GIÁO DỤC

Góc khuất đằng sau người mẫu ngoại cỡ, da màu

30/10/2020 07:03

Để có chỗ đứng ở làng thời trang, người mẫu phải đánh đổi rất nhiều thứ, trong đó có đời sống tinh thần.

Thế giới thời trang không hào nhoáng như vẻ bề ngoài. Một số người mẫu chia sẻ họ gặp phải nhiều vấn đề tâm lý khi làm nghề.

Đỉnh điểm, chân dài da màu Ajak Deng từng khóc khi tâm sự với người hâm mộ về tình trạng tâm lý và góc khuất của nghề mẫu trong một buổi phát sóng trực tiếp. Cô tiết lộ mình không nhận được sự tôn trọng từ công ty quản lý IMG Models.

Ajak Deng cho rằng cô đã trải qua những điều tồi tệ khi làm nghề và từng nghĩ tới việc tự tử.

nguoi mau mac benh tam ly anh 1

Buổi livestream của Ajak Deng là "giọt nước tràn ly" sau những tổn thương nữ người mẫu phải chịu. Ảnh: Diaspora 7.

"Tôi cô đơn tột cùng"

"Đồng nghiệp ngày nào cũng thì thầm vào tai tôi rằng tôi rất tồi tệ. Nếu tôi tự kết liễu đời mình, lý do chính là họ", Ajak Deng nói trong nước mắt.

Ngành thời trang không chỉ có ánh hào quang trên những sàn diễn thời trang danh giá, cũng không phải thế giới màu hồng của dàn người mẫu đẹp như tượng tạc. Để được đứng trên đỉnh cao danh vọng, họ phải đánh đổi nhiều thứ, trong đó có cả đời sống tinh thần.

Bởi vậy, buổi phát trực tiếp của Ajak Deng thu hút nhiều sự chú ý của dân mạng cũng như những người trong nghề.

nguoi mau mac benh tam ly anh 2

Ajak Deng áp lực vì mọi người luôn muốn cô trở nên hoàn hảo. Ảnh: Racked.

Cô chia sẻ với người hâm mộ: "Đây là cuộc sống mọi người luôn mơ ước đúng không? Nếu trở thành người mẫu thành công, bạn phải hiểu nỗi cô đơn tột cùng là như thế nào. Đồng nghiệp muốn bạn phải làm tốt hơn nữa và cho rằng bạn thật kém cỏi. Tôi quá mệt mỏi rồi".

Có người tỏ ra khó hiểu bởi Ajak Deng vốn là nữ người mẫu có sự nghiệp thành công và được đánh giá cao. Cô từng sải bước trên sàn diễn của các nhà thiết kế nổi tiếng trên thế giới.

Theo MSN, 40% người mẫu hiện nay mắc chứng rối loạn ăn uống và trầm cảm. Một nghiên cứu về tỷ lệ tự tử của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh cũng cho thấy ngành công nghiệp thời trang đứng vị trí thứ 7, sau cảnh sát, thợ cơ khí và công nhân nhà máy.

Không được là chính mình

Trang Medium cho rằng nhiều người mẫu gặp vấn đề tâm lý vì bị phân biệt màu da hay ngoại hình.

Một người mẫu ngoại cỡ tên Constance Smith chia sẻ câu chuyện của mình. Mong muốn của cô là đại diện cho những phụ nữ bình thường trong giới thời trang.

"Tôi tìm đến một số công ty người mẫu nhưng họ đều yêu cầu tôi giảm cân. Có người thậm chí còn nói không có chỗ cho những người như tôi trong làng thời trang. Họ cho rằng size của người mẫu ngoại cỡ chỉ dừng lại ở size 10", Smith kể lại.

Bên cạnh đó, Smith thất vọng khi nhận ra các nhà thiết kế không coi trọng mẫu ngoại cỡ. Trong show diễn, một số nhà mốt chỉ xếp cho cô mặc áo phông đơn giản, khác hẳn với bộ đồ thiết kế các người mẫu còn lại diện.

Chưa hết, cô bị nhiều nhiếp ảnh gia từ chối làm việc cùng với lý do "không có kinh nghiệm làm việc với mẫu ngoại cỡ".

Trải qua nhiều tổn thương, Constance Smith thừa nhận có khoảng thời gian bản thân luôn cảm thấy u sầu, tự trách mình béo và xấu xí.

Pop Sugar nhận xét: "Ngành công nghiệp thời trang bị chỉ trích vì lãng mạn hóa thứ gọi là hình thể lý tưởng và cổ vũ những tiêu chuẩn phi thực tế về vẻ đẹp".

Trong buổi phỏng vấn với Vogue, chân dài Adesuwa Aighewi tâm sự: "Khi làm người mẫu, bạn trở thành con người khác. Bạn thậm chí không còn thuộc về bản thân".

Ngoài ra, nỗi sợ bị đào thải cũng khiến người mẫu cảm thấy áp lực. Do tuổi nghề ngắn, hầu hết họ đều trân trọng khoảng thời gian được sải bước trên sàn diễn, không dám nói lên những bất công.

Trước vấn đề này, Kaia Gerber bày tỏ rằng đối mặt chính là một trong những cách giải quyết hiệu quả.

"Đôi khi bạn cảm thấy không ổn và chuyện đó rất bình thường. Buồn cũng không sao, có những ngày tồi tệ cũng không sao cả", Kaia Gerber nói.

Nữ người mẫu 23 tuổi không thể tự thở Từ khi còn nhỏ, Vita Bernik đã phải gắn liền với máy trợ thở và xe lăn.

Bạn đang đọc bài viết "Góc khuất đằng sau người mẫu ngoại cỡ, da màu" tại chuyên mục Thời trang.