GIÁO DỤC

Thầy giáo TP.HCM mặc áo dài mỗi khi đi dạy

19/11/2020 10:51

Thầy Hồ Minh Quang (hiện công tác tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) đã lựa chọn áo dài truyền thống làm trang phục đi dạy hàng ngày.

Áo sơ mi, quần tây vốn là trang phục quen thuộc của nam công chức, người làm văn phòng. Tuy vậy, thầy Hồ Minh Quang - trưởng khoa Đông phương học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM - lại chọn áo dài the đen làm trang phục mỗi khi đứng lớp giảng dạy.

Trò chuyện cùng Zing, thầy Quang chia sẻ: "Tôi yêu tà áo dài truyền thống. Nhiều sinh viên tỏ ra thích thú khi thấy tôi mặc trang phục này".

Áo dài mang lại cảm giác trang trọng

Thầy Hồ Minh Quang có điều kiện tiếp cận với áo dài truyền thống từ rất sớm.

Nói về nhân duyên với chiếc áo dài, thầy cho biết: "Khi còn là nghiên cứu sinh, tôi có dịp đi khảo sát về ngôn ngữ ở tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế. Trùng hợp lúc đó tại địa điểm tôi ghé qua đang diễn ra ngày lễ. Nhìn thấy mọi người mặc áo dài để làm lễ, cúng kiếng, tôi cảm thấy rất thiêng liêng".

vi thay giao thich mac ao dai anh 1
Thầy Hồ Minh Quang chọn áo dài the đen làm trang phục đi dạy. Ngoài ra, thầy còn mặc nó khi làm công việc về ngoại giao. Ảnh: NV cung cấp.

Trước đây, khi đi du học nước ngoài, thầy Quang phụ trách việc biểu diễn văn nghệ, giao lưu văn hóa với học sinh các nước khác.

"Áo dài thay cho câu trả lời khi được hỏi 'Where are you from?'. Tôi không cần giải thích mình đến từ đất nước nào. Tình yêu với quốc phục của dân tộc dần hình thành trong tâm trí tôi. Khi về nước, tôi nghĩ nên duy trì thói quen mặc nó", thầy nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nam giảng viên còn lựa chọn mặc áo dài vào những dịp diễn ra các lễ nghi trang trọng tại gia đình mình.

Theo đó, thầy Quang mặc áo dài từ cách đây 18 năm. Thời gian đầu, thầy chưa có điều kiện để sử dụng thường xuyên vì chỉ có 1-2 bộ.

Giảng viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nói với Zing: "Tôi bắt đầu mặc áo dài thường xuyên vào khoảng 5 năm trước. Tôi đi làm, để dành tiền trong một khoảng thời gian mới có thể sắm nhiều bộ áo dài khác nhau. Tôi diện chúng nhằm phục vụ cho việc đi dạy và một số dịp khác".

Bộ trang phục áo dài mỗi khi lên lớp dạy học của thầy Quang gồm nhiều món đồ như áo bà ba (lớp trong), áo dài trắng (lớp giữa), áo dài the đen (lớp ngoài), quần dài, khăn xếp.

Tạo sự hứng thú cho sinh viên

Thầy Hồ Minh Quang thích diện trang phục tối màu khi đi dạy. Nam giảng viên chọn áo dài nhằm mang lại vẻ ngoài trang trọng, nghiêm túc.

"Sinh viên thích nhìn tôi với tà áo dài lúc đứng lớp. Điều này ít nhiều cũng tạo động lực giúp các em học tập nghiêm túc nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà trường", thầy tâm sự.

vi thay giao thich mac ao dai anh 2
Hình ảnh thầy Quang với tà áo dài truyền thống tạo dấu ấn cho sinh viên. Ảnh: NV cung cấp.

Thầy Quang cho biết khoa Đông phương học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) thường xuyên đón tiếp khách nước ngoài.

Thầy nói: "Bên cạnh giảng dạy, tôi cũng chọn áo dài nhằm phục vụ cho những công việc ngoại giao. Mỗi lần gặp gỡ những vị tổng lãnh sự quán tại trường hoặc sang nước ngoài dạy học, tôi đều thích mặc áo dài.

vi thay giao thich mac ao dai anh 3
Nam giảng viên mặc áo dài khi gặp gỡ những vị khách nước ngoài. Ảnh: NV cung cấp.

Như đã chia sẻ ở trên, tà áo dài thay cho lời giới thiệu 'Xin chào! Tôi đến từ Việt Nam'. Bên cạnh đó, khi nghe tôi trình bày với trang phục áo dài, người dân ở nước bạn cũng sẽ cảm nhận được vẻ đẹp văn hóa của dân tộc, đất nước chúng ta. Từ đó, hình ảnh, ngôn từ của mình cũng được người ta chú ý và trân trọng hơn".

Mỗi tuần, thầy Hồ Minh Quang lên lớp 4-5 buổi. Những lúc đi dạy, thầy chọn áo dài, kết hợp với khăn xếp và guốc mộc. Còn khi làm công việc giấy tờ tại văn phòng, thầy diện áo sơ mi, quần tây đơn giản.

"Trong các dịp lễ hội, hội thảo quốc tế, sự kiện giao lưu văn hóa ở trường, tôi mặc áo dài màu để tiếp khách nước ngoài. Còn khi đi dạy học, tôi sẽ sử dụng áo dài the đen", nam giảng viên tiết lộ.

Nam giới không nhất thiết phải mặc áo dài

Thầy Hồ Minh Quang trao đổi cùng Zing: "Nếu mặc đúng theo hình thức truyền thống, áo dài có nhiều lớp sẽ tạo cảm giác nóng bức. Tuy nhiên, tôi là người chịu được nóng nên không cảm thấy quá khó chịu. Lúc tôi đi dạy ở những nơi có thời tiết lạnh, mát mẻ như Đà Lạt, mặc áo dài sẽ thoải mái hơn".

Giảng viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng không nên quá đòi hỏi nam giới, nhất là các bạn nam trẻ tuổi, mặc áo dài nếu họ cảm thấy không thoải mái.

"Nam sinh thường có tính cách năng động, ưa chạy nhảy. Tôi nghĩ áo dài sẽ khiến các em gặp bất tiện khi sử dụng.

Với nam sinh, có thể các em thích thể hiện tình yêu với áo dài bằng suy nghĩ, không nhất thiết thông qua hành động ngay tức thì. Một lúc nào đó, các em ấy sẽ tự khoác lên mình áo dài truyền thống khi cảm thấy sẵn sàng, không cần ai thúc ép", thầy nói.

"Tôi không nghĩ mình sẽ trở thành hình mẫu để lan tỏa tình yêu về áo dài. Đây là trang phục của lễ nghi. Mọi hành động đi, đứng, ngồi hay các hình thức sinh hoạt khác cùng áo dài đều có quy tắc hành xử đi kèm", thầy Quang chia sẻ thêm.

Giới trẻ nghĩ gì về việc mặc đồ truyền thống ra đường? Bên cạnh sự ủng hộ, các bạn trẻ Trung Quốc cho rằng trang phục truyền thống khá bất tiện, trông kỳ lạ nếu được mặc vào ngày thường.

Bạn đang đọc bài viết "Thầy giáo TP.HCM mặc áo dài mỗi khi đi dạy" tại chuyên mục Thời trang.