tế hộ nông dân, Cùng với Luật này, Luật HTX năm 1996 đã thay đổi cơ bản vai trò của HTX. Theo đó, vị trí của HTX từ chỗ là đơn vị hạch toán của Nhà nước ở nông thôn đã chuyển sang là tổ chức kinh tế tập thể, có nhiệm vụ hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho xã viên. Với nội dung ban hành, lần đầu tiên những nguyên tắc như tự chủ, tự chịu trách nhiệm, quản lý dân chủ và bình đẳng được vận dụng trong Luật HTX ở Việt Nam.
Kinh tế hộ nông dân với hợp tác xã nông nghiệp từ những mô hình thực tiễn
Luật pháp Việt Nam công nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, thực tế này đòi hỏi hoạt động HTX cần được tổ chức phù hợp với trình độ phát triển của kinh tế hộ nông dân. Về nguyên tắc, HTX chỉ làm những việc mà hộ nông dân không làm được riêng lẻ hoặc làm được nhưng kém hiệu quả.
Trong hoạt động nông nghiệp khó có thể tách rời công việc của hộ nông dân và HTX. Theo nhiều phân tích, có thể coi hoạt động của HTX nông nghiệp là hình thức bổ sung cho các hộ nông dân tự chủ. HTX phục vụ cho kinh tế hộ nông dân, nếu không có hộ nông dân thì tổ chức HTX nông nghiệp cũng không còn ý nghĩa.
Từ nhận thức thống nhất về bản chất của HTX, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nhấn mạnh:“Vai trò của HTX kiểu mới, không làm triệt tiêu vai trò của kinh tế hộ mà gia tăng hơn lợi ích cho hộ gia đình....Phải tạo điều kiện để HTX phát triển theo thị trường và gia tăng sự trợ giúp của doanh nghiệp vì chính lợi ích của doanh nghiệp. Động cơ của HTX là lợi ích, liên kết thay vì hoạt động cá thể” (Vương Đình Huệ, 2019).
Với bản chất của tổ chức HTX, khi tham gia làm thành viên, hộ gia đình nông dân có thể nhận được những lợi thế về nhiều mặt (Lê Thành Ý, Vương Xuân Nguyên, 2019). Trước hết đó là về vật tư đầu vào của sản xuất: Khi cung ứng vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp như giống cây, con; phân bón, thức ăn gia súc; thuốc phòng trừ dịch bệnh,…HTX có thể nhập được với khối lượng lớn nên giá vật tư luôn rẻ và có chất lượng cao hơn so với từng hộ mua riêng lẻ. Từ đó, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất cho mọi thành viên.
Để theo kịp tiến bộ KHKT sản xuất nông nghiệp, từng hộ cá thể khó có khả năng tiếp cận; HTX thường là cầu nối giúp các chương trình khuyến nông, chuyển giao KHKT dễ dàng đến với nông dân. HTX được các đơn vị cung ứng vật tư tập huấn theo định kỳ về tiến bộ KHKT, qua đó, có thể nâng cao trình độ sản xuất cho các hộ và nông dân là thành viên của HTX.
Đối với tiêu thụ sản phẩm. Khi HTX đi vào hoạt động, việc tiêu thụ nông sản của các hộ sản xuất sẽ đạt hiệu quả cao hơn so với từng hộ bán riêng lẻ. Từng hộ nông dân khó có thể ký hợp đồng bán sản phẩm trực tiếp cho doanh nghiệp do sản lượng quá nhỏ. Mặt khác, nhiều hộ cá thể khó có thể chứng minh được khối lượng sản phẩm đồng nhất với chất lượng đảm bảo. Thông qua các HTX nông nghiệp, doanh nghiệp dễ dàng thu mua được khối lượng nông sản lớn, đồng đều về chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng.
Lợi thế về quy hoạch sản xuất là vấn đề lớn,đảm báo được lợi ích lâu dài. Do khả năng dự báo nhu cầu thị trường hạn chế nên hộ gia đình gặp khó khăn trong phát triển sản xuất, hiệu quả mang lại không cao. Thông qua việc xây dựng phương án, kế hoạch SXKD trước mắt và lâu dài, HTX có khả năng nắm bắt được nhu cầu thị trường, đảm bảo ổn định bao tiêu sản phẩm làm ra. Điều này từng hộ riêng lẻ khó có điều kiện tiến hành.
Về đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất: Thông qua HTX, nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất như xây dựng công trình giao thông, thủy lợi nội đồng; mạng lưới điện: nhà kho, xưởng chế biến,...Đây là những lợi thế lớn mà nếu tự sản xuất riêng lẻ thì mỗi hộ nông dân khó có thể tự làm được.
