Siêu bão Goni đánh vào đảo phía nam Luzon đông dân nhất của
Bão Vamco gây ngập nặng nhất trong nhiều năm ở thủ đô Manila, Philippines. Ảnh: Reuters.
Khoảng 1/4 số trận bão trên thế giới đổ bộ vào Philippines. Số lượng bão vào Philippines có thể sẽ không tăng trong những năm tới, nhưng vì biến đổi khí hậu, cường độ của bão sẽ tăng lên và đường đi khó đoán hơn.
Giữa năm 2006-2016, 99 trận bão đánh vào Philippines. Trong đó, 10 trận bão gây thương vong cao, nhất là bão Haiyan làm chết ít nhất 6.000 người năm 2013.
“Chúng tôi đang bị ảnh hưởng bởi các trận bão mạnh hơn trước và chúng tôi có thể coi sự gia tăng nhiệt độ bề mặt và nóng lên của khí quyển là nguyên nhân”, Esperanza Cayanan, chuyên gia nghiên cứu của PAGASA, cơ quan khí tượng của Philippines, nói với CNA.
Siêu bão Haiyan là trận bão mạnh nhất đánh vào Philippines trong lịch sử, với gió giật trên 305 km/h trong giờ đổ bộ đầu tiên. Ảnh: AFP. |
Nước biển ấm hơn sẽ cho các trận bão nhiều năng lượng hơn. Khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, khả năng giữ hơi nước của khí quyển cũng tăng - không khí có thể giữ thêm 7% hơi nước nếu nhiệt độ tăng 1 độ C. Điều đó có nghĩa lượng mưa trên đường đi của bão sẽ cao hơn.
“Trong thế kỷ tới, bão nhiệt đới như Siêu bão Haiyan sẽ là bình thường”, William Holden, chuyên gia địa lý và môi trường từ Đại học Calgary ở Canada, nói.
Khoảng 80% dân số Philippines sống cách bờ biển dưới 50 km. Nhiều cộng đồng đã quen với bão, nhưng họ vẫn sợ những trận bão lớn. Các đảo ở Philippines, vốn đang đối phó với nước biển dâng, sẽ gặp sóng cồn cao và nguy hiểm hơn.
“Nước biển dâng sau cùng sẽ nhấn chìm nhiều đảo trên bản đồ. Nhìn vào Philippines, một quần đảo thường bị động đất và núi lửa, chúng tôi không thấy nhiều nơi an toàn nữa”, chuyên gia Cayanan của PAGASA cho biết.
Chính phủ Philippines gần đây đã có thêm các bước đi trong việc đối phó với thiên tai. Chính sách về biển đối khí hậu của nước này hiện chưa đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhưng sắp có một số thay đổi.
Bộ Năng lượng vào tháng trước tuyên bố ngưng các dự án than mới đang lên kế hoạch, với mục tiêu hiện đại hóa ngành điện, hướng tới điện tái tạo sạch hơn và rẻ hơn.
“Bên trong Philippines chúng ta nên hiểu rõ khoa học hơn, loại bỏ các rủi ro ở một số nơi bằng cách sơ tán người dân sớm và thay đổi cách sử dụng đất”, La Viña, chuyên gia của viện nghiên cứu thiên văn Manila Observatory, nói.
Ông cho biết các hoạt động con người đã bào mòn nhiều “phòng tuyến” của Philippines chống lại thiên tai. Rừng ngập mặn đã bị mất, và khai mỏ quy mô lớn đã làm nền đất mất ổn định.
Nếu Philippines muốn chống đỡ các trận bão trong tương lai, cần phải đảo ngược các xu hướng trên một cách nhanh chóng, theo vị chuyên gia.