Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ chưa từ bỏ?
Sự ủng hộ nhiệt thành của Thổ Nhĩ Kỳ đối với đồng minh Azerbaijan dường như vẫn chưa chấm dứt ngay cả sau khi Nga làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn giữa Azerbaijan-Armenia và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình để giám sát thỏa thuận tại khu vực Nagorno-Karabakh.
Cuối ngày 17/11, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã ủy quyền cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan triển khai lực lượng quân sự tới Azerbaijan trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ-Nga bất đồng về việc thiết lập một trung tâm giám sát ngừng bắn chung ở Azerbaijan, cách xa khu vực xung đột Nagorno- Karabakh. Quốc hội nước này cho phép tổng thống quyết định thời gian, phạm vi và quy mô của các nhiệm vụ quân sự trong vòng một năm.
Dự luật đề cập đến sự tham gia của những người lính Thổ Nhĩ Kỳ trong trung tâm giám sát chung và các cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ với Azerbaijan theo hiệp định đối tác chiến lược, cũng như các mục tiêu khác như thực thi lệnh ngừng bắn, ngăn ngừa vi phạm, đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực, bảo vệ lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ.
Lý do vì sao ông Erdogan cần sự ủy thác để triển khai quân đội ở Azerbaijan vẫn còn là câu hỏi để ngỏ. Trên thực tế, Ankara được đánh giá là không có phần trong thực trạng mới, vì Nga đã loại trừ sự tham gia của lực lượng gìn giữ hòa bình Thổ Nhĩ Kỳ ở Nagorno-Karabakh theo thỏa thuận ngừng bắn ngày 10/11 vừa qua.
Các cuộc đàm phán đang diễn ra cho thấy vai trò mà Nga hình dung cho Thổ Nhĩ Kỳ chỉ giới hạn ở sự hiện diện của các chuyên gia quân sự tại trung tâm giám sát chung và giám sát bằng máy bay không người lái, thay vì Thổ Nhĩ Kỳ được phép thực hiện bất kỳ nhiệm vụ hoạt động nào như quan sát lệnh ngừng bắn trên mặt đất và ngăn chặn vi phạm.
Tuy nhiên, các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã có mặt trên đất Azeri theo Thỏa thuận Đối tác Chiến lược và Hỗ trợ lẫn nhau, được ký kết vào năm 2010 sẽ có hiệu lực vào năm sau. Họ đã tích cực tham gia vào việc lập kế hoạch và tổ chức cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh, vận hành các máy bay không người lái vũ trang cho Azerbaijan trong các cuộc đụng độ.
Một số người cho rằng dự luật là cần thiết để đảm bảo hợp pháp quyền của các quân nhân đã có mặt ở Azerbaijan. Tuy nhiên, động thái này dường như cũng là một dấu hiệu cho thấy có những nỗ lực riêng của Thổ Nhĩ Kỳ bên ngoài trung tâm giám sát chung với Nga. Ankara có thể đang cân nhắc sự hiện diện quân sự cho các trường hợp khác, bao gồm can thiệp quân sự và thậm chí chiến tranh.
Aydin Sezer, nhà bình luận nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ về Nga, cũng đặt câu hỏi tương tự về yêu cầu ủy thác, nhấn mạnh rằng giao tranh mới giờ khó có thể xảy ra sau khi Nga kiểm soát vấn đề bằng thỏa thuận ngừng bắn.
“Trung tâm chung với người Nga không yêu cầu có đội ngũ quân sự. Nó sẽ là một trung tâm tư vấn kỹ thuật”, Sezer nói với Al-Monitor. “Và không có cách nào để Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp trước những vi phạm có thể xảy ra. Bất kỳ vi phạm nào của phía Armenia sẽ gây tổn hại cho Armenia và thậm chí nếu điều đó xảy ra, Nga sẽ là người can thiệp”.
Mục đích của Thổ Nhĩ Kỳ
Theo Sezer, mục tiêu chính trị trong nước là cách giải thích duy nhất còn lại. Ông nói, đây là thông điệp tới công chúng rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có hoạt động quân sự và có ảnh hưởng ở Azerbaijan.
Tại quê nhà, các phương tiện truyền thông miêu tả dự luật ủy quyền phản ánh ảnh hưởng đang mở rộng của Thổ Nhĩ Kỳ từ Trung Đông và châu Phi đến Caucasus và Trung Á, nhấn mạnh mối quan hệ thân tộc và mối quan hệ lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ với Azerbaijan.
Theo thỏa thuận ngày 10/11, Azerbaijan sẽ có một liên kết giao thông đến Cộng hòa tự trị Nakhchivan có chung biên giới nhỏ với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều khoản này đã dẫn đến kỳ vọng quá mức ở Thổ Nhĩ Kỳ rằng kết nối mới sẽ trở thành một hành lang nối Thổ Nhĩ Kỳ với các nước cộng hòa Turkic ở Trung Á và hồi sinh các tuyến thương mại của Con đường Tơ lụa lịch sử.
Trên thực tế, thỏa thuận này đánh dấu sự trở lại của quân đội Nga với Azerbaijan 8 năm sau khi nước này sơ tán căn cứ Gabala. Moscow đã cho thấy ai mới là ông chủ ở Caucasus. Do đó, việc Nga đồng ý tham gia một trung tâm giám sát chung với Thổ Nhĩ Kỳ và thái độ im lặng khi đối mặt với tình hình quân sự của Ankara là điều khá dễ hiểu.
Hai bên đã không thống nhất được các chi tiết kỹ thuật trong cuộc đàm phán kéo dài hai ngày ở Ankara vào tuần trước, theo báo cáo của truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ. Phía Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã thúc ép phải được triển khai một số lượng nhỏ quân đội ở Nagorno-Karabakh cùng với lực lượng gìn giữ hòa bình Nga, nhưng người Nga không đồng ý mà chỉ cho giám sát bằng máy bay không người lái. Bế tắc khiến phái đoàn Nga phải quay lại Moscow để tham vấn.
Sự khác biệt cơ bản bắt nguồn từ cách hai bên định hình thỏa thuận. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov mô tả sứ mệnh chung là giám sát đơn giản , trong khi người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết trung tâm này sẽ không chỉ giám sát thỏa thuận ngừng bắn mà còn ban hành các biện pháp ngăn chặn vi phạm, do đó Ankara nhất quyết muốn có quân trên bộ.