Trong diễn biến mới nhất hôm 7/11 (giờ Mỹ), các hãng truyền thông Mỹ đều đồng loạt gọi tên Joe Biden là Tổng thống thứ 46 của Mỹ sau khi ông giành chiến thắng tại bang chiến trường Pennsylvania, với 284 phiếu đại cử tri.
Trong thông cáo sau khi truyền thông đưa tin đối thủ lên ngôi, Tổng thống Donald Trump cho biết "bầu cử còn lâu mới kết thúc" và chiến dịch tranh cử của ông sẽ khởi kiện vào ngày 9/11.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra lời kêu gọi thách thức phiếu bầu ở các bang chiến trường là không có cơ sở hợp lệ và sẽ khó có tác động đến kết quả của cuộc bầu cử, Toby Cadman, một luật sư quốc tế, nói với Sputnik.
"Không có cơ sở đáng tin cậy nào trên thực tế hoặc về mặt luật pháp để lập luận rằng các lá phiếu gửi qua đường bưu điện có thể bị coi là không hợp lệ. Các quy tắc là khá rõ ràng. Chiến dịch của ông Trump có thể không thích điều đó, nhưng họ phải chấp nhận", Cadman nói.
Cũng trong thời điểm hiện tại chiến dịch tranh cử của ông Trump đã tập hợp một đội ngũ pháp lý để thách thức kết quả bầu cử ra Tòa án Tối cao.
"Điều đó sẽ không giúp ích gì trong trường hợp không có bằng chứng đáng tin cậy về việc gian lận cử tri. Việc ông ấy bổ nhiệm Amy Coney Barrett và Brett Kavanaugh vào Tòa án Tối cao sẽ chẳng giúp ích được gì nhiều", Cadman dự đoán.
Người đồng sáng lập Guernica 37 International Justice Chambers có trụ sở tại London cho biết, chính quyền Trump "hoàn toàn có quyền thực hiện các thách thức pháp lý" chống lại việc kiểm phiếu ở các bang mà cuộc bầu cử không diễn ra theo ý mình nhưng nỗ lực có thể sẽ không tạo ra sự khác biệt, thậm chí còn gây hại.
"Điều quan trọng cần lưu ý là những thách thức mà chính quyền Trump đưa ra có thể ảnh hưởng ít hoặc không ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử... Ông Biden có thể có hơn 300 phiếu, cao hơn nhiều so với 270 cần thiết", luật sư này lưu ý.