Phù hợp với đặc điểm và sự phát triển của các hộ nông dân, trong thực thi Luật HTX 2012, trên địa bàn cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tập thể với cách làm sáng tạo, đa dạng, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM). Các mô hình tiêu biểu được thể hiện dưới dạng HTX chuyên ngành mang tính dẫn dắt, hỗ trợ kinh tế hộ thành viên phát triển;HTX đảm nhận nhiều khâu dịch vụ trong chuỗi giá trị hoặc tích tụ tập trung ruộng đất để ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi có hiệu quả cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ở các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, hầu hết đều đi lên từ những hộ gia đình tiêu biểu rồi phát triển rộng ra toàn hợp tác xã (Lê Thành Ý, Vương Xuân Nguyên, 2019).
Thay cho lời kết
Trong quá trình đi lên của nền kinh tế, nông dân ở các vùng không còn là những hộ sản xuất tự cung tự cấp mà đã từng bước chuyển dần sang sản xuất nông sản hàng hoá. Kinh tế hộ đã dần phá vỡ vỏ bọc khép kín để tạo ra nhiều nông sản hàng hoá trao đổi trên thị trường. Qua đó, thúc đẩy quá trình chuyên môn hoá, phân công lao động sản xuất, cũng như khai thác sử dụng đất đai với hiệu quả cao hơn.
Thích ứng với trình độ phát triển của lực lượng lao động nông thôn, mô hình kinh tế hợp tác và tổ chức HTX nông nghiệp đã phát triển với nhiều loại hình phong phú. Những mô hình HTX đa dạng xuất hiện trong thực thi Luật HTX 2012 mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, đã góp phần thiết thực vào đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên không thể có HTX tốt nếu không có kinh tế hộ nông dân năng động.
Ôn lại những ý tưởng mở đầu trong Khoán hộ của Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc, người đã góp phần bảo vệ kinh tế hộ nông dân trong giai đoạn tập thể hoá, hy vọng được các cơ quan quản lý và giới nghiên cứu quan tâm, sớm tổng kết để có những căn cứ khoa học thúc đẩy mạnh quá trình hiện đại hoá kinh tế hộ nông dân, kinh tế hợp tác và xây dựng HTX nông nghiệp phù hợp trong giai đoạn tới./.
Nhóm tác giả: PGS. TS Đào Thế Anh; GS. TS Nguyễn Tử Siêm và TS Lê Thành Ý thuộc Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam - PHANO.
-----
Tài liệu tham khảo
- FAO, 2019. Thập niên nông nghiệp gia đình, đưa nông dân gia đình trở thành trọng tâm để đạt
mục tiêu Phát triển bền vững. Rome tháng 6 năm 2019
- Wikipedia, 2020. Kim Ngọc https://vi.wikipedia.org/wiki/Kim_Ng%E1%BB%8Dc 15 tháng12
Pierre Gourou, 2003. Người nông dân châu thổ bắc Kỳ NXB trẻ 2003
- Trần Thanh Nam (2017) Luật HTX năm 2012 & bước phát triển mới của kinh tế HTXNN
https://nongnghiep.vn/luat-htx-nam-2012-buoc-phat-trien...
- Vương Đình Huệ, 2019. Phát biểu tại Diễn đàn “Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của
hợp tác xã nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở đồng bằng sông Cửu Long”
Đồng Tháp , ngày 16/4/2019
- Đào Thế Tuấn, 2003. Lời giới thiệu cuốn sách Người Nông dân châu thổ Bắc kỳ của Pierre gourou
NXB trẻ tháng 5/2003.
- Đào Thế Tuấn, 1997. Kinh tế hộ nông dân. NXB Chính trị quốc gia.
- Đào Thế Anh, Lê Thành Ý, 2019. Thập niên nông nghiệp gia đình thế giới 2019-2028
- Kỷ yếu Hội thảo Hội Nông dân Việt Nam-50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh;
Hà Nội ngày 28 tháng 8
- Lê Thành Ý, Vương Xuân Nguyên, 2019. Kinh tế hợp tác, bản chất của HTX nông nghiệp và lợi ích mang lại.
https://www.doisongphapluat.com/xahoi/thuc-pham/ kinh.-te-hợp-tác- bản-chất- của-HTX –nông-nghiệp-và-lợi- ích-mang-lại –a295643.html 4.19/2019.
- Lê Thành Ý,Vương Xuân Nguyên, 2019.Thực trạng phát triiển HTX nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Hồng
https://www.doisongphapluat.com/xahoi/tu-van/ Thực trạng phát triển HTX nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Hồng –a296847.html. 14/10/2019.