Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và Chiến lược 10 năm 2011 - 2020 sắp kết thúc bằng “cú chốt 2020” không thật sự suôn sẻ, nếu không muốn nói là quá khó khăn. Các kịch bản kinh tế liên tục được thay đổi và rất khó dự báo, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Ngay cả kịch bản mới đây nhất được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ, rất có thể, cũng sẽ không phải là hiện thực nếu như có bất cứ diễn biến bất ngờ nào của đại dịch.
Mặc dù vậy, vào thời điểm này, ít nhiều, bức tranh kinh tế 2020 đã rõ nét hơn. Và theo như kịch bản kinh tế mới nhất mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, tăng trưởng GDP quý III dự báo sẽ khoảng 1,04 - 1,69%, còn tăng trưởng GDP 9 tháng là 1,51 - 1,76%. Trong khi đó, sang quý IV, ở phương án thấp, tăng trưởng kinh tế là 2,06%, còn phương án cao là 2,86%. Cả năm, với phương án thấp là 1,69% và 2,12% đối với phương án cao.
Kịch bản được xây dựng như vậy, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong điều kiện cho phép, thì phấn đấu đạt mức tăng trưởng khoảng 2,5%. Song để đạt con số này, cần tiếp tục triển khai thực hiện kết hợp với xây dựng thêm những giải pháp mạnh, quyết liệt hơn nữa nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội người dân và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Trên thực tế, không phải cho đến khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố kịch bản tăng trưởng cập nhật, mà trước đó nhiều dự báo của các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra mức 2 - 3%.
“Tôi cho rằng, tăng trưởng 2 - 3% trong năm nay là khả năng cao nhất. Như vậy, đây vẫn là một mức tích cực trong bối cảnh hiện nay”, ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nói như vậy.
Nếu tăng trưởng kinh tế chỉ là 2 - 3% cũng đồng nghĩa với việc một trong những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng nhất năm 2020 đã không hoàn thành, ảnh hưởng đến cả việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng của giai đoạn 2016 - 2020, cũng như Chiến lược 2011 - 2020. Điều này, cộng thêm những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, cũng như những bất ổn, khó dự báo của kinh tế toàn cầu khiến cho việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trở nên khó khăn hơn.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương |
Trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 2020, dự kiến kế hoạch 2021 tại phiên thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội ngày 25/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, năm 2020 có 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt.
Thứ trưởng cũng đề cập nhiều điểm sáng của năm 2020, đó là Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế xã hội. Người dân và doanh nghiệp được hỗ trợ kịp thời, đến hết tháng 8/2020, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất, cho vay mới với lãi suất ưu đãi với tổng số dư nợ vay trên 3 triệu tỷ đồng; giảm giá tiền điện 9.2000 tỷ đồng; gia hạn nộp trên 66 nghìn tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất; hỗ trợ 12.400 tỷ đồng cho gần 12,5 triệu người dân và 23 nghìn hộ kinh doanh.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh: Tốc độ tăng trưởng cả năm 2020 ước đạt trên 2%, phấn đấu đạt khoảng 3%, Việt Nam là nước có mức tăng trưởng dương cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và được thế giới đánh giá cao.
Mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, thanh khoản thị trường được bảo đảm; dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước đến nay. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,5-3,9% (mục tiêu là dưới 4%). Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 33,6% GDP (mục tiêu là 33-34% GDP).
Năm 2020 cũng thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài tốt với tổng số vốn đăng ký mới, bổ sung và góp vốn, mua cổ phần đạt trên 20 tỷ USD; dự kiến có nhiều tập đoàn công nghệ và công nghiệp phụ trợ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Nêu những hạn chế của nền kinh tế, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư đánh giá: Chất lượng chuẩn bị dự án đầu tư công còn hạn chế; thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu đề ra. Cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước không đạt kế hoạch. Cân đối thu, chi ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước tăng; đổi mới khu vực sự nghiệp công chưa đáp ứng yêu cầu.Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của một bộ phận người lao động, người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng, nhất là ở khu vực thành thị; triển khai các chính sách hỗ trợ có nơi còn chậm.
Năm 2021, GDP tăng khoảng 6 - 6,5%
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, dự kiến GDP năm 2021 phấn đấu tăng khoảng 6 - 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45 - 47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5 điểm phần trăm so với năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%...
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đầu tiên cho năm sau được Thứ trưởng nêu là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Vận hành đồng bộ, hiệu quả các loại thị trường; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Thực hiện các giải pháp tài khóa, tiền tệ phù hợp để kích thích tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho các ngành, lĩnh vực, thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp và người dân, nhất là người lao động thiếu việc làm, mất việc làm, giảm sâu thu nhập, Thứ trưởng báo cáo.
Các mục tiêu cụ thể năm 2021 Tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng so với GDP khoảng 71,3%, tỷ lệ tích lũy tài sản cố định so với GDP khoảng 28,7%, tỷ lệ tiết kiệm so với GDP khoảng 28%. Về cân đối ngân sách, tổng thu ước đạt khoảng 1.342 nghìn tỷ đồng; tổng chi ước đạt khoảng 1.686 nghìn tỷ đồng; bội chi khoảng 344.000 tỷ đồng. Nợ công bằng khoảng 46 - 48% GDP, nợ Chính phủ bằng khoảng 40 - 42% GDP. Cân đối xuất, nhập khẩu hàng hóa: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt trên 554,4 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2020 trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng khoảng 5%, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng khoảng 5,4%, xuất siêu gần 2,3% kim ngạch xuất khẩu. |
Ngân hàng Thế giới: FDI tháng 8 của Việt Nam dường như tạm ngưng Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), vốn FDI của Việt Nam giảm từ 3,1 tỷ USD trong tháng 7 xuống còn 720 ... |
Dòng vốn FDI sẽ đến Việt Nam nhiều hơn Triển vọng của nền kinh tế trong trung-dài hạn, sức tiêu dùng mạnh mẽ cùng với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư... đang ... |
Ngoại hối đạt kỷ lục, World Bank ghi nhận khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam Vào cuối tháng 8, dự trữ ngoại hối của NHNN là 92 tỷ USD, tăng so với mức 80 tỷ USD vào cuối tháng 12. ... |