GIÁO DỤC

Mặt trái của nghề cosplay kiếm nhiều tiền

22/10/2020 23:31

Các cosplayer liên tục phải thay đổi hình ảnh và đối mặt với hành động quấy rối, sàm sỡ.

cosplay dep nhat anh 1

Theo ArcGIS Story Maps, cosplay là trào lưu phổ biến toàn cầu, đặc biệt ở Nhật Bản. Thuật ngữ này chỉ những người thích hóa thân vào nhân vật viễn tưởng trong phim, trò chơi, hoạt hình... Sự xuất hiện của các web bán hàng trực tuyến giúp người đam mê cosplay dễ dàng tìm được trang phục mình cần với mức giá hợp lý.

Văn hóa cosplay và định kiến của người Nhật Bản

Nhật Bản - nơi nổi tiếng với manga - là thiên đường cho các cosplayer (người cosplay). Tuy nhiên, nhiều người xứ anh đào cũng tỏ ra ác cảm và gọi các cosplayer bằng từ "otaku". Thuật ngữ này chỉ người trẻ ám ảnh bởi thế giới viễn tưởng và thiếu các kỹ năng xã hội.

Tuy nhiên, các cosplayer lại đi ngược định kiến ấy. Bằng chứng là những sự kiện có hoạt động cosplay thu hút rất đông người tham dự. Họ còn tổ chức buổi giao lưu cùng fan.

cosplay dep nhat anh 2

Cosplay là nét văn hóa độc đáo ở Nhật Bản. Ảnh: ArcGIS Story Maps.

Điều này chứng tỏ các cosplayer không thiếu kỹ năng xã hội. Mặt khác, hoạt động của họ tại sự kiện tầm cỡ như Comiket, AnimeJapan hay Jump Festa còn gây chú ý mạnh với truyền thông.

Tầm ảnh hưởng của cosplay không chỉ gói gọn ở Nhật Bản. Thậm chí, bạn còn có thể tìm thấy sự kiện chính thức mang tên Hội nghị Thượng đỉnh Cosplay Thế giới (WCS).

Hội nghị xuất hiện lần đầu tại Nagoya (Nhật Bản) vào năm 2003. Mục đích của WCS là thúc đẩy tình hữu nghị quốc tế và công nhận sự phổ biến của cosplay ở nước ngoài qua những phương tiện truyền thông.

"Điều này chứng tỏ cosplay đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa Nhật Bản. Họ sử dụng nó như thứ sức mạnh mềm để thu hút mọi người", cây viết Devyn Lopez của ArcGIS Story Maps bình luận.

Để thấy sức ảnh hưởng của cosplay, bạn có thể đến Tokyo, Nhật Bản. Nơi này có nhiều studio được thiết kế riêng cho các cosplayer.

Nhằm tránh ánh mắt nhòm ngó của nhiều người, cosplayer có thể mặc quần áo bình thường đến đây. Bên trong studio, họ tìm thấy đủ loại đồ để hóa thân thành nhân vật yêu thích. Cách vận hành này giúp cosplayer thoải mái nhất.

Thu nhập lên đến 95.000 USD/ngày

Cosplay không đơn thuần là thú vui. Nó phổ biến đến nỗi trở thành nghề có thu nhập ổn, làm tiền đề phát triển sự nghiệp tại xứ hoa anh đào.

"Một cosplayer chuyên nghiệp thường được mời đến sự kiện lớn hoặc trở thành gương mặt đại diện cho nhãn hàng", Devyn Lopez viết.

Bên cạnh đó, họ cũng có thể kiếm tiền thông qua việc bán hàng của chính mình, ví dụ như sách ảnh, phụ kiện in hình...

Enako - người được truyền thông Nhật Bản ca ngợi là cosplayer số 1 - tiết lộ kiếm khoảng 95.000 USD/ngày tại gian hàng ở Comiket thông qua việc bán sản phẩm của chính mình.

cosplay dep nhat anh 3

Cosplayer có thể kiếm được tiền theo nhiều cách. Ảnh: ArcGIS Story Maps.

Các cosplayer nổi tiếng thường có lượng người theo dõi "khủng". Điều này lý giải phần nào thu nhập họ kiếm được.

Đánh đổi lại cho việc làm nghề yêu thích và có thu nhập ổn định, mỗi ngày với cosplayer đều tương đối vất vả. Stella Chuu - một cosplayer chuyên nghiệp - thừa nhận cô gần như không có thời gian thư giãn. Hàng ngày, cô phải chuẩn bị trang phục, quay video, trao đổi về các dự án mới.

