GIÁO DỤC

Phiên giao dịch ngày 11/11/2020: Những cổ phiếu cần lưu ý

11/11/2020 12:47

Báo Đầu tư Chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 11/11/2020, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán BIDV - BSC

Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu PVS nằm tại mức 16

Cổ phiếu PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam đang quay trở lại xu hướng tăng giá trung hạn từ đầu tháng 8 đến nay sau khi có giai đoạn điều chỉnh vào cuối tháng 10.

Thanh khoản cổ phiếu những ngày giao dịch gần đây đang có chiều hướng tăng dần.

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái tích cực. Hôm nay 10/11, đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu đồng thời chỉ báo RSI chưa đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu có thể duy trì đà tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của PVS nằm tại xung quanh giá 14. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 16, cắt lỗ nếu ngưỡng 13.5 bị xuyên thủng.

Công ty chứng khoán Bản Việt - VCSC

Khuyến nghị mua cho cổ phiếu HND với giá mục tiêu 20.100 đồng/CP

Chúng tôi công bố báo cáo lần đầu cho CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (HND) với khuyến nghị mua và giá mục tiêu 20.100 đồng/CP.

HND vận hành 2 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 1.200 MW và nằm tại Hải Phòng, địa điểm thuận lợi để nắm bắt nhu cầu điện năng mạnh mẽ tại miền Bắc. Nhờ bảo trì hiệu quả và tính cạnh tranh về chi phí, HND thường vượt trội hơn các nhà máy nhiệt điện than khác tại Việt Nam (trong mẫu so sánh của chúng tôi) tính theo theo hiệu suất hoạt động trong 5 năm qua.

Trong tương lai, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của HND sẽ điều chỉnh từ mức cao kỷ lục trong năm 2019 với EPS giảm 3%/22%/6% trong năm 2020/2021/2022, chủ yếu do hiệu suất hoạt động thấp hơn đến từ lượng mưa cải thiện và giá PPA cố định của HND sự kiến giảm khoảng 20% từ năm 2021.

Chúng tôi dự báo DPS đạt 1.600 đồng trong năm 2020, sau đó giảm còn 1.200 đồng trong năm 2021 và phục hồi về mức 1.600 đồng trong năm 2022 khi số dư nợ của HND giảm đáng kể.

Chúng tôi nhận thấy định giá của HND khá hấp dẫn tại EV/EBITDA dự phóng năm 2021 là 4,9 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi – thấp hơn khoảng 50% so với các công ty cùng ngành trong khu vực:

Yếu tố hỗ trợ: Tiềm năng thực hiện thành công IPO của công ty mẹ EVNGENCO 2 có thể dẫn đến mức cổ tức cao hơn dự kiến; diễn biến thoái vốn của SCIC sẽ cải thiện khả năng đầu tư, nếu thành công.

Rủi ro: sự cố kỹ thuật ngoài dự kiến; giá PPA thấp hơn từ năm 2021 so với dự báo của chúng tôi.

Khuyến nghị mua cho cổ phiếu GAS

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) trong khi nâng giá mục tiêu thêm 7% do 1) cập nhật giá mục tiêu của chúng tôi đến cuối 2021 và 2) dự báo lợi nhuận 2020 và 2022-2030 của chúng tôi cao hơn.

Chúng tôi nâng dự báo lợi nhuận 2020 thêm 11,0% trong khi điều chỉnh giảm lợi nhuận 2021 thêm 1,2% chủ yếu do thay đổi trong giả định giá dầu thô được công bố trong Báo cáo Cập nhật ngành Năng lượng ngày 12/10/2020. Ngoài ra, chúng tôi gia tăng dự phóng lợi nhuận 2022-2030 thêm khoảng 3% chủ yếu nhờ giá khí cao hơn bán cho các Khu công nghiệp.

Chúng tôi dự báo tăng trưởng lợi nhuận 2021 đạt 8,4% so với năm trước, chủ yếu do 1) mức phục hồi 10,8% trong sản lượng khí, được dẫn dắt bởi đóng góp bởi mỏ khí Sao Vàng – Đại Nguyệt (SV-DN) dự kiến đi vào hoạt động vào đầu năm 2021 và 2) mức tăng 12,4% trong giá dầu nhiên liệu (FO).

Chúng tôi ước tính tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS đạt 8,1% trong giai đoạn 2019-2030, được dẫn dắt bởi lợi nhuận từ mảng vận chuyển (được dẫn dắt bởi LNG) giúp bù đắp cho mức giảm lợi nhuận từ mang giao dịch khí khi các mỏ khí giá rẻ dần hết trữ lượng. Chúng tôi dự phóng lợi nhuận từ mảng vận tải sẽ tăng gấp đôi và đóng góp khoảng 70% lợi nhuận ròng của GAS vào năm 2025 so với khoảng 40% trong năm 2019.

GAS có năng lực tài chính mạnh mẽ với 1,2 tỷ USD tiền mặt tại quỹ và tỷ lệ đòn bẩy ròng -50,7%.

Định giá của GAS tỏ ra hấp dẫn với P/E 2021 đạt 16,2 lần, thấp hơn 13,4% so với trung vị ngành.

Rủi ro: giá dầu thô thấp hơn dự kiến.

Khuyến nghị mua cho cổ phiếu IMP

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua khi cho rằng công nghệ sản xuất hàng đầu và công suất dư thừa lớn của CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) cùng với bối cảnh chính sách thuận lợi, vốn ưu tiên các sản phẩm thuốc có chất lượng cao và sản xuất trong nước tại kênh bệnh viện sẽ dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận gia tăng trong vài năm tiếp theo.

