Sạt lở đất là thảm họa đã ảnh hưởng tới 4,8 triệu người và khiến hơn 18.000 người tử vong trên thế giới kể từ năm 1998-2017. Với châu Á, biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng khá nặng nề. Chỉ trong thời gian ngắn gần đây, hàng loạt nước đã gánh chịu hậu quả nặng nề từ các vụ sạt lở đất.
Hôm 20/10, một trận lở đất do mưa lớn gây ra đã làm thiệt mạng ít nhất 11 công nhân tại một mỏ than ở tỉnh Nam Sumatra của Indonesia. Theo Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia của Indonesia, địa điểm xảy ra vụ lở đất là một đường hầm sâu khoảng 20 mét tại làng Tanjung Lalang ở huyện Muara Enim. Cơ quan này trước đó đã cảnh báo rằng, hiện tượng thời tiết La Nina đang diễn ra có thể làm tăng tổng lượng mưa ở Indonesia lên tới 40% cho đến tháng 2/2021 và cần cảnh giác với lũ lụt và lở đất.
Trước đó, hôm 18/10, một trận lở đất ở miền bắc Pakistan đã chôn vùi một chiếc xe buýt dưới hàng tấn bùn và đá, khiến 16 người trên xe thiệt mạng. Các nhân viên cứu hộ đã đào trong nhiều giờ với hy vọng tìm thấy những người sống sót, nhưng đã ngừng tìm kiếm khi trục vớt được 16 thi thể.
Chiếc xe buýt đã bị đẩy xuống một con mương sâu và bị chôn vùi khi xe đang di chuyển đến thị trấn Skardu.
Hồi tháng Tám, tại bang Kerala miền Tây Ấn Độ, ít nhất 70 người đã thiệt mạng và hàng trăm căn nhà của những công nhân trồng chè và cafe bị cuốn trôi sau một trận lở đất kinh hoàng. Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sạt lở đất do con người gây ra, từ năm 2004-2016, số người Ấn Độ thương vong vì lở đất chiếm tỷ trọng đáng kể trên thế giới.
Trước đó, ngày 2/7, Myanmar đã ghi nhận 125 người tử vong sau vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại khu vực khai thác ngọc tại làng Sate Mu, bang Kachin. Một vách đá cao hơn 300m đã đổ sập xuống và chôn vùi những người đang ở bên trong mỏ. Brazil, Mỹ, Úc cũng từng trải qua những thảm họa kinh hoàng từ lở đất.
Sạt lở đất bắt nguồn từ nhiều nguyên do. Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), thảm họa thiên nhiên này có thể là hậu quả từ sự xuất hiện các chấn động địa chất tự nhiên, do sự thay đổi độ ẩm trong đất, sự dịch chuyển của kết cấu bảo vệ của phần chân của mái dốc... . Và một yếu tố không thể không nhắc đến, đó là các tác động của con người. Hãy trả cho thiên nhiên sự nguyên sơ của mình và hạn chế tối đa khai thác thiên nhiên để phục vụ cho sự phát triển là lời kêu gọi lâu nay được giới khoa học đưa ra nhằm phòng tránh những cơn thịnh nộ của "bà mẹ thiên nhiên".