GIÁO DỤC

Khoản lỗ nửa nghìn tỷ của ông lớn buôn gạo Tân Long

31/10/2020 22:20

Đặt cạnh quy mô doanh thu ngót nghét 40.000 tỷ đồng thì con số lỗ gần 500 tỷ đồng trong năm 2019 là vấn đề đáng lưu tâm đối với Tân Long Group cùng Chủ tịch Trương Sỹ Bá.

tân-long-2-1 (1)

Ông Trương Sỹ Bá – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tân Long Group

Giữa năm 2018, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long (Tân Long Group) thu hút sự chú ý trên thị trường xuất khẩu gạo khi là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã “đánh bật” các doanh nghiệp quốc tế đến từ Trung Quốc, Thái Lan và Úc để trúng “trọn gói” 60.000 tấn gạo Japonica (giống gạo ngắn của Nhật) cung cấp cho Hàn Quốc dưới dạng đấu thầu Chính phủ. Trước đó vào hồi tháng 5/2018 đơn vị này cũng đã trúng thầu 50.000 tấn. Như vậy, chỉ trong vòng nửa năm Tân Long Group đã trúng 110.000 tấn gạo Japonica bán cho Chính phủ Hàn Quốc.

Thành tích này được xem là đáng khích lệ đối với một doanh nghiệp tư nhân Việt, nhưng đây không phải lần đầu ông lớn buôn gạo Tân Long tạo được tiếng vang vậy.

Cuối năm 2016, Tân Long là công ty tư nhân Việt Nam thắng gói thầu cung cấp gạo chất lượng cao cho chính phủ Hàn Quốc. Hợp đồng đầu tiên mang tính thăm dò thị trường chỉ ở mức 3.000 tấn gạo Japonica, giống lúa cho hạt tròn còn gọi là gạo Nhật, với giá xuất khẩu dao động từ 700-1.000 USD/tấn, cao hơn giá gạo thường của Việt Nam khoảng 200-300 USD/tấn.

Đến đầu năm 2017, Tân Long xuất tiếp gạo Japonica đi Hàn Quốc, quy mô gấp 10 lần đợt đầu tiên. Ông Trương Sỹ Bá - người dẫn dắt Tân Long lúc ấy chia sẻ rằng, đợt hàng thứ hai này mang về cho doanh nghiệp lợi nhuận khoảng ba triệu USD. “Làm gạo chưa ai lãi như vậy,” ông Bá nói.

Một trong những hợp đồng thương mại lớn Tân Long thực hiện là mua 176.000 tấn điều thô từ Tanzania, quốc gia đông Phi. Tổng lượng mua hàng của Tân Long ước tính chiếm khoảng 18% lượng điều thô nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2018, theo thống kê của tổng cục Hải Quan.

Từ đó Tân Long mau chóng trở thành nhà xuất nhập khẩu điều nguyên liệu lớn nhất Việt Nam, sản lượng 250.000 tấn trong năm 2019.

Screenshot (213)

Đồ họa Khánh An/Nhadautu.vn

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, CTCP Tập đoàn Tân Long là một trong những tập đoàn đa ngành lớn tại Việt Nam trong lĩnh vực hóa chất, nông sản, khoáng sản. Tiền thân của doanh nghiệp này là CTCP hóa chất Tân Long, được thành lập vào năm 2000.

Tại ngày 22/5/2018, số vốn điều lệ của công ty này ở mức 1.200 tỷ đồng. 5 tháng sau, Tân Long tăng vốn lên mức 2.200 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến hiện tại. Chủ tịch HĐQT - ông Trương Sỹ Bá (sinh năm 1967) - cũng là chủ sở hữu với tỷ lệ 88% cổ phần. 

Cho đến thời điểm hiện tại, ngoài trụ sở chính đặt tại Hà Nội, Tân Long cũng đã phủ sóng trên nhiều tỉnh thành qua việc mở chi nhánh tại Đồng Tháp, Đà Nẵng, TP.HCM và Hải Phòng. Việc đẩy mạnh quy mô kinh doanh giúp cho doanh thu của Tân Long trong 4 năm trở lại đây luôn duy trì trên mức 20.000 tỷ đồng, riêng năm 2019 đã lên đến 38.137 tỷ đồng, tuy nhiên điều bất ngờ là ông lớn này lại báo lỗ thuần ở mức 493,2 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Tân Long (công ty mẹ) là 18.249 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 904 tỷ đồng. Cần phải nhấn mạnh rằng, đặt cạnh vốn góp chủ sở hữu là 2.200 tỷ đồng, thì nhiều khả năng Tân Long đang phải gánh khoản lỗ lũy kế ngót nghét 1.300 tỷ đồng. Và việc thua lỗ đã kéo dài từ nhiều năm trước, khi vốn chủ sở hữu từng ở mức âm năm 2017. 

Screenshot (215)

Đồ họa Khánh An/Nhadautu.vn

Tân Long có một công ty con là CTCP Thăng Hoa được thành lập vào năm 2008. Tại ngày 31/12/2019, Thăng Hoa có tổng tài sản ở mức 8.020 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu và vốn góp chủ sở hữu lần lượt đạt 135,2 tỷ và 200 tỷ đồng. Tương tự như Tân Long thì khoản doanh thu thuần trong năm 2019 của Thăng Hoa cũng rất lớn với 16.467 tỷ đồng, dẫu vậy lỗ thuần lại ở mức 65,2 tỷ đồng.

Hệ sinh thái liên quan đến Tân Long Group còn có CTCP Hóa chất Hưng phát Hà Bắc và CTCP Gạo Hạnh Phúc (viết tắt Hạnh Phúc JSC). Trong đó với Hóa chất Hưng Phát, cả ông Trương Bá Sỹ và Tân Long đều đã từng sở hữu cổ phần tại đây, tuy nhiên cập nhật ở lần thay đổi gần nhất (năm 2013) Tân Long đang nắm giữ 6,67% cổ phần. Tại ngày 31/12/2019, vốn điều lệ và tổng tài sản của Hưng phát Hà Bắc ở mức 84 tỷ đồng và 154 tỷ đồng. Năm 2019, công ty này thu về 2,9 tỷ đồng lợi nhuận thuần và 75,6 tỷ đồng doanh thu thuần.

Riêng đối với Hạnh Phúc JSC, doanh thu và lợi nhuận thuần trong năm 2019 ở mức 2.878 tỷ đồng và 142 triệu đồng. Tổng tài sản và vốn điều lệ tại ngày 31/12/2019 lần lượt đạt 2.311 tỷ đồng và 202 tỷ đồng.

Ngoài dẫn dắt Tân Long, doanh nhân sinh năm 1967 Trương Sỹ Bá còn là đại diện pháp luật tại loạt doanh nghiệp khác như CTCP Khai thác và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Thiên Long, CTCP Bột đá Vôi trắng Siêu mịn Nghệ An (đã ngừng hoạt động) và Công ty TNHH Thương mại Việt Xuyên.