GIÁO DỤC

Hiệu ứng chuột Lemming và tâm lý đám đông trên thị trường chứng khoán

03/11/2020 18:00

TGVN. 'Chúng ta không thể thu được nhiều lợi nhuận nếu chỉ mua những gì mà mọi người đổ xô đi mua'. Warren Buffet đang nhắc đến hiệu ứng chuột Lemming - một trong những lý do hàng đầu khiến các nhà đầu tư vướng phải những khoản thua lỗ khi tham gia vào thị trường chứng khoán.

Huyền thoại đầu tư Warren Buffet từng nói về thị trường chứng khoán như sau: 'Hầu hết mọi người nhảy vào mua chứng khoán khi thấy người khác mua chúng. Thời điểm tốt nhất để quan tâm đến cổ phiếu là khi không ai để ý đến nó. Chúng ta không thể thu được nhiều lợi nhuận nếu chỉ mua những gì mà mọi người đổ xô đi mua'.

hieu ung chuot lemming va tam ly dam dong tren thi truong chung khoan
Hiệu ứng chuột Lemming và tâm lý đám đông trên thị trường chứng khoán (nguồn: Internet)

Hiệu ứng mà nhà đầu tư huyền thoại nhắc đến được gọi là Lemming - một trong những lý do hàng đầu khiến các nhà đầu tư vướng phải những khoản thua lỗ khi tham gia thị trường chứng khoán. Câu chuyện về cái chết của loài chuột Lemming sau đây là một bài học đáng suy ngẫm.

Khi tôi còn học tiểu học, thầy giáo cho cả lớp xem một đoạn phim về vòng đời của chuột Lemming. Cả lớp rất thích thú khi xem cảnh chuột mẹ hạ sinh những con chuột con bé xíu. Chúng tôi cười rúc rích khi xem những sinh vật lông tơ mịn màng dễ thương này chơi đùa và lớn lên. Thế nhưng bỗng nhiên, tất cả chúng tôi đều giật mình kinh ngạc khi đoạn phim chuyển sang hàng ngàn con chuột Lemming này đã trưởng thành lại ồ ạt nhảy từ vách đã xuống biển, bơi đến mệt lử rồi chết.

Từ năm 1995 đến năm 2003, hàng triệu nhà đầu tư đã hành động y như loài chuột Lemming. Nhưng thay vì mất mạng, rất nhiều người đã mất trắng khoản tiền dành dụm cả đời mình. Vì sao vậy? Như mọi khi, có nhiều lý do.

Một trong những lý do đó là vì các nhà đầu tư này đã mù quáng làm theo xu hướng của số đông, làm những điều mà người khác làm chứ không phải những điều có lợi cho mình.

Năm 1995, khi thị trường chứng khoán thế giới bắt đầu nóng lên, những "chú chuột Lemming" này bắt đầu thò đầu ra khỏi hang. Khi thấy bạn bè xung quanh giàu lên và không muốn bỏ qua dịp này, nhiều chú chuột Lemming khác cũng rời hang an toàn của mình để chạy theo bầy đàn, nhảy từ vách đá vào thị trường chứng khoán nóng bỏng nhất trong lịch sử.

Chuyện gì đã xảy ra với những chú chuột Lemming không nhảy xuống biển?

Dĩ nhiên, không phải chú chuột Lemming nào cũng 'nhảy từ vách đá xuống' trong thời gian 1995 đến 2000. Có nhiều chú chuột nhận ra thị trường sắp sụt giá đã nhảy sang bất động sản và trái phiếu khi lãi suất ngân hàng giảm xuống. Một lần nữa, những chú chuột Lemming này lại làm theo đám đông.

Sự kỳ vọng rất cao vào tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến thị trường chứng khoán bùng nổ vào năm 2007. Ngoài ra, hiệu ứng đám đông vì cơn say tăng trưởng và lợi nhuận đã cuốn hút một lượng rất lớn nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Tại thời điểm này, người người, nhà nhà đều biết đến chứng khoán.

Câu chuyện về kiếm lời từ chứng khoán len lỏi từ quán trà đá đến văn phòng công sở. Chứng khoán bỗng dưng trở thành đề tài “nóng hổi” và hấp dẫn nhất trong cuộc sống thường nhật, người ta gọi thị trường chứng khoán là “cơn sóng thần” và tình trạng bỏ công việc chính để tập trung đầu tư ở thời đó chắc hẳn không quá xa lạ.