Chúng tôi tăng giá mục tiêu thêm 7% nhờ mức giảm 1,2 điểm phần trăm trong dự báo chi phí vốn chủ sở hữu của chúng tôi, còn 13,0% trong khi chúng tôi hầu như giữ nguyên dự báo tổng lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2021-2023.

Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) doanh thu mảng sản phẩm tự sản xuất đạt 26% trong giai đoạn 2020-2023, chủ yếu đến từ CAGR 43% của kênh bệnh viện. Tương ứng, chúng tôi dự báo đóng góp của kênh bệnh viện cho tổng doanh thu sẽ gia tăng từ 48% trong năm 2020 lên 70% trong năm 2023.

Rủi ro: dịch COVID-19 tái bùng phát sẽ ảnh hưởng lưu lượng khách đến các nhà thuốc và bệnh viện; cạnh tranh gia tăng; thay đổi chính sách bất lợi.

Khuyến nghị mua cho cổ phiếu STB với giá mục tiêu 18.700 đồng/CP

Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) và nâng giá mục tiêu lên 18.700 đồng/CP. Giá mục tiêu của chúng tôi chủ yếu được dẫn dắt bởi mức tăng trung bình 1,4% trong lợi nhuận sau thuế dự báo 2020-2025, mức giảm trong lãi suất chiết khấu từ 14,2% còn 13,0% và tác động tích cực từ cập nhật mô hình định giá mục tiêu đến cuối 2021.

Các thay đổi của chúng tôi trong việc điều chỉnh tài sản tồn đọng trong phương thức vốn hóa thị trường trên khoản vay và huy động không ảnh hưởng đáng kể đến giá mục tiêu của chúng tôi.

Chúng tôi nâng dự báo lợi nhuận sau thuế 2020/2021/2022 thêm 11,4%/0,5%/1,4% chủ yếu do (1) mức tăng trung bình 3 năm đạt 0,5% trong thu nhập lãi ròng (NII) khi chúng tôi loại bỏ giả định cho các khoản vay tái cơ cấu theo TT01 (và tương ứng là loại bỏ ảnh hưởng của chúng đến kết quả kinh doanh và khả năng hình thành nợ xấu) sau khi ghi nhận mức giảm mạnh trong khoản mục này trong 9 tháng 2020, và (2) mức tăng trung bình 3 năm đạt 19,4% trong thu nhập phí thuần (NFI) phần nào ảnh hưởng bởi mức tăng 1,5% và 0,8% lần lượt trong chi phí hoạt động kinh doanh và chi phí dự phòng.

Chúng tôi cập nhật giả định rằng khoản nợ gốc từ việc thanh lý lô đất Cần Đước trả chậm sẽ được nhận trong năm 2023 thay vì 2022 trong khi duy trì giả định rằng lô đất Phong Phú sẽ được thanh lý trong năm 2021, tất cả số dư VAMC ròng sẽ được xử lý và dự phòng vào cuối năm 2022, và lãi dự thu tồn đọng sẽ được xử lý trong năm 2024. * Dự báo ROE và ROA 2020 của chúng tôi đạt lần lượt 9,1% và 0,54% so với trung vị ngành là 18,2% và 1,58%.

Khuyến nghị mua cho cổ phiếu VHC

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) và tăng giá mục tiêu thêm 27% khi chúng tôi cập nhật mô hình định giá đến cuối năm 2021 đồng thời đưa vào định giá riêng của mảng collagen & gelatin (C&G) có biên lợi nhuận cao và tăng trưởng nhanh chóng của VHC. Theo dự báo của chúng tôi, mảng C&G sẽ đóng góp 36%/37% cho lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020/2021.

Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng P/E dự phóng 2021 của VHC là 9,3 lần – cao hơn P/E trượt trung bình 5 năm của công ty là 7,2 lần. Chúng tôi cho rằng VHC xứng đáng được định giá lại trong bối cảnh mảng C&G hiện có đóng góp đáng kể (so với không đóng góp trong năm 2017) và mảng C&G sẽ được định giá ở mức cao hơn so với mảng xuất khẩu phi lê cá truyền thống của VHC.

Chúng tôi kỳ vọng năm 2021 là một năm thuận lợi cho VHC nhờ (1) mảng phi lê cá tra bước vào chu kỳ tăng sau hơn 1 năm suy giảm và (2) tăng trưởng mảng C&G tiếp tục đạt mức 2 chữ số.

Tuy nhiên, chúng tôi giảm dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2020-2022 khoảng 8% khi kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2020 thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi về biên lợi nhuận gộp mảng phi lê cá, doanh số và tiến độ mở rộng công suất của mảng C&G.

Rủi ro: các quy định nhập khẩu chặt chẽ hơn của Trung Quốc do lo ngại dịch COVID-19 lây lan từ hải sản đông lạnh nhập khẩu; thị phần và biên lợi nhuận tại thị trường Mỹ thấp hơn dự kiến do cạnh tranh từ các công ty mới trong ngành; doanh số mảng C&G thấp hơn dự kiến.

Nhận định chứng khoán ngày 11/11/2020: Giằng co và rung lắc

Không giữ được đà khởi sắc từ phiên sáng, thị trường bước vào phiên chiều 10/11 với sự thận trọng cao hơn, VN-Index theo đó ...

Tin tức chứng khoán mới nhất 17h hôm nay 11/11/2020

Thông tin giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu như MWG, HCM, FMC, CKG… được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam ...

Chứng khoán phiên chiều ngày 10/11: Ngã đau

Việc hàng loạt cổ phiếu lớn giảm sâu đã khiến cả 2 chỉ số chính VN-Index và HNX-Index đều kết thúc phiên ngày 10/11 trong ...