GIÁO DỤC

[Gặp gỡ thứ Tư] TS. Nguyễn Trí Hiếu: 'Tổ hợp tín dụng 300.000 tỷ - Hạ chuẩn cho vay để kích thích tăng trưởng'

12/11/2020 00:01

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng đề xuất một tổ hợp tín dụng 300.000 tỷ cho vay "dưới chuẩn" từ các ngân hàng thương mại và cho rằng đây là thời điểm để các ngân hàng thế hiện vai trò, trách nhiệm xã hội của mình.

Kết quả 2 cuộc khảo sát lớn được Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) làm để quan sát ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 tới kinh tế Việt Nam đưa tới những con số rất đáng lo ngại như: 72,7% doanh nghiệp (DN) có nhu cầu vay vốn do tác động tiêu cực của dịch bệnh nhưng 85,5% số DN cho biết gặp khó khăn trong tiếp cận vay vốn ngân hàng. 

Điều tra về các gói hỗ trợ từ phía Chính phủ nhằm vực dậy DN, nền kinh tế thì đến nay mới có 17,9% doanh nghiệp nhận được các hỗ trợ. Còn lại 82,1% DN chưa nhận được hỗ trợ. Trong đó, 50% DN không nhận được gói hỗ trợ vì không đáp ứng được điều kiện để nhận hỗ trợ.

Những thông tin trên được nêu ra trong bối cảnh hệ thống ngân hàng đang dư thừa thanh khoản, các ngân hàng đều phản ánh thừa vốn mà không thể cho vay, tăng trưởng tín dụng thấp kỷ lục. Điều này tưởng như phi lý trong một nền kinh tế doanh nghiệp thì đói vốn, còn ngân hàng lại dư thừa thanh khoản, không thể cho vay. 

Muốn vực dậy nền kinh tế thì DN là cốt lõi, không giải được bài toán vốn thì DN cũng không thể tồn tại và phát triển. Vậy làm sao để giải được bài toán nêu trên? Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng để tìm ra điểm gặp nhau của ngân hàng và DN trong giai đoạn khó khăn này của nền kinh tế.

TS-nguyen-tri-hieu

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng.

Được biết, ông đã đề xuất một gói tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 với hạn mức khoảng 300.000 tỷ. Xin ông chia sẻ rõ hơn về đề xuất này?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đúng là có nghịch lý lớn là ngân hàng có tiền, khi tăng trưởng huy động vốn khoảng 7,7%, trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 6,09%. Ngân hàng có thanh khoản tốt nhưng lại sợ nợ xấu nên rất hạn chế trong cho vay.

9 tháng đầu năm cho thấy, ngành ngân hàng là ngành khởi sắc nhất trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, DN điêu đứng, khát vốn trong khi ngân hàng thì thưa thanh khoản. Đây là lúc các ngân hàng cần thể hiện vai trò xã hội của mình bằng cách đẩy vốn ra nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp.

Tôi đề xuất một tổ hợp tín dụng có hạn mức lên đến 300.000 tỷ đồng. Tất cả các ngân hàng nội, ngoại có mặt ở Việt Nam đều phải tham gia với mức trung bình từ 3-3,5%/tổng dư nợ của mỗi ngân hàng. Như thế, ngân hàng lớn sẽ đóng góp nhiều, còn ngân hàng nhỏ sẽ đóng góp ít hơn.

Tổ hợp tín dụng này phải do Ngân hàng Nhà nước đứng ra làm đầu mối và tất cả các ngân hàng sẽ họp lại với nhau để đưa quy chế, quy trình, tiêu chí để DN nào có thể được vay. Theo tôi nên lựa chọn những doanh nghiệp có khả năng duy trì hoạt động ở thời điểm hiện tại và có thể phục hồi trong tương lai. Vì nếu hỗ trợ những DN đã "chết lâm sàng" thì cũng chỉ như "muối bỏ biển" mà thôi.

