GIÁO DỤC

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cần có xếp hạng quốc tế

25/11/2020 18:00

Một báo cáo nghiên cứu, đánh giá về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của Việt Nam, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vừa công bố, cho rằng: một cơ quan xếp hạng tín nhiệm đáng tin cậy và có uy tín là mảnh ghép còn thiếu đối với thị trường TPDN Việt Nam. Thu hút một cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu đầu tư vào một trong những tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước là rất quan trọng cho sự phát triển của thị trường TPDN Việt Nam.

Tốc độ phát triển nhanh

Số liệu của ngành chứng khoán công bố cho thấy, qui mô giá trị của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã tăng từ 9,01% tổng GDP của cả nước năm 2018, lên 11,3% vào năm 2019, đưa Việt Nam trở thành thị trường TPDN phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Á. Trong năm 2019, thị trường TPDN Việt Nam đã có lượng phát hành trị giá 12,8 tỷ USD, lớn hơn so với Indonesia và Philippines.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, đại diện Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), cho biết, đã có 203 doanh nghiệp thực hiện thành công 1.660 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên tổng số 2.220 đợt đăng ký, với tổng giá trị TPDN phát hành thành công đạt 303.800 tỷ đồng. Đặc biệt, trong tháng 9/2020, đã có 01 doanh nghiệp Việt Nam thực hiện phát hành thành công 75 triệu USD trị giá TPDN ra thị trường quốc tế, với kỳ hạn phát hành bình quân khoảng 7 năm.

Ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn của HSBC Việt Nam - nhận định, thị trường TPDN Việt Nam phát triển nhanh nhờ yếu tố tác động tích cực của tăng trưởng và ổn định nền kinh tế, lạm phát luôn được kiểm soát tốt và ở mức thấp, Chính phủ có các chính sách quản lý và điều tiết phát triển kinh tế phù hợp, trong đó có điều tiết thị trường TPDN.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cần có xếp hạng quốc tế
Xếp hạng tín nhiệm có vai trò quan trọng với thị trường trái phiếu. Ảnh minh họa

Dưới góc nhìn quốc tế, ADB cũng cho rằng, thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gần 2 năm qua đã thúc đẩy dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Việt Nam ảnh hưởng ít nhất từ dịch bệnh Covid-19 tại châu Á. Mặc dù suy giảm về tăng trưởng kinh tế trong năm 2020, song nền kinh tế Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ tăng trưởng cao trong năm 2021 và giữ vững vị thế là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất của khu vực. Đó là những yếu tố góp phần thúc đẩy thị trường TPDN phát triển và tăng trưởng nhanh.

Cần có đánh giá tín nhiệm quốc tế

Theo ADB, quá khứ thiếu văn hóa xếp hạng tín nhiệm đang đặt ra những rủi ro đáng kể đối với thị trường trái phiếu tại Việt Nam, đặc biệt khi các nhà đầu tư riêng lẻ hiện đang sở hữu gần 25% tổng lượng trái phiếu đã phát hành. Đến nay, 2 công ty xếp hạng tín nhiệm trong nước đã được Bộ Tài chính cấp phép nhưng đều chưa hoạt động. Luật Chứng khoán 2019 yêu cầu một số trái phiếu phát hành ra công chúng (nhưng không phải phát hành riêng lẻ) phải được xếp hạng bởi một đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong nước sẽ có hiệu lực từ tháng 01/2021. Song, các văn bản dự thảo hướng dẫn Luật Chứng khoán mới đề cập rất ít về việc trái phiếu phát hành phải được xếp hạng tín nhiệm, trong khi các thị trường ASEAN khác bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm đối với các trái phiếu phát hành ra công chúng.