Cosplayer đẹp không thể rập khuôn hình tượng. Họ phải bắt kịp xu hướng mới để "f5" nội dung trên mạng xã hội nhằm thu hút fan. Do các bộ phim mới liên tục ra mắt, cosplayer cũng cần nâng cấp tủ đồ của mình. Thay vì chọn cách bỏ tiền mua trên mạng, một số còn tự may để tiết kiệm chi phí và có hình nhanh nhất.

"Tuy nhiên, nhiều người vẫn chọn cosplayer là nghề chính. Họ thích và coi đó là cách để thoát khỏi thực tế", Stella Chuu nói.

Thường đối mặt với vấn đề quấy rối

Vấn đề liên quan đến tình dục là một trong những mặt trái của cosplayer. Nhiều cosplayer phải mặc trang phục hở táo bạo để thu hút người xem. Đôi khi, hình ảnh của họ thường bị liên tưởng đến các vấn đề khỏa thân, tình dục.

Khi tham dự lễ hội cosplay, cosplayer thường phải chuẩn bị sẵn tinh thần để đối mặt với nạn quấy rối tình dục. Cuối tháng 12/2019, sự việc 3 cosplayer Nhật Bản bị hàng chục nhiếp ảnh gia quấy rối đã gây chú ý trên mặt báo.

cosplay dep nhat anh 4

Cosplayer thường phải đối mặt với các vấn đề quấy rối tình dục. Ảnh: Manycosplay.

Họ tham gia Comiket - sự kiện cosplay nổi tiếng nhất Tokyo, Nhật Bản. Khi đang selfie, 3 nữ cosplayer được hàng chục nam nhiếp ảnh gia săn đón. Ban đầu, họ đứng chụp ở khoảng cách tương đối xa so với các cosplayer.

Khi các nhiếp ảnh gia được cho phép đứng gần hơn để tác nghiệp, họ đã lợi dụng cơ hội chạy ào đến, áp sát 3 cô gái.

Matsuoka Nana - một trong 3 nữ cosplayer - đã đăng clip họ bị hàng chục nam nhiếp ảnh gia vây kín lên mạng. Trong đó, nhiều người giơ máy ảnh chụp ở góc nhạy cảm, từ dưới váy của các cô gái.

Bất chấp tiếng la hét hoảng sợ của 3 cô gái, những người đàn ông kia vẫn ngang nhiên tiếp tục chụp hình.

"Chúng tôi không thể làm gì khác ngoài việc giả vờ gượng cười trong lo lắng", Matsuoka Nana nói.

Trong một số trường hợp, các cosplayer còn bị đụng chạm bởi những kẻ lạ mặt cố gắng tiếp cận họ. Không chỉ nữ giới, cosplayer nam cũng thường phải chịu đựng vấn đề này. Nhìn chung, không có độ tuổi hay giới tính nào tránh được nạn quấy rối với cosplayer.

Theo ArcGIS Story Maps, những kẻ quấy rối có tâm lý cosplayer ổn với hành động của mình. Bởi nếu không thích, tại sao họ còn mặc đồ khiêu khích đến thế? Với những kẻ này, trang phục hở hang được hiểu như sự thỏa hiệp với hành vi quấy rối.

Dù vấn đề an toàn cho các cosplayer được làm cẩn thận hơn trong vài năm gần đây, tệ nạn này vẫn chưa thực sự chấm dứt.

Ngoài việc quấy rối về thể xác, cosplayer còn phải hứng chịu nhiều bình luận tiêu cực trên mạng, đặc biệt trong buổi livestream.

cosplay dep nhat anh 5

Cosplayer chịu áp lực phải tái hiện hoàn hảo nhân vật viễn tưởng. Ảnh: Reddit.

Một trong các vấn đề cosplayer phải đối mặt là sự kỳ vọng quá cao của người hâm mộ vào nhân vật mình thích. Theo blog Cosplay Hero, khi cosplayer không có thân hình, khuôn mặt hợp nhân vật, họ thường phải nhận những màn "body shaming" (kỳ thị ngoại hình) nặng nề.

"Dù thực tế, cosplay là công việc đầy tính sáng tạo. Thứ tư duy phán xét xấu xí đó giống như cái tát cho sự tự do, sáng tạo của các cosplayer", chủ blog này viết.

Bóc giá trang phục sinh viên Anh mặc đến trường Nhiều sinh viên ở trường đại học nghệ thuật diện đồ đắt đỏ từ thương hiệu nổi tiếng.

Bạn đang đọc bài viết "Mặt trái của nghề cosplay kiếm nhiều tiền" tại chuyên mục Thời trang.