GIÁO DỤC

Những chính sách đối với công chức, viên chức có hiệu lực từ tháng 11/2020

07/11/2020 12:36

Dưới đây là những chính sách nổi bật liên quan đến công chức, viên chức sẽ có hiệu lực từ tháng 11/2020.

Những chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 02/2020

Những chính sách bất động sản có hiệu lực từ năm 2020

1. Chế độ làm việc của giảng viên trường cao đẳng sư phạm

Theo Thông tư 36 có hiệu lực từ ngày 20/11, chế độ làm việc của giảng viên trường cao đẳng sư phạm, giảng viên các trường cao đẳng dạy nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng thuộc thẩm quyền quản lí của Bộ Giáo dục và Đào tạo được qui định, thời gian làm việc của giảng viên trong năm học là 44 tuần (tương đương 1.760 giờ hành chính).

Thời gian giảng dạy trong kế hoạch đào tạo được tính bằng giờ chuẩn giảng dạy, trong đó một tiết giảng lí thuyết trực tiếp trên lớp (hoặc trực tuyến) 50 phút được tính bằng một giờ chuẩn giảng dạy.

Đối với các nội dung giảng dạy có tính chất đặc thù, các tiết giảng trực tiếp trên lớp (hoặc trực tuyến) trên 50 phút giao hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm qui đổi cho phù hợp.

Định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên trong một năm học được qui định từ 270 đến 420 giờ chuẩn giảng dạy (tương đương từ 810 đến 1.260 giờ hành chính).

Trong đó, giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp (hoặc trực tuyến) phải đảm bảo tối thiểu 50% định mức qui định.

Lưu ý:

- Giảng viên tập sự, thử việc chỉ thực hiện tối đa 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy, đồng thời được miễn giảm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để dành thời gian tham gia dự giờ và tham gia thực tập, thực tế.

- Giảng viên trong thời gian nghỉ hưởng trợ cấp BHXH, nghỉ theo quy định BLLĐ hiện hành được miễn giảm định mức giờ chuẩn giảng dạy theo tỷ lệ tương ứng với thời gian nghỉ.

nhung chinh sach doi voi cong chuc vien chuc co hieu luc tu thang 112020
Ảnh minh họa

2. Bảng lương viên chức giảng dạy trong trường cao đẳng sư phạm

Bảng lương giảng viên là viên chức trong các trường cao đẳng sư phạm công lập được căn cứ theo Thông tư 35/2020/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 20/11/2020), cụ thể:

- Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

- Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;

- Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

3. Không phê bình học sinh trước trường, lớp

Theo Thông tư số 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Điều lệ Trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, từ 1/11, giáo viên không được xử lí kỉ luật học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường.

Ngoài ra, điều lệ này qui định học sinh cấp 2, cấp 3 được phép sử dụng điện thoại trong giờ để phục vụ cho việc học tập và phải được giáo viên cho phép, thay vì cấm tuyệt đối như trước đây. Giáo viên bên cạnh đó cũng không còn cấm bị sử dụng điện thoại khi đang giảng dạy trên lớp.

4. Chế độ khen thưởng đối với học sinh sinh viên đoạt giải quốc gia, quốc tế

Nghị định số 110 qui định chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế có hiệu lực từ ngày 1/11.

Theo đó, học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong kỳ thi Olympic quốc tế các môn học, thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật quốc tế, thi kĩ năng nghề thế giới được thưởng theo mức:

Huy chương Vàng hoặc giải nhất 55 triệu đồng; huy chương Bạc hoặc giải nhì 35 triệu đồng; huy chương Đồng hoặc giải ba 25 triệu đồng; khuyến khích 10 triệu đồng.

Học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong kì thi Olympic châu Á các môn học, kì thi kĩ năng nghề châu Á được thưởng theo mức huy chương Vàng 35 triệu đồng; huy chương Bạc 25 triệu đồng; huy chương Đồng 10 triệu đồng; khuyến khích 8 triệu đồng.

Học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong kì thi kĩ năng nghề Đông Nam Á được thưởng theo mức huy chương Vàng 25 triệu đồng; huy chương Bạc: 10 triệu đồng; huy chương Đồng 8 triệu đồng; khuyến khích 5 triệu đồng.

Học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kì thi quốc gia qui định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định được thưởng theo mức giải Nhất 4 triệu đồng; giải Nhì 2 triệu đồng; giải Ba 1 triệu đồng.

5. Biên chế công chức tối thiểu để thành lập phòng thuộc sở

Nghị định 107/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 24/2014/NĐ-CP quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, trong đó, có quy định biên chế công chức tối thiểu để thành lập phòng thuộc sở.

Cụ thể, tiêu chí thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở như sau:

- Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở;

- Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí:

+ Tối thiểu 07 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của Hà Nội và TP.HCM;

+ Tối thiểu 06 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I;

+ Tối thiểu 05 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III.

Bên cạnh đó, Nghị định 107/2020 cũng quy định tiêu chí thành lập văn phòng, chi cục, phòng thuộc chi cục thuộc sở, cụ thể:

- Tiêu chí thành lập Văn phòng thuộc sở được áp dụng theo tiêu chí thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở. Trường hợp không thành lập Văn phòng thuộc sở thì giao một phòng chuyên môn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng.

- Tiêu chí thành lập chi cục và các tổ chức tương đương thuộc sở (sau đây gọi chung là chi cục)

+ Có đối tượng quản lý về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở theo quy định của pháp luật chuyên ngành;

+ Được phân cấp, ủy quyền để quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực;

+ Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 12 biên chế công chức.

- Tiêu chí thành lập phòng và tương đương thuộc chi cục thuộc sở

+ Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi cục hoặc tham mưu về công tác quản trị nội bộ của chi cục;

+ Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 05 biên chế công chức.

Nghị định 107/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 25/11/2020.

6. Giảm số lượng phó Phòng, tăng số lượng Phó Giám đốc Sở

Ngày 25/11/2020 là ngày có hiệu lực đồng thời của Nghị định 108 về tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp huyện và Nghị định 107 về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

Nghị định 108 qui định tại các cơ quan chuyên môn cấp huyện, bình quân mỗi phòng sẽ có hai Phó Trưởng phòng (trước đây tối đa ba Phó Trưởng phòng).

Trong khi đó, theo Nghị định 107, bình quân mỗi Sở có ba Phó Giám đốc (trước đây số lượng Phó Giám đốc Sở không quá ba người).

Riêng Hà Nội và TP HCM, ngoài tổng số lượng Phó Giám đốc Sở theo qui định tính bình quân chung thì mỗi thành phố được tăng thêm không quá 10 Phó Giám đốc (trước đây, số lượng Phó Giám đốc các Sở của Hà Nội và TP HCM không quá 4 người).

7. Thêm tiêu chí phân loại vị trí việc làm của viên chức

Nghị định 106/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm tiêu chí phân loại vị trí việc làm của viên chức kể từ ngày 15/11/2020 như sau:

Từ 15/11/2020:

- Phân loại theo khối lượng công việc

+ Vị trí việc làm do một người đảm nhận.

+ Vị trí việc làm do nhiều người đảm nhận.

+ Vị trí việc làm kiêm nhiệm.

- Phân loại theo tính chất, nội dung công việc

+ Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý.

+ Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành.

+ Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung (hành chính, tổng hợp, quản trị văn phòng, tổ chức cán bộ, kế hoạch tài chính và các vị trí việc làm không giữ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành của đơn vị sự nghiệp công lập).

+ Vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.

Hiện hành: Chỉ phân theo khối lượng công việc (do một người đảm nhận,do nhiều người đảm nhận hoặc kiêm nhiệm).