Việc kiếm tiền chưa bao giờ đơn giản đến thế, chỉ cần mở một tài khoản chứng khoán và mua cổ phiếu là có lãi dù bất kể là cổ phiếu nào, bất kể công ty hoạt động ra sao. Nhu cầu kiếm tiền trong sự nhàn rỗi bùng nổ đã khiến hững người không có kiến thức đầu tư cũng tham gia thị trường chứng khoán vì nghiễm nhiên đầu tư là có lãi.

Vào thời điểm đó, cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng là điều khá phổ biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thậm chí xuất hiện nhiều cổ phiếu có thị giá 300.000 đồng, 600-700.000 đồng. Những cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên 12/3/2007 có thể kể tới như FPT (610.000 đồng), BVS (430.000 đồng), SJS (390.000 đồng), HRC (377.000 đồng), BMC (376.000 đồng), REE (288.000 đồng), PVD (280.000 đồng), DHG (278.000 đồng), SAM (245.000 đồng), BMP (245.000 đồng)…

Giấc mộng kiếm tiền từ chứng khoán của người dân vẫn được duy trì một thời gian dài trước khi thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào đợt khủng hoảng nặng nề vào năm 2008. Hiệu ứng 'hòn tuyết lăn' đã tạo nên nỗi ám ảnh khó quên với những ai trải qua giai đoạn này. Bảng điện giao dịch được bao phủ bởi sắc xanh sàn 'hoảng loạn' khi hàng triệu cổ phiếu được đem ra bán tháo. Các công ty chứng khoán liên tục giải chấp cổ phiếu, thị trường lao dốc không phanh.

Có thể nói thời kỳ 2007 - 2008 là giai đoạn 'kẻ khóc người cười', số nhỏ nhà đầu tư kịp thoát khỏi thị trường lúc đỉnh thì đổi đời, đám đông vẫn cố chấp tin vào VN-Index sẽ hồi phục trở lại thì thậm chí mất cả gia tài và sự nghiệp.

hieu ung chuot lemming va tam ly dam dong tren thi truong chung khoan
Diễn biến VN-Index từ năm 2000 - 2018 (nguồn: VNDirect)

Bài học kinh nghiệm

Đa phần các nhà đầu tư mua cổ phiếu mà không hề hiểu rõ giá trị nội tại và câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp. Việc mua bán diễn ra chớp nhoáng khi có thông tin lan truyền. Giống như những chú chuột Lemming vẫn nhảy từ vách núi xuống biển mặc dù không biết lý do khiến đồng loại của mình làm vậy và cũng không hề quan tâm phía dưới mặt biển là 'hạnh phúc' hay 'khổ đau'.

Trên thị trường chứng khoán, phần thắng không thuộc về đám đông, vì thế bạn hãy tư duy độc lập và hành động theo lý trí. Hãy trang bị cho bản thân kiến thức, và mua cổ phiếu khi định giá hấp dẫn thay vì chạy theo tin đồn.

Theo thống kê 95% nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đều bị bào mòn tài khoản và vướng phải những khoản thua lỗ. Bạn muốn mình nằm trong 5% ít ỏi kia hay vẫn tiếp tục chạy theo số đông để kỳ vọng vào những cơ hội dễ dàng, chớp nhoáng. Hy vọng rằng câu chuyện về 'cuộc đời và cái chết của loài chuột Lemming' phía trên sẽ cho bạn cái nhìn mới để thay đổi và cải thiện phương pháp đầu tư của mình.

Ms. Hà Thu - Team MegaBot. Tham gia Group tư vấn tại đây.

Diễn biến thị trường chứng khoán ngày 30/10: Đầy thăng trầm và cảm xúc

Diễn biến thị trường chứng khoán ngày 30/10: Đầy thăng trầm và cảm xúc

Câu chuyện con gà tây và bài học cắt lỗ trong đầu tư chứng khoán

Câu chuyện con gà tây và bài học cắt lỗ trong đầu tư chứng khoán

5

5 'bài học vàng' từ huyền thoại đầu tư tài chính Warren Buffett