Đề xuất này hẳn sẽ được đông đảo DN ủng hộ. Tuy nhiên, không cho vay không phải vì ngân hàng thiếu tiền mà vấn đề nan giải nhất là yêu cầu "không hạ chuẩn" của NHNN và nếu như vậy mãi mãi hai bên (ngân hàng và DN) không thể gặp nhau. Theo ông, giải bài toán này ra sao trong tổ hợp tín dụng 300.000 tỷ này?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đây không phải quỹ đầu tư nên ngân hàng không phải bỏ tiền vào trước mà 300.000 tỷ chỉ là hạn mức để cho vay trong gói này. Trong số các ngân hàng thương mại phải bầu ra một người để giám sát xem mỗi lần giải ngân là giải ngân cho ai và bao nhiêu.

Khoản vay cho DN có một số điều kiện cơ bản như: Vay trong vòng tối thiểu 5 năm, 2 năm đầu là vay tuần hoàn và 3 năm sau trả dần trên dư nợ vay vào cuối năm thứ 2. Mức lãi suất nên rất thấp từ 3-5%. Các ngân hàng phải dùng vốn Casa của mình (khoảng 10-20% dòng vốn Casa) để hỗ trỡ cho gói này. Vì dòng vốn này ngân hàng huy động vào được với lãi suất rất thấp.

Đúng là các ngân hàng không thể hạ chuẩn cho vay trong điều kiện thông thường. Tuy nhiên, trong tổ hợp tín dụng này thì phải có quy định khác so với truyền thống, phải hạ chuẩn và phải có cơ chế bảo lãnh tín dụng. Cơ chế này cho phép ngân hàng hạ chuẩn cho vay. Khi cho vay không thu lại được thì là lỗ và coi đó là chi phí quốc gia.

Cần luôn luôn duy trì tiền trong quỹ bảo lãnh tín dụng này để lấp đầy tỷ lệ 10/1 (10 đồng vốn, 1 đồng bảo lãnh), để các ngân hàng tin tưởng cho vay. Quỹ bảo lãnh cũng như chơi chứng khoán, mỗi lần bồi thường cho rủi ro sẽ bị giảm xuống và Chính phủ phải xem đó là chi phí của quốc gia duy trì hoạt động của quỹ. Có quy chế đặc biệt cho vay và chuẩn mực trong tổ hợp này khác với truyền thống.

Theo đó, để ngân hàng cho vay an toàn thì cần sử dụng quy chế an toàn. Năm 2018 Chính phủ đã có Quyết định 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng và hạn mức cũng rất nhỏ. Với tổ hợp tín dụng này phải có quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, ngân sách bỏ tiền vào quỹ đó với vốn điều lệ tối thiểu là 30.000 tỷ để bảo lãnh cho 300.000 tỷ tín dụng các ngân hàng bỏ ra. 

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng dù nới lỏng điều kiện tín dụng cũng không nên cho vay quá 3 lần vốn tự có của DN và DN phải có vốn tự có dương.

Vậy làm sao kiểm soát được rủi ro, lo ngại DN, ngân hàng sẽ lợi dụng quỹ này để cho vay dưới chuẩn, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tổ hợp này trên nguyên tắc là khả thi nhưng không phải dễ làm, đòi hỏi trách nhiệm xã hội của các ngân hàng rất lớn. Với thực tế hoạt động 9 tháng có lãi, thừa tiền, thanh khoản dồi dào, các ngân hàng hoàn toàn có khả năng làm được gói hỗ trợ này.

Tuy nhiên cũng cần kiểm soát chặt chẽ và đây là yêu cầu bắt buộc. Trong cơ chế của tổ hợp tín dụng này các ngân hàng phải đưa ra ban kiểm soát đồ sộ để giám sát DN vay, không đầu tư vào các tài sản rủi ro hay để cơ cấu lại nợ. Chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được, vấn đề chỉ là có muốn làm hay không.

Chính phủ, ngành ngân hàng cũng nên coi đây là thời điểm để cải tổ lại cả nền kinh tế và yêu cầu đồng hành với DN là trách nhiệm xã hội của ngành ngân hàng ở thời điểm hiện tại.

Xin cảm ơn ông!