Vốn được mệnh danh là vùng đất “chiêm khê, mùa úng”, nên sản xuất nông nghiệp của huyện Phú Xuyên nhiều năm từng gặp không ít khó khăn. Bằng việc chú trọng phát triển thế mạnh nông nghiệp thông qua các mô hình kinh tế hợp tác chính là nền tảng để huyện Phú Xuyên (Hà Nội) hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới. Diện mạo nông thôn của huyện ngày càng thêm trù phú, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh chia sẻ, do nguồn thu ngân sách hạn chế, nên việc huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thời gian đầu xây dựng NTM tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Mặc dù có thế mạnh về phát triển làng nghề, nhưng quá trình tổ chức sản xuất phát sinh các vấn đề về xử lý rác thải, nước thải, ô nhiễm môi trường… Trong khi đó, hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ, tiêu chí trường học, đường giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập bình quân đầu người… đều ở mức thấp. Đây là vấn đề của 10 năm trước, giờ đây Phú Xuyên đã đổi thay trong xây dựng NTM rồi...
Để đạt được mục tiêu trở thành huyện NTM, Nhân dân và cán bộ của huyện luôn ý thức việc xây dựng NTM là phải thay đổi căn bản từ suy nghĩ đến việc làm, đến thay đổi bộ mặt nông thôn. Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, đưa nông nghiệp dần thành sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, giúp nâng cao đời sống Nhân dân. Chính vì vậy, Phú Xuyên đã đạt được nhiều kết quả trong xây dựng NTM. Đến nay, toàn huyện đã có 25/25 xã được công nhận xã NTM. Về xây dựng huyện NTM, Phú Xuyên đã đạt 9/9 tiêu chí.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên quá trình xây dựng NTM của huyện rất thuận lợi, một số tiêu chí cần sự đóng góp, chung sức của người dân đã hoàn thành như: Giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng… Giai đoạn từ 2010 đến nay, toàn huyện huy động được 4.633 tỷ đồng, đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp thiết chế hạ tầng nông thôn. Các tuyến đường của huyện đã được làm mới hoặc cải tạo giúp đi lại thuận tiện. Song song với đầu tư giúp 100% thôn có nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt, thể dục thể thao cộng đồng, môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Các mô hình HTX phát triển hiệu quả đã giúp huyện Phú Xuyên thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, đưa nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung và giúp nâng cao đời sống nhân dân.Toàn huyện có 73 HTX đã chuyển đổi hoặc thành lập mới theo Luật HTX năm 2012. Mô hình liên kết chuỗi trong phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại các HTX được hình thành và phát huy hiệu quả, giúp các hộ gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Xã Phú Túc vốn có làng nghề guột tế (đan cỏ tế. Hiện xã có 10 tổ hợp tác (THT) mây tre giang đan, guột tế xuất khẩu. Các THT, HTX đã liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra cho người dân. Phú Túc có gần 4.000 lao động tham gia sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước đạt 260 tỷ đồng mỗi năm, từ đó nâng thu nhập bình quân đạt 64 triệu đồng/lao động/năm. Phát triển tiểu thủ công nghiệp cũng là một trong những điều kiện giúp xã Phú Túc trở thành điểm du lịch và nhanh chóng về đích nông thôn mới.
Ngoài ra các mô hình liên kết sản xuất của các HTX Phú Thắng, HTX Phú Hưng đã liên kết các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn để phục vụ người dân sản xuất mạ khay, cấy máy. Ngoài ra, nhiều HTX trong huyện còn liên kết với doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, lúa chất lượng cao. Nhiều hộ chuyển đổi mạnh từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn. Với nỗ lực và thành quả đạt được, mục tiêu của huyện Phú Xuyên thời gian tới là duy trì, nâng cao các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tiến tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Để làm tốt nhiệm vụ này, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng các HTX phát triển theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó là huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên nguồn lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp, sản xuất làng nghề, nâng cao đời sống người dân.
Nằm ở vùng đồng chiêm trũng, trong những năm qua, huyện Phú Xuyên gặp nhiều khó khăn trong xây dựng NTM, nhất là đầu tư đường giao thông và hạ tầng phát triển sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt đường giao thông của Phú Xuyên cần phải đi trước một bước để có thể thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội chứ không phải là lẽo đẽo chạy theo và chưa đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống như hiện tại. Hầu hết người dân của các xã trong huyện đang mong mỏi ngày đêm quê mình được kết nối với tuyến đường trục huyết mạch phía Nam của Hà Nội và có thể mở rộng các tuyến đường trục liên xã, xã, thôn hiện có. Vấn đề vĩ mô này cần thành phố có chính sách, hành động hỗ trợ chứ không còn ở tầm địa phương nữa. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, người dân ở cơ sở chưa chủ động phát huy nội lực của địa phương trong thực hiện những tiêu chí cần ít kinh phí như: Vệ sinh môi trường, văn hóa, thể thao… Hiện nay, mặc dù toàn bộ 25 xã của huyện đã cán đích NTM, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt hơn 57 triệu đồng/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 0,3%, nhưng chưa có xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Nam Triều Phùng Thế Dũng, địa phương đã đạt tiêu chí xã NTM từ năm 2014, nhưng để xây dựng NTM nâng cao thì vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đến nay Nam Triều đã hoàn thiện được 15/19 tiêu chí của NTM nâng cao. Để hoàn thành mục tiêu xã NTM nâng cao vào năm 2023, xã cần nguồn lực rất lớn đầu tư giao thông nội đồng, trường học, dự kiến nguồn kinh phí khoảng 30 tỷ đồng. Xã đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế, kết hợp xã hội hóa các nguồn lực.
Đăng ký đạt chuẩn NTM ngay trong năm nay là 2 xã: Đại Thắng và Tri Trung nhưng hiện tại chỉ Đại Thắng đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí còn Tri Trung mới đạt và cơ bản đạt 18 tiêu chí. “Rào cản” của địa phương này chính là tiêu chí trường học đạt chuẩn quốc gia. Ở những xã khác, ngoài trường học, việc xây dựng, nâng cấp trạm y tế, trung tâm văn hóa thể thao…đạt chuẩn cũng là những thách thức về huy động vốn đối với các địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình NTM Hà Nội, các xã đăng ký hoàn thành NTM nâng cao năm 2021 vẫn chưa có xã nào hoàn thành hồ sơ để thẩm định, công nhận. Có hai nguyên nhân, khách quan là do thực hiện giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch Covid-19, chủ quan (mà đây là nguyên nhân chính) là do chưa bố trí được nguồn vốn để hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
Mục tiêu trước mắt là thế, mục tiêu xa hơn, trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội có 20% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu thì cần một nguồn lực rất khổng lồ. Dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư cho khu vực nông thôn thành phố giai đoạn 2021-2025 là 92.680 tỷ đồng. Ngoài kinh phí của thành phố thì còn phải tuyên truyền vận động các quận hỗ trợ các huyện cũng như huy động nguồn lực xã hội hóa, đặc biệt là từ các doanh nghiệp, các người con quê hương thành đạt sát cánh trong quá trình xây dựng NTM. |
---
CHUYÊN TRANG VỚI SỰ HỖ TRỢ CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI NÔNG THÔN MỚI HÀ NỘI