Để thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn, lành mạnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2020/NĐ-CP nâng cao tiêu chuẩn, giới hạn về phát hành trái phiếu riêng lẻ nhằm hạn chế hoạt động phát hành quá mức để phân phối cho nhà đầu tư cá nhân; tăng trách nhiệm của các tổ chức tư vấn, đại lý giam gia phát hành. Đây là bước điều chỉnh cần thiết hướng đến tách bạch rõ ràng hoạt động chào bán trái phiếu ra công chúng với chào bán riêng lẻ... Doanh nghiệp phát hành TPDN phải tính toán kỹ càng, hiệu quả, gọi vốn phù hợp với năng lực của mình, từ đó có thể giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia tài chính ngân hàng, những giải pháp đã đưa ra là vẫn chưa đủ để thị trường TPDN phát triển thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp và nền kinh tế cũng như tính chuyên nghiệp. Trong thời gian tới, cần phải bổ sung nhiều giải pháp như đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu thứ cấp, doanh nghiệp phát hành phải được xếp hạng tín nhiệm...

Các nhà hoạch định chính sách đang mong muốn thị trường TPDN tăng trưởng có trật tự và lành mạnh, đồng thời đã cam kết mạnh mẽ đối với hoạt động của các cơ quan xếp hạng tín nhiệm trong nước. Theo ADB, sự tăng trưởng của thị trường TPDN từ năm 2017 đến nay đã tạo bối cảnh cho một công ty xếp hạng tín nhiệm toàn cầu tham gia xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam là rất hấp dẫn, giúp các chủ thể gia nhập thị trường trái phiếu hạn chế được các rủi ro. Các bên gia nhập thị trường TPDN của Việt Nam cũng có mong muốn là sẽ được chứng kiến sự hợp tác giữa các công ty xếp hạng trong nước với tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu.

ADB cho rằng, việc công ty xếp hạng tín nhiệm toàn cầu tham gia vào thị trường Việt Nam sẽ tốt cho thị trường TPDN khi có thể kết hợp được giữa thông lệ tốt toàn cầu với thực tiễn ở trong nước để phát triển phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Hơn nữa, hợp tác giữa một công ty xếp hạng tín nhiệm toàn cầu với một đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong nước, sẽ góp phần giúp nâng cao uy tín của đơn vị xếp hạng trong nước (thông qua danh tiếng của công ty xếp hạng toàn cầu về các quy trình quản lý và phân tích nghiêm ngặt), từ đó tạo sự lan tỏa rộng hơn thúc đẩy việc sử dụng xếp hạng tín nhiệm của các công ty xếp hạng trong nước.

Ngọc Quỳnh

TagTag:

Tin mới hơn

Nhật Bản tiếp tục là quốc gia đứng đầu về đầu tư tại Bình Dương Nhật Bản tiếp tục là quốc gia đứng đầu về đầu tư tại Bình Dương Tỷ giá ngoại tệ ngày 25/11: Nước Mỹ chuyển giao quyền lực, đồng USD tiếp tục mất giá Tỷ giá ngoại tệ ngày 25/11: Nước Mỹ chuyển giao quyền lực, đồng USD tiếp tục mất giá Thị trường M&A Việt Nam sẽ tiếp tục “trỗi dậy“ trong năm 2021 Thị trường M&A Việt Nam sẽ tiếp tục “trỗi dậy“ trong năm 2021 VIB ra mắt tài khoản ngân hàng số toàn diện VIB ra mắt tài khoản ngân hàng số toàn diện

Tin cũ hơn

Tỷ giá ngoại tệ ngày 24/11: Nhà đầu tư quay lưng, đồng USD lao dốc Gói tín dụng 16.000 tỷ đồng: Điều kiện vay "dễ thở" hơn Tỷ giá ngoại tệ ngày 23/11: Đồng USD nhiều lực đẩy để tăng giá Thành lập Quỹ đầu tư phát triển Việt Nhật với vốn dự kiến 100 triệu USD Lãi suất ngân hàng thấp chưa từng có, trái phiếu "đắt như tôm tươi" Các FTA là nguồn lực thúc đẩy thu hút vốn đầu tư qua M&A ABBANK triển khai nhiều chương trình ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp SME
[Xem thêm]